Nghịch lý càng khuyến mãi giá càng tăng

(ĐTTCO) - Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp phải tăng khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Thế nhưng khảo sát gần đây lại cho thấy rất nhiều mặt hàng trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng giá suốt nhiều tháng qua.

Người tiêu dùng choáng ngợp bởi các biển, bảng giảm giá, khuyến mại khắp các quầy kệ.
Người tiêu dùng choáng ngợp bởi các biển, bảng giảm giá, khuyến mại khắp các quầy kệ.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, từ đầu năm đến tháng 8 năm nay, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng giá, trung bình tăng 4,4% so với cùng kỳ 2022. Các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm (+7,6%), bia (+7,3%) và sản phẩm từ sữa (+4,9%).

Ông Dzũng Nguyễn, Giám đốc cấp cao đo lường thị trường bán lẻ Nielsen IQ, nhận định: "Hầu hết mặt hàng đều bị giảm sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng, trừ đồ uống và thuốc lá nhích nhẹ. Ngoài ra, tăng trưởng chủ yếu của các ngành hàng có được bây giờ do giá bán tăng".

Có thể nhận thấy nghiên cứu này dường như đi ngược tuyên bố của nhiều doanh nghiệp và không ít nhà bán lẻ lớn. Doanh nghiệp liên tục than vãn sức mua yếu khiến tiêu thụ hàng hóa chậm khiến họ phải nỗ lực kìm giá, đồng thời thường xuyên đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Không ít doanh nghiệp còn cho biết chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí lỗ để duy trì việc làm cho người lao động. Các nhà bán lẻ lớn cũng cho biết nhiều nhà cung cấp đề nghị tăng giá nhưng họ đều cố gắng kìm giữ giá. Chưa hết, những chương trình khuyến mại, giảm giá khủng hàng ngàn sản phẩm hay các chương trình khóa giá, giá tốt xuyên suốt năm… liên tục được các nhà bán lẻ tung ra để thu hút người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.

Chưa khi nào bước chân vào các siêu thị người tiêu dùng lại choáng ngợp bởi các biển, bảng giảm giá, khuyến mại khắp các quầy kệ như những tháng qua. Nếu doanh nghiệp nào, nhà bán lẻ nào cũng nỗ lực kìm giữ giá, cam kết mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, tại sao lại có kết quả khảo sát như trên.

Thực tế, nếu đi mua sắm ở các kênh bán lẻ khác như các đại lý, cửa hàng tạp hóa hay trong các chợ truyền thống, mới thấy rõ câu chuyện giá. Ở đây không có chuyện giữ giá hay giảm giá trong nhiều tháng gần đây, mà ngược lại khoảng 1-2 tháng sẽ thấy những người bán hàng nhắc người mua đợt này tăng giá.

Và người ta còn thống kê với nhau giá từng mặt hàng đã tăng bao nhiêu phần trăm từ đầu năm đến nay. Ở đây cũng hiếm có các chương trình giảm giá, bởi lãi lời bao nhiêu đâu mà giảm, có chăng chỉ là hàng khuyến mại tặng kèm của công ty. Liệu có phải người bán lẻ tự ý tăng trong khi công ty nỗ lực kìm giữ giá.

Thực hư thế nào chỉ có nhà sản xuất và người bán hàng biết rõ nhất. Còn người tiêu dùng vẫn bị rơi vào mê cung giá. Và thay vì tìm kiếm câu trả lời, người tiêu dùng chọn cách thắt chặt chi tiêu.

Cũng theo nghiên cứu từ Nielsen IQ, phản ứng phổ biến nhất của người tiêu dùng với việc tăng giá là mua ít hơn, với 33% chọn giải pháp này. Một số phương án chính khác bao gồm chọn thương hiệu rẻ hơn (21%); mua gói lớn hơn để tiết kiệm (16%) và mua các sản phẩm khuyến mại (16%). Ngoài ra, còn có 10% chọn dừng mua sắm.

Đáng chú ý, trong 26.214 thương hiệu ở Việt Nam được công ty nghiên cứu thị trường này theo dõi, có đến 60% đang trên đà suy giảm khi tăng giá bán và đánh mất sản lượng. "Khi tăng giá, khách hàng không có độ trung thành như doanh nghiệp nghĩ" - ông Dzũng Nguyễn bình luận.

Thực tế, câu chuyện thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng không phải đến nghiên cứu của Nielsen IQ mới được chỉ ra, mà trước đó khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, cũng cho thấy người tiêu dùng đang có những thay đổi trong hành vi mua sắm theo hướng tối ưu hóa chi phí mua sắm của gia đình.

Để làm được như vậy người tiêu dùng lựa chọn chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm, đặc biệt tăng tìm kiếm khuyến mại. Có tới 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mại hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.

Những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã khiến 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân khách hàng. Không chỉ ngành hàng nhỏ, ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển Kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho biết số hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính tăng đáng kể so với 1 năm trước và thời điểm trước dịch Covid-19. Sự khó khăn ảnh hưởng tới tất cả nhóm thu nhập kể cả hộ gia đình có thu nhập cao. Và dự báo không mấy vui là trong dịp tết năm nay người tiêu dùng sẽ không mua nhiều như năm trước. Họ sẽ mua đủ dùng, thiếu mới mua thêm và không còn xu hướng dự trữ hàng hóa hoặc mua nhiều hơn nhu cầu như những năm trước.

Quay trở lại chuyện tăng giá của doanh nghiệp, chắc vì áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào buộc họ phải chọn con đường tăng giá trong bối cảnh khó khăn về sức mua như hiện nay. Song cái người tiêu dùng cần là sự minh bạch. Không phải lúc nào cũng “ra rả” nói tăng cường giảm giá, khuyến mại, trong khi lại âm thầm tăng giá bán.

Bởi khi người tiêu dùng dừng mua sắm hoặc rời bỏ thương hiệu, hậu quả vô cùng đáng tiếc, nhất là khi tình hình kinh tế của năm 2024 vẫn được dự báo chưa có nhiều khởi sắc. Tất nhiên một khảo sát không phải vẽ lên cả bức tranh của thị trường, cũng không phải tất cả doanh nghiệp đều ứng xử như vậy.

Các số liệu, nghiên cứu chỉ mang tính tham khảo song nó cũng cho chúng ta thấy một góc thị trường đang chuyển động như thế nào.

Chưa hết, không ít người tiêu dùng đang đặt câu hỏi giá đầu vào tăng nên doanh nghiệp tăng giá bán, vậy khi giá các nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt giá bán có giảm, hay lúc đó lại có vô vàn lý do khác để lý giải cho việc không thể hạ giá bán sản phẩm.

Thắt chặt, giảm bớt nhưng không có nghĩa không mua sắm nhất là với ngành hàng thiết yếu. Và khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, điều người tiêu dùng lo ngại chính là liệu có những đợt tăng giá tiếp theo, mà có thể họ hoàn toàn không biết cho đến khi có một khảo sát mới hay không?

Các tin khác