Sức hút từ các công trình tâm linh, tín ngưỡng
Những năm gần đây việc du khách tham quan và tìm hiểu các lễ hội, công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, phủ, nhà thờ, thánh đường... đã trở nên phổ biến. Trước sức hấp dẫn của giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như đáp ứng nhu cầu chính đáng của du khách, nhiều địa phương tổ chức khai thác hiệu quả du lịch gắn với các địa điểm tâm linh.
Nổi bật trong số đó là Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh); Tây Yên Tử (Bắc Giang), chùa Hương (Hà Nội); Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định)…
Chỉ trong 6 ngày Tết Quý Mão 2023 khu di tích Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, lễ Phật với gần 80.000 lượt khách; chùa Hương (Hà Nội) đón khoảng 100.000 lượt khách; chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng đón cả vạn khách ngay trong ngày khai hội đầu xuân. Tại nhiều chùa khác ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh… trong những ngày đầu Xuân luôn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ bởi số lượng người đổ về du xuân, lễ phật.
Chỉ từ các số liệu thống kê của mùa lễ hội năm 2023 cũng có thể thấy sức thu hút mạnh mẽ và tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo TS. Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), điều ai cũng có thể thấy là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng có thể hỗ trợ rất mạnh mẽ cho phát triển du lịch và còn nhiều tiềm năng chưa được giải phóng bởi các di tích đó chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế... các loại hình khác không có được. Song xung quanh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của loại hình này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc trục lợi ở một số khu di tích, tôn giáo, tín ngưỡng.
Khi hành vi được cho là trục lợi bị phát hiện phải được xử lý nghiêm minh. Bởi khi họ đã lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đó không phải là tôn giáo tín ngưỡng nữa, nên không phải lo lắng việc xử lý có vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng hay không.
TS. Hoàng Văn Chung
Tâm lý tranh thủ "tận thu", "khai thác nóng" xuất hiện. Việc quá quan tâm đến thu vén lợi ích về kinh tế đã là nguyên nhân dẫn đến những hành vi gian trá, thậm chí lừa đảo đối với khách du lịch. Việc tranh thủ các cơ hội trục lợi về kinh tế quá mức cũng sẽ dẫn đến thiếu trách nhiệm chăm sóc, tôn tạo, bảo vệ chính di tích, danh lam thắng cảnh một cách kịp thời.
Khi các di tích, danh lam thắng cảnh bị cuốn vào cơn lốc của thị trường hóa, dẫn đến một hệ quả nữa là có sự ồ ạt mở các "dự án tâm linh". Nhiều các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới, hoặc được nâng cấp, mở rộng với số tiền đầu tư khổng lồ tại các vị trí không gian có cảnh quan đẹp, như trên núi, ven hồ, trong rừng, cạnh bờ biển...
Các dự án này chỉ cần có vài yếu tố liên quan đến di tích, đến truyền thuyết về cái thiêng, là có lý do nhằm hợp thức hóa đất đai, xây dựng các quần thể công trình thờ cúng mới, mở cửa bán vé. Hơn thế, có dự án còn khiến người dân lầm tưởng về các giá trị nguyên gốc của các địa điểm này.
Biến tướng muôn hình vạn trạng
Khi trục lợi về kinh tế từ những thứ liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh trở thành mục tiêu của nhiều người, điều tất yếu sẽ là sự ganh đua, tranh giành, đấu đá, tố cáo, chống phá lẫn nhau... Mặt khác, thấy lợi ích kinh tế từ việc thu hút nhiều người đến với di tích, với lễ hội, có những nơi đã cố tình tìm cách khuếch trương, phóng đại tính thiêng của đối tượng thờ cúng, của vật lễ, của các tập tục địa phương.
Gần đây nhất có thể kể đến là câu chuyện về chiêm bái vật được cho là “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã có cả chục ngàn người dân, phật tử kéo về chùa này để chiêm bái, đảnh lễ. Hơn thế, trên nhiều trang mạng xã hội còn lan truyền những thông tin về sợi tóc 2.600 năm có thể chuyển động, khiến đám đông trở nên hiếu kỳ hơn, đồng thời cũng khiến dư luận bất bình bởi những thông tin được cho là mê muội này lại khởi phát dưới một mái chùa.
Khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng vào cuộc và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã ra thông báo việc kỷ luật đại đức Thích Trúc Thái Minh. Ngoài bị cảnh cáo, trụ trì chùa Ba Vàng phải sám hối trước Thường trực Hội đồng trị sự.
"Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải cam kết nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự làm mất niềm tin của xã hội đối với Phật giáo, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội sẽ bị tẩn xuất, tước quyền trụ trì"- thông báo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
Trước nhiều biến tướng về việc trục lợi niềm tin từ tín ngưỡng, tâm linh, TS. Hoàng Văn Chung cho rằng khi hành vi được cho là trục lợi bị phát hiện thì cần xử lý phải nghiêm minh. Khi họ đã lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng thì đó không phải là tôn giáo tín ngưỡng nữa và không phải lo lắng việc xử lý có vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng hay không.
Đầu năm 2024, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản gửi về tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, tiết kiệm, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an, nghi lễ cầu an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt đồ mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.
Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó nhấn mạnh nội dung xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là những yếu tố tích cực góp phần ngăn chặn những biến tướng khi dịp đầu xuân diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của dân tộc.