Nghiên cứu khoa học đang bị bủa vây bởi hành vi bán mua công trình?

(ĐTTCO) - Sau những thông tin ồn ào về việc nhiều người có học vị tiến sĩ bằng mọi cách để có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, công chúng lại ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của thị trường mua bán công trình nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học đang bị bủa vây bởi hành vi bán mua công trình?

Phải chăng hoạt động NCKH đang bị bủa vây bởi hành vi mua bán công trình và thái độ chạy mánh đẳng cấp của nhiều trường đại học?

PGS.TS Đinh Công Hướng là giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM từ tháng 3-2023. Trước đó, ông nhận lương giảng viên chính của Trường Đại học Quy Nhơn từ tháng 9-1997 đến tháng 2-2023.

Mới đây, ông trở thành đối tượng bị tố cáo gian lận học thuật, khi trong 42 công trình NCKH ông từng thực hiện trong thời gian công tác tại Trường Đại học Quy Nhơn, đã có 13 công trình chuyển sang đứng tên sở hữu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một. Không hề lấp liếm, PGS.TS Đinh Công Hướng thừa nhận ông đã bán 13 công trình NCKH cho đơn vị khác.

Lý do gì công trình NCKH được xem như con đẻ của mình lại mang bán dễ dãi như vậy? PGS.TS Đinh Công Hướng tiết lộ: “Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, tôi cũng mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn. Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống”.

Rất nhiều băn khoăn đặt ra, xung quanh chia sẻ cay đắng của vị PGS.TS này. Phải chăng, thu nhập của giảng viên đại học không đủ trang trải cuộc sống? Phải chăng, đang có thị trường bí mật mua bán công trình NCKH để tạo đẳng cấp ảo cho cá nhân hoặc tập thể nào đó?

Câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn giới quan sát. PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương cho rằng, trong NCKH, việc các nhà khoa học hợp tác, liên kết với nhau là điều hết sức bình thường. Thế nhưng việc hợp tác này phải đảm bảo đúng các nguyên tắc trong nghiên cứu, trên tinh thần khoa học.

Việc nghiên cứu trong sáng, hợp tác cùng bổ sung cho nhau, từ đó có thể cho ra các công trình NCKH có chất lượng tốt. Tuy nhiên, trên thực tế có những nơi lợi dụng chuyện này, khi đơn vị của họ không đủ năng lực nghiên cứu nhưng muốn chạy xếp hạng đại học, sẽ ký hợp đồng nghiên cứu với những người ở đơn vị, trường đại học khác để có công bố khoa học đứng tên đơn vị của mình.

Việc ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu này chỉ là hợp thức hóa chuyện "mua bán" công trình, bài báo khoa học. Đó là hành động không đứng đắn, vì mình đang làm việc cho một đơn vị nhưng đứng tên nơi khác, trong khi sự hợp tác nghiên cứu hoàn toàn không có.

Ở góc độ tương tự, TS. Châu Minh Hùng khẳng định: “Nói quyền được hợp tác NCKH là nói dối. Một cá nhân ở trường đại học này hợp tác ở trường đại học khác thì trường đại học đó phải chủ trì, giữ bản quyền và bài báo đó phải đứng tên tập thể. Không có chuyện hợp tác mà bài báo lại mang tên một cá nhân, cá nhân cơ hữu ở trường đại học này lại đứng tên cơ hữu cho một trường đại học khác. Sự gian lận ấy không thể biện minh. Việc đem bài báo của mình bán cho nghiên cứu sinh hay tiến sĩ làm phó giáo sư, phó giáo sư làm giáo sư, sự gian lận càng nghiêm trọng hơn, bởi nó đẻ ra toàn tiến sĩ dỏm, phó giáo sư, giáo sư dỏm. Và sự gian lận đã biến giáo dục thành chợ đen lừa đảo với sự công khai hàng giả, hàng lậu”.

PGS.TS Đinh Công Hướng cảm thấy bản thân đã thiếu cân nhắc khi đang là giảng viên chính của Đại học Quy Nhơn, lại bán 13 công trình NCKH cho 2 trường đại học khác. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo “Giảng viên cơ hữu là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác…”.

Xét tiêu chí ấy, ông Đinh Công Hướng đã sai. Vì vậy, ông có đơn xin rút khỏi hội đồng toán của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (quỹ Nafosted) và đã được chấp thuận.

Cách xử lý tình huống của PGS.TS Đinh Công Hướng là kịp thời và tự trọng. Bởi lẽ, GS. Lương Văn Huy phân tích: “Nếu 2 trường đại học có ký hợp đồng để PGS.TS Đinh Công Hướng làm việc một phần thời gian tại đại học của mình, và ông Hướng có thực sự đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu ở 2 trường đại học này, đồng thời ông cũng báo cáo đầy đủ với trường chủ quản, đây là việc làm thêm, minh bạch và công khai, không vi phạm hợp đồng với trường chủ quản và không vi phạm liêm chính học thuật.

"Nhưng không có hợp đồng và không có việc thực hiện hợp đồng. Nếu chỉ là mua danh thuần túy của 2 đại học và người bán bài không thực sự tham gia công việc tại 2 đại học mua bài, thì trường đại học mua bài vi phạm liêm chính học thuật. Tuy nhiên, người bán bài biết rõ như thế vẫn bán không phải vô can. Quỹ Nafosted và lãnh đạo cộng đồng học thuật cần có những thông điệp rõ ràng để xác định những nguyên tắc về liêm chính khoa học cho cộng đồng học thuật Việt Nam", PGS.TS Đinh Công Hướng chia sẻ.

Là nhà toán học nổi tiếng thế giới đang giảng dạy ở Đại học Yale uy tín, GS.Vũ Hà Văn chia sẻ: “Các nhà toán học thường được mô tả như những thiên tài cô độc. Họ ngồi một mình trong phòng, nhìn lên tường như đếm thạch sùng, không đoái hoài gì đến công trình của những người khác, cũng như mọi việc xảy ra chung quanh.

Và một ngày đẹp trời, bỗng nhiên họ mang cho nhân loại một lời giải bất ngờ không ai có thể tưởng tượng được của một bài toán tồn tại nhiều thế kỷ. Hình ảnh vô cùng lãng mạn này mang lại cho những nhà toán học đang tìm vợ những lợi thế không nhỏ, cũng như mang cho Hollywood những khoản lợi nhuận kếch xù, nhưng nó khác xa thực tế, ít nhất là trong toán học hiện đại”.

NCKH không thể là cuộc mua bán chất xám giá rẻ và đầy thị phi. Qua trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng, rõ ràng cần có những chính sách cụ thể hơn cho các công trình NCKH. Danh dự của nhà NCKH không thể đặt dưới những mưu cầu tầm thường và những toan tính khuất tất.

Các tin khác