Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay 1-8

(ĐTTCO) - Nghị quyết 98 có những cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ từ Trung ương cho TPHCM và TPHCM được phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương. 

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM chính thức có hiệu lực từ hôm nay 1-8. Nghị quyết tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới.

Qua đó, TP giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần vào sự phát triển chung “vì cả nước, cùng cả nước”.

Công chức phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TPHCM) tiếp nhận giải quyết hồ sơ phục vụ người dân

Công chức phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TPHCM) tiếp nhận giải quyết hồ sơ phục vụ người dân

Chủ động nhập cuộc

Nghị quyết 98 có những cơ chế, chính sách đẩy mạnh phân cấp một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho TPHCM, cho phép thành phố đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là phân cấp, ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế này giúp TP được chủ động giao chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phù hợp đặc thù quản lý của từng cơ quan, đơn vị và tại địa phương; thống nhất một đầu mối các nhiệm vụ có liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục chồng chéo khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, rút ngắn thời gian phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan phát sinh trong quá trình phối hợp giữa các ngành, các cấp như hiện nay.

Trên cơ sở rà soát các quy định và điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực, các điều kiện cần thiết khác để các cơ quan cấp dưới khi thực hiện nội dung được ủy quyền, Chủ tịch UBND TPHCM sẽ xem xét, quyết định phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương một số nội dung phù hợp trong việc ban hành các quyết định, phê duyệt, cấp phép, thực hiện các thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ.

Trước mắt, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị rà soát, đề xuất Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn.

Sở Nội vụ cũng tham mưu triển khai đến các cơ quan, đơn vị để rà soát, đánh giá và đề xuất UBND TP chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan chuyên môn khác, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện để phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. UBND TP xem xét, quyết định việc chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan cho phù hợp.

Cơ chế này sẽ được thực hiện xuyên suốt trong thời gian thí điểm tất cả các lĩnh vực theo quy định, với mục tiêu tăng cường tính chủ động cho địa phương, các cơ quan, đơn vị để công tác quản lý đạt hiệu quả nhất, phù hợp với đặc thù tại thành phố.

Bổ sung lãnh đạo nhiều địa phương

Đến nay, Sở Nội vụ đã hoàn thiện Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm, dự thảo kế hoạch bổ sung các phó chủ tịch UBND phường, xã. Theo số liệu quy mô dân số tính đến ngày 31-5, TPHCM có 49 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên (gấp 3,33 lần so với quy định về quy mô dân số của phường thuộc quận và gấp 6,25 lần so với quy định về quy mô dân số của xã thuộc huyện).

Ngoài ra, tại TP Thủ Đức, 3 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) và 49 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên là các địa phương có số người nhập cư cao, có quá trình đô thị hóa cao… Bên cạnh trình bổ sung lãnh đạo quản lý cho 49 phường, xã, thị trấn, Sở Nội vụ cũng có tờ trình bổ sung thêm 1 phó chủ tịch HĐND cho HĐND TP Thủ Đức, 1 phó chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức và 3 huyện (Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ).

Sở Nội vụ cũng phối hợp soạn thảo tờ trình HĐND TPHCM để kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP Thủ Đức.

Đồng thời rà soát, tham mưu việc giao một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TPHCM cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; tham mưu thành lập tổ công tác và tổ giúp việc để xây dựng đề án phân cấp, ủy quyền; tham mưu việc chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan chuyên môn cho quận, huyện, TP Thủ Đức, cơ quan khác.

Khi thực hiện việc phân cấp, ủy quyền, thành phố sẽ có chế độ kiểm tra, giám sát định kỳ trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, quận huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, đảm bảo các nguồn lực cho cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Để nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, gắn với thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 124-KH/TU của Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký sáng kiến, giải pháp để giải quyết các vướng mắc về quy định pháp luật của nhà nước.

Trong các giải pháp mà thành phố tập trung thực hiện sẽ tổ chức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào hiệu quả hoàn thành các ý tưởng, đề xuất, nội dung, sáng kiến, giải pháp đột phá. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, nhận xét, đề bạt, quy hoạch và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý…

* Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức, TPHCM: Kiện toàn tổ chức bộ máy

Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP Thủ Đức quyết định thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức. HĐND TP Thủ Đức có không quá 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. Để cụ thể hóa nghị quyết, HĐND TP Thủ Đức đã chuẩn bị kỹ nhiều nội dung. Trong đó, ngoài đề án thành lập Ban Đô thị, HĐND TP Thủ Đức còn tập trung xây dựng đề án quy chế làm việc phù hợp với yêu cầu và chức năng nhiệm vụ mới của HĐND TP Thủ Đức.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy với 8 đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND TP Thủ Đức và tăng thêm Ban Đô thị HĐND TP Thủ Đức, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng ban, cũng như xác định vị trí việc làm cụ thể của đại biểu chuyên trách sẽ giúp công tác giám sát, khảo sát sâu hơn, đảm bảo hơn, tránh sự chồng chéo trong công việc. Khi cơ cấu hoạt động của HĐND TP Thủ Đức được sắp xếp hoàn thiện theo Nghị quyết 98 sẽ hỗ trợ rất lớn cho chính quyền trong tổ chức hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ TP Thủ Đức đề ra, cũng như hỗ trợ trong thẩm định những nội dung mà Nghị quyết 98 giao thẩm quyền cho UBND TP Thủ Đức thực hiện.

* Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Chủ tịch UBND quận 12, TPHCM: Rà soát quy trình thủ tục hành chính

Các chính sách của Nghị quyết 98 sẽ tác động rất lớn, tích cực và tạo động lực phát triển thành phố nói chung và các quận, huyện nói riêng; giải quyết triệt để một số nút thắt, nhất là trong phát triển hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 98 trên địa bàn quận 12, UBND quận đã báo cáo và đề xuất Quận ủy quận 12 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98. Đồng thời, chủ động rà soát các cơ chế, chính sách đang thực hiện sẽ có sự thay đổi khi triển khai thực hiện Nghị quyết 98 ở quận để kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quận chủ động triển khai thực hiện ngay. Trong đó, tập trung rà soát các quy trình thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, việc thực hiện các dự án đầu tư công, giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quận cũng rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án công trình công cộng như: văn hóa - thể thao, trường học, công viên cây xanh, đường giao thông… để đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương sử dụng vốn vay, thực hiện đảm bảo theo Chương trình, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, UBND quận 12 đã chỉ đạo UBND 11 phường cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, từ đó hình thành dữ liệu ban đầu liên quan đến yêu cầu bổ sung số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường phù hợp với tình hình nhiệm vụ thực tế, làm cơ sở để báo cáo đề xuất thành phố quyết định số lượng phù hợp.

THU HƯỜNG - NGÔ BÌNH ghi

Các tin khác