1. Thị trường tranh Việt mấy năm gần đây có nhiều sự chuyển động rộn ràng. Sau những ngày đại dịch, nhiều cuộc triển lãm quy mô đã kết nối họa sĩ với người xem và người mua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập, như nhà sưu tập Phan Minh Thông chia sẻ: “Những năm trước, chọn mua một bức tranh cỡ vừa, tôi chỉ phải trả 300-500USD.
Đó là mặt bằng chung tranh của nhiều họa sĩ trẻ. Xã hội phát triển, đời sống tăng cao, nhu cầu nghệ thuật tăng lên, họa sĩ không chỉ mong muốn đẩy giá tranh lên cao mà còn tìm cách vẽ nhiều hơn, để có thu nhập nhiều hơn. Nhưng nếu làm nghệ thật quá ăn thua về tiền bạc đôi khi vẽ lại không đẹp và người mua trước sau gì cũng biết.
Ở phía người mua chơi tranh, tôi luôn sẵn sàng chi trả nhiều tiền khi đứng trước một tác phẩm hội họa mà cảm nhận được là họa sĩ đã thực sự cống hiến cho bức tranh đó vô điều kiện. Một bức tranh được vẽ với tâm thế như vậy luôn toát lên 1 vẻ đẹp khiến người sưu tập không cưỡng lại được. Sự hiếm hoi của những bức tranh như vậy vừa khiến nó là nguyên cớ để các tác phẩm đẹp, của các họa sĩ danh tiếng trước nay được đẩy giá lên cao, vừa khiến tôi hoài niệm thời vàng son nghệ thuật ngày nào”.
Trong bối cảnh ấy, cuốn sách “Nghệ thuật mua nghệ thuật” xuất hiện như “gãi đúng chỗ ngứa”. Dịch giả Khổng Loan tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành báo chí quốc tế tại Đại học City London (Anh quốc) năm 2007. Ngoài việc làm báo và giảng dạy báo chí, ông luôn hứng thú với những cuốn sách “hiếm” trên thị trường. Cuốn sách “Nghệ thuật mua nghệ thuật (nguyên tác Anh ngữ “The Art of Buying Art”) của Alan Bamberger, có tít phụ là “Đánh giá và mua tác phẩm như nhà sưu tập chuyên nghiệp”, được dịch giả Khổng Loan cùng những người bạn trong nhóm Artoholics Saigon tìm cách để mua bản quyền và chuyển ngữ để làm cẩm nang cho công chúng mỹ thuật Việt Nam. Tác giả muốn góp một công cụ thiết thực cho những ai quan tâm đến thị trường mỹ thuật hoặc muốn mua nghệ thuật, mà chưa có điều kiện đọc nguyên tác “The Art of Buying Art”.
Thị trường tranh Việt ngày càng gắn kết họa sĩ và khách hàng. |
Tác giả Alan Bamberger - vốn là nhà tư vấn nghệ thuật, cố vấn, tác giả và thẩm định viên độc lập, ông chuyên nghiên cứu, thẩm định và đánh giá các khía cạnh kinh doanh, tiếp thị các tác phẩm nghệ thuật gốc. Ông cũng có nhiều năm nghiên cứu tài liệu, bản thảo của nghệ sĩ, tài liệu liên quan đến nghệ thuật và sách tham khảo nghệ thuật. Ông đã tư vấn, cố vấn và thẩm định cho các nghệ sĩ, phòng tranh, doanh nghiệp, tổ chức và nhà sưu tập từ năm 1985 đến nay. Ông xuất hiện dày đặc trên những kênh truyền thông nổi tiếng như CNN, New York Times, The Wall Street Journal… để chia sẻ về các vấn đề này.
Từ năm 1998, Alan Bamberger tư vấn cho các nghệ sĩ và nhà sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới thông qua trang artbusiness.com, thu hút 5.000-6.000 người truy cập mỗi ngày. Ngay từ ngày đầu, trang này đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tài chính từ các nhà sưu tầm, phòng tranh và các trang nghệ thuật. Bamberger cũng là tác giả của 2 ấn bản: Buy Art Smart (Mua nghệ thuật khôn ngoan) và Art for All (Nghệ thuật cho tất cả).
2. Khác với các cuốn sách công cụ thường thấy, “Nghệ thuật mua nghệ thuật” không “độc quyền chân lý”, mà được viết với góc nhìn trung tính, phản tỉnh, giúp người mua nghệ thuật có thể phản biện, đặt ra các câu hỏi, khi nào thật sự thấy sáng tỏ, thoải mái thì mới… xuống tiền. Kinh nghiệm quốc nội và quốc tế cho thấy việc sai lầm, vấp ngã, bị lừa trong việc chơi nghệ thuật là điều không thể tránh khỏi.
Khác nhau là ở mức độ gặp phải và ở khả năng né tránh, khắc phục về sau. Trong sách của mình, Alan Bamberger đưa phần mua vào chương 4. Chương 1 là xác định xem chúng ta có nhất thiết phải mua nghệ thuật không? Làm sao để tránh được cảm giác thấy người ta mua mình cũng mua, trong khi tự thân chưa thật có nhu cầu.
Chương 2 là sự lựa chọn, so sánh thiệt hơn trong việc chơi hoặc không chơi nghệ thuật, nếu chơi nên làm gì, bắt đầu từ đâu, hiểu thế nào về mô hình kinh doanh nghệ thuật, xây dựng tâm thế và tri thức để thành khách hàng tốt. Chương 3 dành cho việc nghiên cứu, nghĩa là sau khi xác định mình đã thành người mua nghệ thuật, phải đọc gì, học gì, nghe ai… Theo Alan Bamberger, qua nhiều năm tháng, dù đời sống và kỹ thuật thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản liên quan tới quyết định mua tác phẩm nghệ thuật vẫn như trước.
Các kỹ thuật đánh giá và quá trình mua vẫn tương đối thống nhất. Nhưng chưa bao giờ người mua nghệ thuật có thể tiếp cận được thông tin nhiều như hiện nay về tác phẩm mà họ sẽ mua. Trong khi chúng ta có thể tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng chưa từng thấy, thì chúng ta cũng có thể tiếp cận thông tin sai lệch rất nhanh - đôi khi là vô tình và cả cố tình. Điều đó có nghĩa tìm ra đường đi trong thế giới nghệ thuật, để tìm ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp với mỗi người đôi khi cần sự tinh tế.
Công chúng có thể học cách tìm ra các tác phẩm chất lượng mà mình yêu thích và trả giá tiền công bằng, trong khi không cần chút kiến thức nào trước đó về nghệ thuật hoặc kinh doanh nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, hãy hiểu là ngành kinh doanh nghệ thuật đang ngày càng trở nên phức tạp. Alan Bamberger cũng cảnh báo: “Ngày xưa, sở hữu tác phẩm nghệ thuật nguyên bản không có gì phức tạp. Bạn thấy mình thích thứ gì đó, trả tiền, rồi mang về nhà, treo lên và thưởng thức - bạn không cần phải hỏi thêm gì nữa. Nhưng thời đại vô tư đó đã qua rồi. Giờ đây, mua tác phẩm nghệ thuật (và cả bán) là công việc kinh doanh nghiêm túc, và hơn bao giờ hết, người mua ngày nay quan tâm nhiều hơn về việc họ mua được tác phẩm tốt và có giá trị tốt với số tiền mình có. Nói đơn giản, mọi người muốn tiêu tiền một cách khôn ngoan”.
Cuốn sách “Nghệ thuật mua nghệ thuật” khơi gợi mấy câu chuyện cơ bản về thao tác mua tác phẩm nghệ thuật trực tiếp từ nghệ sĩ, mua tác phẩm nghệ thuật từ phòng tranh trực tuyến và mua tác phẩm nghệ thuật tại nhà đấu giá truyền thống. Nhà sưu tập Phan Minh Thông cho rằng: “Nhìn chung với thị trường tranh hiện nay, tôi thực sự vui mừng trước những thay đổi lớn về người chơi tranh và giá tranh. Người Việt chơi tranh đắt tiền giờ không còn quá hiếm nữa. Chứng tỏ người Việt giàu có và chịu chi hơn, biết coi trọng nghệ thuật hơn.
Dù vậy, sự thật là chúng ta cũng chưa phổ cập hội họa một cách đúng nghĩa cho các thế hệ tương lai. Hay chúng ta chưa có một trung tâm thương mại độc lập đấu giá tranh lớn ở Việt Nam. Các trung tâm thẩm định tranh cũng không có. Không thể phủ nhận tranh Việt Nam đẹp, nhưng so với các thị trường châu Á như ở Singapore hay Hồng Kông còn khoảng cách xa, thậm chí ở thị trường cận kề như Philippines hay Indonesia chúng ta cũng còn kém xa họ”.