Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến rất phức tạp đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh này, bản thân các DN cũng cẩn trọng trong việc đi vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, các NHTM vừa nỗ lực vừa thận trọng trong việc đẩy tín dụng ra thị trường.
Một DN kinh doanh ngành xăng dầu tại TPHCM xin được giấu tên cho hay, đang có dư nợ khoảng 40 tỷ đồng tại một NHTM quốc doanh. DN này đề xuất ngân hàng tăng hạn mức tín dụng vì chi phí vốn tăng. Dịch bệnh đã khiến DN cần thêm vốn để duy trì hoạt động cũng như trang trải thêm một số chi phí y tế phát sinh.
Tuy nhiên, NHTM quốc doanh này không đồng ý, với lý do DN đã được cho vay với số tiền trị giá lên tới 70% tài sản thế chấp. Nếu muốn cho DN vay thêm, ngân hàng phải định giá lại tài sản cho vay mà điều này cần có thời gian.
“Khơi thông dòng vốn, hỗ trợ DN, hạ lãi suất cho vay không có nghĩa là cho vay dễ dãi và dưới chuẩn bởi nếu không thì nguy cơ xuất hiện nợ xấu là rất lớn”, đại diện NHTM quốc doanh này chốt lại như vậy.
Ở tầm bao quát hơn, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, tổng dư nợ thực tế từ ngày 10-6 đến nay của các NHTM là hơn 1,19 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, phản hồi từ DN cho thấy, hơn 50% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA chia sẻ, như vậy khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm nghiêm trọng, nợ xấu có nguy cơ tăng vọt.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cùng nhận định khi phân tích, tín dụng đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, song việc tăng trưởng dựa chủ yếu vào tín dụng đang khiến ngân hàng lo lắng nợ xấu tăng khi khả năng trả nợ của DN giảm.
Nhất là trong bối cảnh Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm, giãn nợ cho đối tượng bị ảnh hưởng chỉ có hiệu lực đến cuối năm 2021, nên không chỉ khiến DN mà cả ngân hàng cũng hết sức lo lắng.
Cần cơ chế hỗ trợ
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động tín dụng nên dòng tín dụng không bị gián đoạn.
Đối với những khách hàng hay sử dụng công nghệ để kết nối với dịch vụ cho vay của ngân hàng, và các DN minh bạch tài chính, có uy tín, đã áp dụng công nghệ thông tin đều được ngân hàng tiếp nhận hồ sơ đăng ký và xét duyệt vay vốn, như đánh giá năng lực tài chính, tài sản đảm bảo… qua mạng. Những khách hàng cá nhân và DN nhỏ và vừa nếu có quan hệ tín dụng với ngân hàng từ trước, ngân hàng có thể kiểm tra thông tin để cho vay. Đồng thời giám sát việc sử dụng vốn cũng thực hiện từ xa thông qua báo cáo tài chính, doanh thu… của DN.
Về việc giảm lãi suất vay cho DN, đến thời điểm này, 16 NHTM vẫn cam kết sẽ giảm tổng số 20.500 tỷ đồng thông qua việc giảm lãi suất. Chưa hết, các NHTM, đặc biệt là 4 NHTM Nhà nước đã cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ trên địa bàn TPHCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều NHTM cũng kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến hết năm 2021 như hiện tại.
Ngoài ra, các ngân hàng NHTM cũng kiến nghị NHNN có cơ chế khoanh nợ không tính lãi trong khoảng thời gian hợp lý, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất điều hành, tạo nguồn lực để ngân hàng hỗ trợ người dân.
Giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú,qua phân tích diễn biến thị trường, vốn khả dụng các NHTM khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Hiện cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, do đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương, nên việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.