
Đây sẽ là “chiếc ô bảo vệ” để doanh nghiệp tư nhân (DNTN) dám nghĩ dám làm, là điểm tựa quan trọng để kinh tế tư nhân (KTTN) thực sự trở thành “một động lực quan trọng nhất” trong phát triển kinh tế.
PHÓNG VIÊN: - Thưa LS., trong những lần trò chuyện với ĐTTC từ trước đó, ông từng nêu lên thực trạng hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính không phải là vấn đề mới, nhưng đã phát sinh đến mức khá phổ biến hơn 20 năm nay. Còn nay vấn đề này sẽ được giải quyết trong Nghị quyết 68?
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Tôi cho rằng Nghị quyết 68 phù hợp với phương châm ứng xử xưa nay là “dụng nhân như dụng mộc”, hay “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.
Thực ra yêu cầu không hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế đã được nhắc đến rất nhiều trong các nghị quyết. Đơn cử năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó đã yêu cầu “khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm”.
Trong một số phát biểu của các lãnh đạo cũng đã yêu cầu “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”. Tiếp đó, đến năm 2024, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 41 về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Rồi sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động của mình để thực hiện nghị quyết này.

Và nay khi có Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, cho thấy những tư tưởng, định hướng, chủ trương dứt khoát hơn về vấn đề này. Các nghị quyết đều nhấn mạnh “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường và hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững”.
- Từ góc nhìn thực tiễn áp dụng pháp luật trong xử lý các hành vi vi phạm dân sự hiện nay, theo LS. cần đặt ra những vấn đề gì xem xét sửa đổi?
- Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn giữa dấu hiệu vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi thật khó phân biệt giữa lừa đảo trong pháp luật hình sự với lừa dối trong pháp luật dân sự, khi ranh giới giữa vi phạm dân sự, với vi phạm hình sự ngày càng phức tạp, đan xen, chồng lấn.
Chẳng hạn, Điều 127 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định rằng, “khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép, thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. BLDS còn quy định rõ, thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm.
Thế nhưng, suốt mấy chục năm qua, chỉ cần lừa dối từ 2 triệu đồng trở lên (thậm chí ít hơn nếu đã bị xử phạt hành chính hay đã có tiền án…), là đã đủ dấu hiệu định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giả sử một doanh nhân lừa dối, lừa đảo 2 triệu đồng (thậm chí chỉ là việc tranh chấp hợp đồng chưa ngã ngũ), thì có đáng bị xem là tội phạm không?
Nhiều tội phạm khác về kinh tế còn mù mờ hơn, vì đã lấy định lượng để quyết định thay vì định tính, tức dùng hình thức áp đặt bản chất. Nay nếu tuân thủ triệt để theo tinh thần của NQ68 Bộ Chính trị, cùng với việc đang gấp rút sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng nhầm lẫn này.
Thực tế luật pháp hiện nay chưa tạo ra được chuẩn mực rõ ràng và cách hiểu thống nhất, đúng đắn, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cách áp dụng không thống nhất, chưa có lợi hoàn toàn cho người vi phạm và dễ bị hình sự hóa. BLHS có nhiều quy định bất cập, trong đó có các quy định về tội lập quỹ trái phép, tội đầu cơ, tội làm hàng giả, tội lừa dối khách hàng, tội cho vay lãi nặng, tội về hoạt động ngân hàng…
Do vậy hành vi sản xuất không đủ số lượng, chất lượng, buôn bán làm hàng giả, cũng cần xem xét thấu đáo.
Hay chẳng hạn hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, thường bị xử phạt về tội sản xuất hàng giả có hợp lý không? Hay ngân hàng có nguy cơ bị hình sự hóa cao hơn DN, cần xem lại. Việc mất vốn của ngân hàng chủ yếu là do người vay vốn chiếm đoạt hoặc thua lỗ, thất thoát, không có khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng lại phải chịu trách nhiệm hình sự về những sơ suất, sai phạm nhỏ, thứ yếu, không phải là yếu tố quyết định dẫn đến việc thất thoát. Việc xác định có hay không có tội đối với những sai sót của nhân viên nhiều khi là rất mơ hồ, không rõ ràng.
- Từ chủ trương của NQ68, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng hình sự hóa các hành vi vi phạm dân sự, theo ông sắp tới các quy định pháp luật cần thay đổi như thế nào?
- Nghị quyết 68 đã chỉ ra rất nhiều giải pháp cần thiết, cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Yêu cầu đầu tiên vẫn phải là sửa đổi các luật triệt để theo các định hướng của nghị quyết.
Thực tế từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa nhiều luật, ban hành, sửa đổi nhiều nghị định. Cả nội dung và phương thức, cách thức sửa đổi các luật đều rất quan trọng trong việc hoàn thiện. Nếu luật pháp còn nhiều kẽ hở, lỗ hổng, hay quá chặt chẽ, cứng nhắc, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu sự đồng bộ, thống nhất cũng đều dễ dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan.
Và dù bất cập theo chiều hướng nào, cũng đều tiếp tục dẫn tới nguy cơ hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính. Do đó, điều quan trọng nhất trong NQ68 là luật pháp phải thông thoáng để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Nguyên tắc này nếu được thực thi nghiêm túc, đương nhiên sẽ giảm thiểu việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Người dân và DN chỉ có thể an tâm đầu tư, kinh doanh khi không bất ngờ trở thành tội phạm nếu họ không cố tình phạm tội. Luật pháp nghiêm minh không đồng nghĩa với cứ phải xử lý hình sự.
Nếu xử lý vi phạm không tâm phục, khẩu phục, không hướng tới mục tiêu lớn, không có tác dụng phòng ngừa, răn đe vi phạm, thì thậm chí còn gián tiếp khuyến khích vi phạm.
Và điều rất mừng, Nghị quyết 68 đã rất dứt khoát, mạnh mẽ khẳng định những nguyên lý này. Rất có cơ sở để tin tưởng nhắc lại tinh thần của 67 năm trước trong một chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Người đáng bắt thì bắt. Người bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt”.
Tôi muốn nói thêm một lần nữa, khi NQ68 được nhanh chóng thể chế hóa và thực thi nghiêm túc, chắc chắn KTTN Việt Nam sẽ bứt phá, trở thành động lực quan trọng nhất giúp đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
- Xin cảm ơn LS.