“Miếng bánh” hấp dẫn
Nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc tới 80-90% vào nguồn nhập khẩu, trong đó nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80%. Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất thành phần hoạt chất dược phẩm (API) ở Trung Quốc tạm ngừng hoạt động, còn Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số API thiết yếu. Đây là nguyên nhân khiến giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu giảm mạnh, tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dược trong nước. Tuy nhiên về lâu dài, ngành dược Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển, trong bối cảnh ngành dược thế giới đang bước vào giai đoạn bão hòa.
Theo dự báo từ Hãng nghiên cứu thị trường IBM, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, độ lớn thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức 7,7 tỷ USD năm 2021. Động lực tăng trưởng bền vững đến từ yếu tố chính là chi tiêu bình quân trên đầu người dành cho thuốc gia tăng, nhờ thu nhập của người dân cải thiện và sự quan tâm đến sức khỏe ngày càng cao. Là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2020, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giúp gia tăng thu nhập của người dân, cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao sẽ thúc đẩy chi tiêu cho y tế. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tốc độ già hóa sẽ diễn ra nhanh làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, từ đó mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ngày càng cao, giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thuốc qua kênh bệnh viện (ETC).
Sôi động M&A
Sôi động M&A
Sức hấp dẫn của ngành dược phần nào được thể hiện qua hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) những năm vừa qua. Năm 2020 dù không thuận lợi nhưng vẫn có nhiều thương vụ M&A đáng chú ý trong ngành dược phẩm. Theo thống kê từ CTCK Sài Gòn (SSI), tổng giá trị M&A năm 2020 ước đạt 1.680 tỷ đồng, với sự tham gia của nhiều NĐT ngoại đang hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Thương vụ giá trị lớn nhất là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) - chuyên về thuốc điều trị ung thư, thần kinh và tim mạch - chi ra 920 tỷ đồng mua 25% cổ phần của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), hay ASKA (Nhật Bản) - chuyên về thuốc tiêu hóa, hóc môn và sản phụ khoa - chi 350 tỷ đồng để sở hữu 25% CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT).
Cũng trong năm 2020, Stada - tập đoàn chuyên sản xuất thuốc generic của Đức - đã chi ra hơn 400 tỷ đồng nâng sở hữu tại CTCP Pymepharco (PME) từ 70% lên 76%. Chưa dừng lại ở đây, đầu năm 2021, tại ĐHCĐ bất thường, HĐQT của PME đã thông qua việc cho phép cổ đông lớn Stada và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ mà không cần thực hiện chào mua công khai. Dự kiến việc tăng sở hữu của Stada sẽ hoàn tất trong năm nay, với số tiền tập đoàn này phải bỏ ra để nâng sở hữu lên 100% khoảng 2.000 tỷ đồng. Dù chưa hoàn toàn nằm trong tay đối tác ngoại nhưng HĐQT của PME cũng chính thức bãi nhiệm và được thay thế bởi người của Stada.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp dược có tên tuổi trong nước trở thành “con mồi” của các thương vụ thâu tóm bởi các tập đoàn quốc tế. Đơn cử, Abbott (Mỹ) bỏ ra hơn 2.270 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC). Thậm chí, doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu Việt Nam là CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã trở thành công ty con của Tập đoàn dược phẩm Taiso của Nhật Bản, sau gần 3 năm âm thầm thu gom CP DHG (từ năm 2016 đến năm 2019) với tổng số tiền 6.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, các tập đoàn đến từ EU, Nhật Bản, Mỹ đã chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để nắm quyền chi phối và có ảnh hưởng lớn đến các công ty dược nổi tiếng của Việt Nam.
“Tằm ăn dâu”
“Tằm ăn dâu”
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài tiềm năng của ngành, lý do khiến đối tác ngoại chuộng giải pháp thâu tóm do dược phẩm là lĩnh vực đặc thù, mất nhiều thời gian để xây dựng tên tuổi và chiếm lĩnh thị phần. Vì vậy, thâu tóm doanh nghiệp nội là bước đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp dược phẩm nội địa chỉ sản xuất thuốc ở trình độ bào chế, chưa đủ tiềm lực để đầu tư chi phí lớn cho nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Từ thực tế này, với “vỏ bọc” ban đầu là NĐT chiến lược, các tập đoàn đi thâu tóm dễ dàng nhận được sự đồng ý từ HĐQT và cổ đông, khi vẽ ra viễn cảnh về vốn, kinh nghiệm, kết hợp với thành tựu khoa học, công thức thuốc độc quyền.
Xét về mặt tích cực, hoạt động M&A có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, việc doanh nghiệp “bán mình” cho đối tác ngoại cũng gây nên nhiều quan ngại, trong đó nỗi lo lớn nhất chính là sự biến mất của các thương hiệu Việt. Riêng với ngành dược còn có vấn đề vô cùng quan trọng là việc bảo đảm an ninh quốc gia. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay mỗi một quốc gia đều phải phát triển công nghiệp dược phẩm ở mức độ cần thiết, không thể trông chờ vào nhập khẩu các mặt hàng tối cần thiết cho người dân để chữa bệnh. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Bộ Y tế cần xem xét và theo dõi làn sóng này, bảo đảm ngành dược được an toàn về mặt dược phẩm, y tế đối với đất nước 100 triệu dân.
Trên thực tế, dù nhận biết được ý đồ của các NĐT chiến lược, nhưng doanh nghiệp cũng không đủ sức chống chọi trước vô vàn chiêu thức của họ. Lãnh đạo một doanh nghiệp dược cho biết đối tác ngoại nếu không mua đứt được doanh nghiệp, sẽ chuyển sang chiến lược “tằm ăn dâu”. Theo đó, bên đi thâu tóm sẽ âm thầm thu gom CP trên TTCK, khi đủ tỷ lệ có quyền biểu quyết họ sẽ đưa người vào HĐQT, từ đó dễ dàng thao túng mọi hoạt động và cả những quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp. Có thể lấy dẫn chứng từ PME bị Stada âm thầm thu gom cổ phần từ năm 2011, khi doanh nghiệp này chưa đưa CP lên sàn. Hay DMC trước khi về tay Abbott đã bị đối tác ngoại khác là CFR International SPA (Chile) mua 42% cổ phần vào năm 2012.
Do CP dược được giao dịch ở mức giá khá cao, các thương vụ thâu tóm chỉ là “sân chơi” của các tập đoàn có tiềm lực tài chính, trong khi doanh nghiệp Việt gần như vắng bóng. |