Trần tình về sự thiếu hụt của ngân sách so với nhu cầu đầu tư thực tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong năm 2014 Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị hỗ trợ tối thiểu 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng. Còn lại bộ phải đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để bù đắp.
Theo bộ trưởng, trong năm 2014 bộ chỉ có trong tay 35.000 tỷ đồng ngân sách để phân bổ cho tất cả các bộ, ngành và địa phương, nhưng riêng ngành Giao thông - Vận tải đã cần đến 20.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề nghị nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA là 71.000 tỷ đồng.
Để giảm áp lực đầu tư cho ngân sách, bộ trưởng cho rằng cần ngăn chặn tình trạng đầu tư công dàn trải những năm qua. Quốc hội cũng muốn chặn lại tình trạng đầu tư dàn trải thông qua việc ban hành Luật Đầu tư công. Đây là quyết tâm rất lớn, dù bước chuyển nào cũng rất đau, rất khó.
"Về nguyên tắc Quốc hội không đồng ý phát hành TPCP giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên chúng tôi thấy ngân sách rất nhỏ bé, vốn đó chỉ đủ làm việc nhỏ thôi, còn những dự án lớn mà đất nước làm được chủ yếu từ nguồn TPCP và ODA. Thời gian qua, Quốc hội đã bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP cho giai đoạn 2014-2016. Như vậy chỉ kết thúc năm 2016 là hết. Nhưng các công trình trong danh mục sử dụng TPCP vẫn chưa hết, phải chuyển tiếp, không biết lấy vốn ở đâu - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.
Trong kế hoạch sử dụng ngân sách 5 năm tới, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo Chính phủ xem có bao nhiêu dự án chuyển tiếp sử dụng TPCP đang được bố trí giai đoạn 2014-2016. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, nếu 5 năm tới không có TPCP thì đất nước không phát triển được. Do vậy bộ đã đề nghị với Chính phủ 2 cách, thứ nhất xem lại Luật nợ công vì đến 2016 trần nợ công của ta đã tới giới hạn.
Luật nợ công quy định trần nợ công Việt Nam không quá 65% GDP và theo tính toán của Bộ Tài chính đến năm 2016 nợ công Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 64,9%. Thứ hai, quy mô GDP đang tăng lên, đà tăng trưởng đã trở lại nên điều quan trọng bây giờ không phải trần nợ công là 65% hay 70%. Nhiều nước như Nhật Bản nợ công lên đến hơn 100% GDP, có nước ở mức 200% GDP.
Vấn đề đặt ra là khả năng trả nợ chứ không phải vấn đề vay bao nhiêu. Nếu chúng ta tăng cường sử dụng vốn đầu tư hiệu quả vẫn có thể tăng trần nợ công lên để phát hành TPCP. Phát hành TPCP mới làm được dự án lớn, còn trông vào đồng ngân sách còm cõi không thể làm được.