Cộng đồng người Việt tại TP Rostock, Đức tặng khẩu trang cho Bệnh viện Trường Đại học Y Rostock
Hoạt động đang được triển khai tích cực nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt ở Đức là phong trào quyên góp, mua và may khẩu trang, gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang thường, để trao tặng các bệnh viện, cơ sở y tế ở Đức.
Ban đầu, việc may khẩu trang chỉ xuất hiện nhỏ lẻ trong cộng đồng người Việt, nhưng sau đó nhờ một số cá nhân và tổ chức đứng lên kêu gọi, phong trào đã được lan tỏa đến nhiều địa phương ở phía Đông nước Đức. Người góp tiền, người góp sức, các nhóm may khẩu trang của người Việt nhanh chóng mọc lên ở nhiều thành phố như Berlin, Cottbus, Magdeburg, Leipzig, Dresden, Schwerin...
Nơi khởi phát đầu tiên của phong trào may khẩu trang phòng dịch Covid-19 là ở vùng Dresden. Riêng Hội Văn hóa Việt Nam tại Đức đã mở đầu hoạt động bằng việc tặng 2.000 khẩu trang cho Bệnh viện Vincentius. Tại thành phố biển Rostock, Ban liên lạc lớp Doanh nghiệp Rostock và Hội Phụ nữ Rostock cùng đại diện các cơ sở may, các nhà tài trợ đã trao 2.500 chiếc khẩu trang đầu tiên cho Bệnh viện Klinikum Südstadt.
Cầm trên tay chiếc khẩu trang do chính tay những người Việt tự cắt may, ông Dipl. - Kfm. Steffen Vollrath, Giám đốc bệnh viện, rất xúc động. Ông đánh giá cao tấm lòng sẻ chia của cộng đồng người Việt và chân thành gửi lời cám ơn đến mọi người. Những chiếc khẩu trang khác cũng lần lượt được gửi đến một số bệnh viện địa phương ở thành phố này. Bà con vùng Cottbus cũng đã đem tặng 700 khẩu trang tự may cho bệnh viện thành phố trong sự đón nhận đầy xúc động của lãnh đạo bệnh viện.
Thành phố Berlin là nơi người Việt định cư đông nhất nên phong trào may khẩu trang và quyên góp thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế được tổ chức rất quy mô. Như nhóm Từ thiện Sen Vàng có đến 9 điểm may khẩu trang. Chị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Sen Vàng, chia sẻ: “Có nhiều người Đức đến đặt 5 EUR chưa cộng thuế để mua một chiếc khẩu trang, thế mà anh chị em chỉ may để tặng”.
Những chiếc khẩu trang tuy nhỏ bé, số lượng còn ít so với nhu cầu ngày càng nhiều và đang cấp thiết hiện nay, nhưng đằng sau món quà đó là tấm lòng của bà con người Việt mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào mục tiêu to lớn là đẩy lùi đại dịch, đem cuộc sống yên lành về cho mọi nhà.
Ngoài ra, bà con còn gửi tặng trang thiết bị y tế cho hơn 20 cơ sở tại Berlin bao gồm bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm y tế. Nhiều nhà hàng Việt cũng gửi tặng hàng ngàn suất ăn cho các bác sĩ và y tá điều dưỡng tại các trung tâm trực khẩn cấp ở bệnh viện.
Cũng có không ít người Việt còn tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí cho người già, người ốm đau (cả người Việt và người Đức) mua lương thực, thực phẩm, thuốc men trong những ngày dịch hoành hành. Với đông đảo người Việt cùng chung tay hỗ trợ hoạt động chống dịch, đây là dịp để bày tỏ lòng tri ân với nước Đức - nơi họ đã xem như quê hương thứ hai của mình.