Với 1.726km chạy qua 26 tỉnh thành phố từ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà ga lớn đều nằm ở giữa trung tâm và kết nối với các đô thị của các tỉnh, thành. Vì thế, tuyến đường sắt này đã và đang là tuyến chủ đạo về kinh doanh vận tải của ngành đường sắt nên việc tập trung cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt nhằm nâng cao sản lượng và doanh thu của ngành.
Để có thể thực hiện, VNR tập trung ưu tiên lựa chọn thực hiện các công trình thiết yếu như đảm bảo an toàn; đồng nhất tải trọng toàn tuyến; giải quyết các bất cập của kết cấu hạ tầng làm hạn chế đến năng lực vận tải; nâng cao hiệu suất, hiệu quả khai thác mà ít phải giải phóng mặt bằng và đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, VNR sẽ cải tạo, nâng cấp 111 cầu yếu chưa đạt tải trọng 4,2 tấn/m hoặc các cầu đã xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn, đồng nhất tải trọng và nâng cao tốc độ chạy tàu.
Lãnh đạo VNR cho rằng, các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm, với tải trọng thiết kế thấp đến nay dầm bê tông cốt thép đã bị nứt nẻ phong hoá, dầm thép bị han rỉ nặng. Chưa kể, khu đoạn Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh tải trọng các cầu là 3,6 tấn/m.
“Việc thực hiện nâng cấp, cải tạo các cầu yếu này nhằm mục tiêu đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu đạt bình quân 80 km/giờ. Sau khi đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m trung bình mỗi xe hàng sẽ chở tăng thêm 8,4 tấn hàng (với đoàn tàu kéo 25 toa xe sẽ tăng thêm được khoảng 140 tấn hàng), tăng năng lực chuyên chở, tận dụng năng lực sức kéo dư thừa, đảm bảo tăng doanh thu cho ngành, hiệu quả nguồn vốn đầu tư,” lãnh đạo VNR phân tích.
Ngoài ra, VNR sẽ thực hiện cải tạo, mở thêm đường số 3 đối với 7 ga; kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được hơn 400m đối với 27 ga; mở mới 12 ga và trạm nhường tránh để giải quyết nút thắt về vận tải.
“Dự án này đảm bảo đồng nhất về tiêu chuẩn chiều dài trọng lượng đoàn tàu trên toàn tuyến Bắc-Nam, góp phần tăng năng lực thông qua (từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm), rút ngắn thời gian quay vòng toa xe,” phía VNR đánh giá.
Theo báo cáo của VNR, đến nay, 99% nền đường chưa được cải tạo nâng cấp nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và vận tải đường sắt hiện tại. Hầu hết, nền đường được đưa vào khai thác từ thời Pháp, thiết kế cho tải trọng nhỏ (nhỏ 400 tấn so với 1.200 tấn hiện tại), mật độ chạy tàu thấp, chạy qua nhiều địa hình và thường xuyên bị bão lũ tàn phá nên các kết cấu tầng (tà vẹt, ghi, thanh ray) gồm nhiều chủng loại bị xuống cấp trầm trọng dẫn đến làm tốc độ chạy tàu và sức kéo của đầu máy giảm.
Đặc biệt, trên tuyến có 27 hầm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã bị phong hoá, vòm hầm bị nứt, rỉ nước. Nhiều hầm nằm trên bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn làm tầm nhìn hạn chế. Thời gian qua, VNR đã cải tạo được 5 hầm, còn 11 hầm rất yếu với chiều dài khoảng 3.300m cần thiết phải đầu tư cải tạo.
Bên cạnh đó, VNR cũng tính toán phải xây dựng 42km hàng rào, đường gom để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông; cải tạo mái che ke ga tại 13 ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn.