Nghịch lý giá cổ phiếu trên các sàn

(ĐTTCO) - Sự kiện cổ đông nắm giữ mã HAG (Hoàng Anh Gia Lai) phản ứng gay gắt trước quyết định hủy niêm yết trên HoSE để chuyển sang UPCoM, đã phần nào cho thấy NĐT vẫn nhìn cảm tính với các mã CP đang niêm yết trên TTCK.
Nghịch lý giá cổ phiếu trên các sàn
UPCoM: Những mã CP kỳ lạ
MEF (Meinfa) là một trong những mã CP kỳ lạ nhất trên sàn UPCoM. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp (DN) này là bán các loại kềm, thiết bị y tế thông dụng, các sản phẩm kim loại, dụng cụ cầm tay. Kể từ khi niêm yết trên UPCoM năm 2011 đến nay, mã MEF thường xuyên giao dịch dưới mốc 2.000 đồng/CP.
Dù giao dịch ở mức giá thấp lè tè, nhưng MEF lại là một trong những DN làm ăn hiệu quả và thường xuyên chi trả cổ tức cao nhất, không chỉ trên UPCoM mà so với 2 sàn còn lại là HoSE và HNX.
Cụ thể, vốn điều lệ chỉ nhỉnh hơn 400 tỷ đồng, nhưng doanh thu của MEF trong khoảng 5 năm trở lại đây đều đạt trên mốc 300 tỷ đồng. Năm 2021, MEF đạt lợi nhuận sau thuế gần 28 tỷ đồng, cổ tức 35% (cổ đông sở hữu 1 CP nhận được 3.500 đồng). 
Với mức chi trả cổ tức cao gấp đôi so với thị giá, lẽ dĩ nhiên MEF luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Thế nhưng, lợi suất cổ tức quá hấp dẫn này là nguyên nhân khiến cổ đông của MEF “ôm” khư khư để hưởng cổ tức thay vì bán ra. Việc bên nắm giữ quyết “găm hàng” khiến NĐT có tiền cũng không thể mua được.
Thậm chí, muốn sở hữu CP MEF, cổ đông phải bỏ ra số tiền cao gấp 20 lần, cộng với điều kiện phải là lãnh đạo của DN. Cụ thể, trong năm 2021, MEF đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi công bố quyết định phát hành 185.309 CP ESOP cho các cán bộ chủ chốt với giá phát hành lên đến 30.000 đồng/CP, trong khi giá thị trường chỉ 1.600 đồng/CP. Tình cảnh này vô tình đẩy MEF trở thành một trong những mã CP có thanh khoản kém nhất trên sàn UPCoM, khi không có bất kỳ giao dịch nào trong nhiều năm trở lại đây. 
Cũng giao dịch với thanh khoản lèo tèo, nhưng nhiều mã CP trên UPCoM lại có mức giá cao chót vót. Đơn cử, HLB (Halobeco) giá 290.000 đồng/CP, hay CAB (VTV Cab) giá 140.000 đồng/CP. Dù giao dịch ở mức giá khủng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của cả 2 DN này đều không có gì nổi bật.
Thậm chí, mức chi trả cổ tức cũng thua xa so với MEF. Thí dụ, HLB đã trả cổ tức trong năm 2021 là 20%. Trong khi đó, kể từ khi niêm yết trên UPCoM (tháng 9-2019) đến nay, CAB chưa có bất cứ hoạt động chi trả cổ tức nào cho cổ đông.

HNX và HoSE: Giá cao chót vót?
Trên sàn HNX, L14 (Licogi 14) là mã CP có giá cao nhất không chỉ trên sàn này mà cả toàn thị trường. Trong đợt tăng giá gần đây, L14 có thời điểm vọt lên mức 440.000 đồng/CP. Thế nhưng, theo giới đầu tư, L14 trở thành CP đắt nhất trên TTCK không đến từ kỳ vọng về hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, mà đến từ nghi vấn làm giá liên quan đến một thành viên HĐQT của DN này.
Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN này dù có dấu hiệu khởi sắc trong năm vừa qua, nhưng lại đến từ hoạt động đầu tư trái ngành. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV-2021, doanh thu tài chính của L14 đạt 379 tỷ đồng (gấp 10 lần cùng kỳ), trong đó có đến 376 tỷ đồng là tiền lãi từ hoạt động đầu tư CP. Theo giải trình, HĐQT của L14 đã nắm bắt thời cơ, quyết định đầu tư một số mã CP đạt hiệu quả ấn tượng, qua đó tác động tích cực đến kết quả kinh doanh.
Dù niêm yết trên HoSE và thường xuyên chi trả cổ tức khủng, nhưng VCF (Vinacafé Biên Hòa) lại là mã CP có thanh khoản kém nhất trên sàn này. Cuối năm 2021, VCF chốt danh sách cổ đông chia cổ tức ở mức không tưởng 250%. Với gần 26,6 triệu CP đang niêm yết, DN sản xuất cà phê hòa tan này phải chi số tiền 664,5 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với MEF, VCF lại là một trong những mã CP có giá cao nhất trên HoSE (240.000 đồng/CP). Nguyên nhân khiến VCF không có thanh khoản do cơ cấu cổ đông của DN rất cô đặc. Theo thống kê, cổ đông lớn nhất của VCF là Masan Beverage hiện đang nắm giữ đến 98,49% cổ phần. 
Với cơ cấu cổ đông cô đặc, GAB (Global Asset Business) cũng là mã nằm trong danh sách CP không có thanh khoản trên sàn HoSE, dù đang giao dịch ở mức giá hơn 190.000 đồng/CP. Giao dịch ở mức giá cao nhưng GAB lại bị đánh giá thấp bởi DN này hoạt động không mấy hiệu quả.
Theo lý giải của các chuyên gia CK, hiện tượng CP mất thanh khoản dù hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, cho thấy hoạt động quan hệ NĐT (IR) của DN niêm yết (DNNY) đang bị coi nhẹ, dẫn đến tình trạng chưa phân bổ nguồn lực hợp lý cho hoạt động này. Trong khi IR là hoạt động quan trọng để xây dựng niềm tin với NĐT và công chúng, giúp DNNY thu hút sự quan tâm của NĐT, phản ánh đúng giá trị thực và gia tăng thanh khoản cho CP.
Nhiều DNNY sau khi đạt được mục tiêu phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết CP thường bỏ lơ hoạt động IR. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt thông tin, làm giảm lòng tin của NĐT đối với DN. Chính vì vậy, DNNY cần thiết lập bộ phận IR riêng với bộ tiêu chí rõ ràng tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông đảm bảo mối quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều, giúp cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị của DN.
Trở lại với trường hợp HAG, việc cổ đông phản ứng gay gắt trước khả năng CP này bị hủy niêm yết trên HoSE khiến nhiều người bất ngờ. Theo một chuyên gia tài chính, việc hủy niêm yết trên HoSE không phải là dấu chấm hết cho HAG, bởi DN này có thể chuyển niêm yết sang UPCoM. Thực tế, quy định công bố thông tin không quá khắt khe của UPCoM so với HoSE sẽ có lợi cho HAG, vốn là DN thường xuyên vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK.
“Lợi ích các DNNY trên HoSE có được là CP được sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), nhưng HAG đã bị cắt margin từ lâu do làm ăn thua lỗ. Vậy HAG có trụ lại trên sàn HoSE cũng không khác việc giao dịch trên UPCoM” - chuyên gia này phân tích.  
 DNNY cần thiết lập bộ phận IR riêng với bộ tiêu chí rõ ràng tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, đảm bảo mối quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều, giúp NĐT đánh giá đúng về giá trị của DN. 

Các tin khác