Nghèo đói đang hiển hiện "miền đất hứa" châu Âu

(ĐTTCO) - Châu Âu luôn được xem là “miền đất hứa”, nơi nhiều người di cư trên thế giới muốn tìm bến đỗ, mong muốn đổi đời. Thế nhưng, lục địa già đang đối mặt với hiện thực kinh tế mới chưa từng trải qua suốt nhiều thập niên - đó là người dân đang trở nên nghèo hơn.
Một phụ nữ rời điểm phân phối thực phẩm ở Berlin (Đức). Ảnh: AP
Một phụ nữ rời điểm phân phối thực phẩm ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Dần mất đi ánh hào quang

Cuộc sống tại lục địa từ lâu khiến thế giới phải ghen tị về phong cách sống đang dần mất đi ánh hào quang, khi người châu Âu nhận thấy sức mua của họ dần giảm sút.

Người Pháp đang ăn ít gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Phần Lan cũng dùng phòng xông hơi vào những ngày nhiều gió – khi tiền điện bớt đắt đỏ.

Thậm chí tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và được xem là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, biểu hiện của nghèo đói đang gia tăng trên khắp đất nước.

Đó là hình ảnh người vô gia cư vạ vật trên đường phố, bà mẹ nhịn khẩu phần ăn để nhường con và những người nghỉ hưu phải nhặt ve chai kiếm tiền nuôi thân.

Tiêu thụ thịt và sữa tại nền kinh tế số 4 thế giới hiện thấp nhất 3 thập niên. Thị trường đồ ăn hữu cơ từng bùng nổ tại đây cũng đang lao dốc.

Tại Italia, mới đây Bộ Kinh tế nước này đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp, khi giá mỳ Spaghetti - đồ ăn thiết yếu của nước này - tăng với tốc độ gấp đôi lạm phát quốc gia.

Sức mua yếu, giá cả tăng càng “tô đậm” cái nghèo ở châu Âu hiện tại.

Theo đó, mức giảm tại Đức là 3% kể từ năm 2019; tại Italia và Tây Ban Nha cùng 3,5%, còn Hy Lạp 6%.

Tại Brussels (Bỉ) – một trong những thành phố giàu nhất châu Âu, nhiều người xếp hàng để mua đồ nửa giá là thực phẩm gần hết hạn từ các siêu thị.

Tình trạng mua thực phẩm ở những nơi giảm giá cũng xảy ra tại nhiều thành phố ở Anh. Thậm chí ở xứ xở sương mù lạnh giá này, nhiều người dân phải tắt sưởi hoàn toàn trong nhiều tháng vì sợ chi phí tăng cao.

Gia tăng người vô gia cư

Bồ Đào Nha đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng gia tăng người vô gia cư, đặc biệt kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Trong số này có cả người có việc làm song không kiếm đủ tiền thuê nhà.

Tình trạng vô gia cư xuất hiện ngày càng nhiều tại Bồ Đào Nha. (Ảnh: The Portugal News)

Tình trạng vô gia cư xuất hiện ngày càng nhiều tại Bồ Đào Nha. (Ảnh: The Portugal News)

Tác động xung đột Ukraine khiến lạm phát gia tăng, giá lương thực tăng vọt. Hiện giá bánh mì trung bình ở EU vào tháng 8 cao hơn 18% so với một năm trước.

Trong khi đó, mức lương bình quân thấp và giá thuê cao khiến Lisbon bị tụt hạng trong danh sách các thành thành phố đáng sống trên thế giới.

Mức thu nhập bình hàng tháng của cư dân ở thành phố này 878UER, nhưng các căn hộ hiếm khi có giá thuê dưới 1.000UER.

Vì thế, nhiều người đang phải lang thang, vạ vật trên đường phố Lisbon. Không hiếm cảnh những người này xếp hàng dài để được thực phẩm miễn phí.

Trước bối cảnh đầy rẫy những bất ổn, khó khăn như hiện nay, số người vô gia cư được dự báo sẽ tăng hơn nữa trong mùa đông này.

Nghèo đói giữa lòng quốc gia thịnh vượng

Thụy Điển vốn nổi tiếng về sự thịnh vượng, thế nhưng giờ đây đang phải hứng chịu lạm phát cao kỷ lục, số người nghèo có chiều hướng gia tăng.

Lạm phát tại Thụy Điển đã lơ lửng quanh mức 12% kể từ tháng 11-2022.

Lạm phát tại Thụy Điển đã lơ lửng quanh mức 12% kể từ tháng 11-2022.

Trời mới tờ mờ sáng nhưng hàng dài người đã nối đuôi nhau bên ngoài nhà ga trung tâm của thủ đô Stockholm để nhận bữa sáng từ thiện.

Theo Tổ chức từ thiện hỗ trợ người vô gia cư, trong 13 năm qua chưa bao giờ Thụy Điển lại có nhiều người đến nhận phần ăn như thế này.

Làn sóng lạm phát đầu tiên tại Thụy Điển chỉ thể hiện ở giá năng lượng và một số hàng nhập khẩu, nhưng nay đã lan ra khắp nền kinh tế.

Những hộ gia đình thu nhập thấp phải vất vả trả nhiều hơn chi phí cho hai thứ là tiền thuê nhà và thực phẩm.

Riêng đối với thực phẩm, mối quan tâm hàng đầu của người dân Thụy Điển lúc này, giá đã tăng tới 20% trong năm ngoái.

Một cửa hàng được Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển mở ra để bán với giá rẻ những mặt hàng ế ẩm, tồn đọng của các siêu thị.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho thấy, gần 15% người dân nước này có nguy cơ nghèo đói, đây là những người có mức thu nhập dưới 60% thu nhập trung bình của cả nước.

Thụy Điển là quốc gia thành viên EU duy nhất được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Các tin khác