PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Đức - Việt Nam nói chung, Đức - TPHCM nói riêng?
TS. JOSEFINE WALLAT: - Tôi thấy mình thật may mắn khi được đảm nhiệm vai trò Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM. Dù mới chỉ nhận nhiệm vụ nhưng tôi đã cảm nhận được sự năng động của TP. Các nhà đầu tư của Đức hiện rất quan tâm đến Việt Nam, bởi họ nhận thấy quy mô thị trường và sự gia tăng trong chi tiêu rất lớn, nhất là tại TPHCM. Việt Nam còn là quốc gia của rất nhiều tài năng trẻ.
Đó là lý do nhiều doanh nghiệp Đức đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, với hơn 275 thành viên. Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại TPHCM là nơi để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước trao đổi và tăng cường quan hệ đối tác.
Tôi nhận thấy số đoàn đại biểu Đức sang thăm Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp và thực phẩm liên bang Đức đã sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong tương lai. Sự hợp tác mạnh mẽ và dễ dàng nhận thấy là giữa các địa phương của Đức với TPHCM, bang Rhineland-Palatinate còn mở văn phòng đại diện tại TPHCM.
Kể từ khi 2 nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2011, nhiều dự án đã được khởi xướng trong 8 năm qua. Trong đó dự án tiêu biểu là Ngôi nhà Đức tại TPHCM, đi vào hoạt động năm 2018, đây là biểu tượng cho quan hệ Đối tác chiến lược và hữu nghị Việt Nam - Đức. Ngôi nhà Đức là nơi tập trung văn phòng các công ty lớn của Đức như Adidas, Bosch.
Hơn thế, đây còn là địa điểm để người dân TPHCM khám phá văn hóa Đức. Với sự hiện diện của nhiều viện nghiên cứu, các tổ chức và công ty Đức tại TPHCM, như Tổng Lãnh sự quán Đức, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ Việt Nam) hay Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam (AHK/GIC).
Ngôi nhà Đức thực sự là “cửa hàng một điểm đến”, có thể trả lời gần như mọi câu hỏi liên quan đến Đức. Dự án là minh chứng sống động cho quan hệ Đối tác chiến lược Đức - Việt Nam.
- Thưa bà, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần phải làm gì để thúc đẩy kim ngạch và thu hút đầu tư?
- Theo tôi Đức và Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, không chỉ về số lượng mà còn là chất lượng. Các hiệp định thương mại quốc tế sẽ giúp chúng ta tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra.
Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Khi thị trường hội nhập và nhận thức người tiêu dùng ngày một tăng, cả 2 bên cần phải chú ý đến quy trình sản xuất để duy trì và tăng tính cạnh tranh của thương hiệu “Made in Vietnam” và “Made in EU”.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết hồi tháng 6-2019, khi có hiệu lực sẽ giúp tăng cường trao đổi thương mại giữa 2 nước. Việt Nam và Đức đều là những quốc gia xuất khẩu, do đó tự do thương mại hết sức cần thiết.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 4 từ phải qua); Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức Peter Altmaier (thứ 4 từ trái qua); Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ 3 từ trái qua), tại lễ cắt băng khánh thành Ngôi nhà Đức tại TPHCM.
Sự quan tâm dành cho Việt Nam rất đa dạng, được thể hiện thông qua việc nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau tại Ngôi nhà Đức. Có thể kể đến 2 lĩnh vực chính là cơ sở hạ tầng và giáo dục. Trong tương lai gần, thông qua EVFTA, doanh nghiệp các lĩnh vực như dược phẩm, hóa chất, thực phẩm, công nghiệp nặng của Đức sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
TPHCM là đô thị sôi động và đầy tham vọng ở Đông Nam Á với dân số ngày một tăng, đòi hỏi hệ thống giao thông công cộng an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường. Tuyến Metro số 2, nhận được sự tài trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW Bank), sẽ là một phần của giải pháp và chúng tôi hy vọng nhìn thấy được sự tiến triển cụ thể trong vài tháng tới.
Về lĩnh vực giáo dục, nhiều dự án trao đổi văn hóa đã được Viện Goethe và Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức, giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại Đức. Các bạn cũng có thể gửi con em mình đến học tại Trường Quốc tế Đức, sau đó là trường đào tạo nghề tiêu chuẩn Đức như Lilama 2 hoặc Trường Đại học Việt Đức.
Ngoài ra, tiếng Đức hiện đã được công nhận là ngoại ngữ thứ 2 ở khoảng 15 trường học tại Việt Nam. Nhiều trường đại học và trường dạy ngoại ngữ cũng đã tổ chức các khóa học tiếng Đức.
- Bà kỳ vọng gì về quan hệ Đức - Việt Nam trong tương lai, nhất là sau khi EVFTA được ký kết?
- Thật tự hào và hạnh phúc khi Đức và Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài. Quan hệ giữa Đức và Việt Nam càng trở nên mật thiết nhờ cộng đồng người Việt sống ở Đức - cộng đồng châu Á lớn nhất ở Đức.
Chúng tôi mong muốn đưa mối quan hệ đặc biệt này tiến về phía trước. Với EVFTA, quan hệ thương mại Đức - Việt Nam chắc chắn sẽ bước sang cấp độ mới bởi nhiều cơ hội hợp tác được mở ra cho cả 2 bên. Khoảng 85% thuế quan của 2 bên sẽ được dỡ bỏ sau khi EVFTA được phê chuẩn và sẽ tăng lên khoảng 99% trong 7 năm tới.
Hơn nữa, các rào cản pháp lý sẽ được giảm thiểu, bảo vệ các chỉ dẫn địa lý sẽ được đảm bảo. Với những thuận lợi trên, tôi tin tưởng rằng quan hệ Đức - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn bà.