![]() |
(Nguồn: Internet) |
Năm 2010, ngành cao su thiên nhiên đạt sản lượng xuất khẩu kỷ lục: 782.200 tấn, kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, bình quân mỗi tấn cao su đạt 3.053USD, tăng đến 94,7% về trị giá và tăng 82% về giá.
Tuy nhiên, dù sản lượng lớn nhưng sản phẩm cao su Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế và cũng không đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước.
Năm 2010, Việt Nam có diện tích trồng cao su chiếm 6,6% tổng diện tích trồng cao su thế giới, sản lượng chiếm khoảng 7,3% tổng sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới.
Thế nhưng, theo đánh giá của ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), chất lượng cao su nước ta vẫn còn ở mức thấp, chất lượng cao su không đồng đều. Hiện nay, sản lượng cao su của VRG và của tỉnh Đắk Lắk chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là từ tiểu điền, nhưng chất lượng cao su từ tiểu điền lại quá xấu.
Một nghịch lý nữa vẫn diễn ra trong ngành cao su nhiều năm nay là dù sản lượng rất lớn nhưng ngành cao su thiên nhiên vẫn không đảm bảo cung ứng nguyên liệu nhựa cao su cho sản xuất trong nước. Các DN trong nước sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông Đinh Ngọc Đạm, Tổng giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng, việc mua nguyên liệu cao su từ VRG rất khó, vì VRG chỉ tập trung xuất khẩu, thế nên DN cần nhựa cao su lại phải nhập khẩu. Thế nhưng hiện nay, thuế xuất khẩu cao su 0%, thuế nhập khẩu cao su sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa lại đến 5%. Về lâu dài, các DN trong nước mong muốn VRG cân đối nguồn cung trong và ngoài nước.
Trong khi đó, với tư cách là nhà cung cấp nguyên liệu, ông Lê Quang Thung bức xúc: “VRG không phân biệt đối xử, VRG rất muốn bắt tay với các công ty công nghiệp cao su trong nước, đặc biệt là những lúc thị trường ở trong tay người mua. VRG đã trao đổi nhiều lần với các công ty rằng tập đoàn luôn ưu tiên cung cấp cao su. Theo nguyên tắc tháng 11 hàng năm sẽ có hội nghị khách hàng ký các hợp đồng dài hạn để cung cấp cao su không phân biệt trong nước, ngoài nước; giá cả sẽ theo biến động của thị trường và sẽ thống nhất lấy thị trường Singapore hoặc thị trường nào đó làm chuẩn, khi thị trường đó niêm yết giá nào thì bán giá đó. Các DN nước ngoài khi đã ký các hợp đồng dài hạn luôn tuân thủ rất nghiêm túc, giá cả có biến động như thế nào cũng nhận hàng. Trong khi các DN trong nước dù đã ký hợp đồng nhưng khi giá cao lại không lấy”.
Bằng những kinh nghiệm trong mua bán nguyên liệu cao su, ông Lê Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Huy Anh, chia sẻ: Các DN cao su thiên nhiên rất muốn được bán hàng trong nước để tiết giảm các khó khăn về vốn và các khoản thuế cho các DN.
Nhưng do khi bán cho các khách hàng nước ngoài, DN được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng tốt hơn so với bán hàng cho DN nội địa. Ngoài ra, trong cùng một thời điểm bán hàng, lực mua của DN nước ngoài tốt hơn DN trong nước. Khả năng mua của các DN trong nước không lớn, không đủ mạnh nên có muốn bán cho DN trong nước cũng không thể bán được, do năng lực tiêu thụ nội địa rất thấp.