Ngổn ngang trường lớp đầu năm học mới

(ĐTTCO) - Năm học mới 2019 - 2020 bắt đầu, thế nhưng ở nhiều nơi, tình hình trường lớp vẫn còn xây dựng ngổn ngang. Cùng đó, các vùng miền bị ảnh hưởng của mưa lũ cũng đang nỗ lực sửa chữa lại trường lớp cho năm học mới…

Xây lại trường lớp ở vùng lũ quét

Trận lũ kinh hoàng quét qua bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vào đầu tháng 8-2019 cuốn trôi gần như toàn bộ phòng học, nhà ở của giáo viên điểm Trường Tiểu học Na Mèo. Giờ đây, điểm trường chỉ còn trơ lại mấy bức tường đổ nát. Sau khi khảo sát, huyện Quan Sơn chọn khu đất trong điểm Trường Mầm non Sa Ná (bản Son) để dựng nhà lắp ghép tạm cho học sinh vào năm học mới.

Những ngày qua, nhiều giáo viên, phụ huynh, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên, dân bản, đã xúc đất san nền, cắt lợp mái tôn, lắp ghép bàn ghế, trang trí cho lớp tạm... Thầy Phạm Bá Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, tâm sự: “Theo kế hoạch, ngày 19-8 học sinh tựu trường, nhưng đến nay các em ở Sa Ná vẫn chưa có lớp học. Mặc dù, mọi người làm việc ngày đêm, nhưng do đường sá chưa khắc phục xong, vận chuyển vật liệu khó khăn, do đó 4 lớp học lắp ghép không thể hoàn thành như kế hoạch. Hiện một số nhà hảo tâm tài trợ bàn ghế, sách vở cho điểm trường đã đưa vật dụng vào đến nơi”. Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Na Mèo đón 408 học sinh, trong đó tại điểm chính có 141 học sinh, còn lại là các điểm lẻ.

Ngổn ngang trường lớp đầu năm học mới ảnh 1Bộ đội biên phòng giúp dân dựng lại trường lớp ở bản Sa Ná và bản Son, tỉnh Thanh Hóa

Với quyết tâm khắc phục hậu quả mưa lũ, hiện nay tại các điểm trường lẻ gồm: Na Mèo, Ché Lầu, Xộp Huối và Cha Khót đều đã tổ chức cho học sinh tựu trường. Riêng điểm trường Sa Ná, sau khi các phòng học lắp ghép được hoàn thiện, học sinh bắt đầu chương trình ôn tập; riêng khối lớp 1, nhà trường đang tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục 2 huyện Mường Lát và Quan Sơn. Tại huyện Mường Lát có 9 trường học bị thiệt hại nặng (gồm 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS), trong đó Trường Tiểu học Nhi Sơn có 2 phòng học bị vùi lấp.

Tổng kinh phí huyện Mường Lát đề xuất để khắc phục hậu quả tại các trường là 12,9 tỷ đồng. Còn ở huyện Quan Sơn, mưa lũ làm hư hỏng nặng 10 trường học (gồm 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường TH-THCS, 1 trường THCS). Tổng kinh phí huyện Quan Sơn đề xuất để khắc phục hậu quả tại các trường là 8,6 tỷ đồng.

Hiện nay, Sở GD-ĐT yêu cầu Phòng GD-ĐT, các trường học… huy động thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, người dân địa phương lau rửa, dọn dẹp bùn đất trong phòng học, khuôn viên nhà trường. Đối với các trường học bị hư hỏng nặng thì tổ chức học 2 ca/ngày và mượn nhà văn hóa thôn bản để học sinh học tạm khi vào năm học mới.

Tiếp sức học sinh

Do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều nhà cửa của người dân ven biển Tây trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh (tỉnh Cà Mau) bị thiệt hại nặng đã ảnh hưởng đến việc lo cho con em vào năm học mới. Ông Đoàn Chí Tâm, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Những ngày qua, các ngành chức năng của xã kêu gọi sự hỗ trợ cho học sinh thuộc gia đình khó khăn được đến trường. Thống kê bước đầu có trên 250 em cần được hỗ trợ”.

Còn theo ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện U Minh, huyện có khoảng 1.100 học sinh cần được hỗ trợ. “Do công tác sắp xếp trường lớp, xóa nhiều điểm lẻ, nên nhiều học sinh phải đi học xa nhà. Một trong những hỗ trợ thiết thực cho các em là xe đạp, ngoài ra cũng cần những thứ khác như học bổng, tập sách, cặp…”, ông Lạc nói.

Ngổn ngang trường lớp đầu năm học mới ảnh 2Trường THCS Quách Phẩm Bắc (Cà Mau) vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: TẤN THÁI

Ở Cà Mau, dù tỉnh đã bố trí nguồn vốn 15 tỷ đồng để xây dựng Trường THCS Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi), nhưng ngày khai giảng năm học mới cận kề mà ngôi trường vẫn còn ngổn ngang. Hạng mục cải tạo khối 10 phòng học thành khối hiệu bộ vẫn đang thi công; các hạng mục xây mới khối 8 phòng học và 4 phòng chức năng, mới chỉ ép cọc, còn hàng rào, nhà bảo vệ, cổng trường… chưa đụng đến.

Trước thực trạng này, khoảng 250 em học sinh của trường có nguy cơ không có phòng học. Lãnh đạo nhà trường đã có văn bản gửi chính quyền và Phòng GD-ĐT huyện, kiến nghị Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện hối thúc đơn vị thi công, bàn giao trước hạng mục cải tạo khối 10 phòng học để phục vụ công tác giảng dạy.


Tương tự, Trường Tiểu học Văn Lang (phường 4, TP Cà Mau) cũng chưa hoàn thiện. Do trường nằm tiếp giáp với khu tái định cư đang thi công, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, nên khi gặp mưa lớn sân trường bị ngập.

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP Cà Mau, nhìn nhận: “Hạng mục hàng rào và khối nhà đa năng 17 phòng học Trường Tiểu học Văn Lang thi công chậm so với hợp đồng, nguyên nhân do dự án ghi vốn không đủ, thiếu vốn thanh toán cho nhà thầu. Hiện ban quản lý đang đôn đốc nhà thầu tập trung thi công để đưa 17 phòng học vào sử dụng trước ngày khai giảng…”. Còn công trình nâng cấp Trường THCS Tâm Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) đến nay tiến độ mới chỉ 30%, không biết đến khi nào xong.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, từ nguồn vốn phân bổ xây dựng cơ bản, trong 6 tháng đầu năm 2019, sở đã bố trí chuyển tiếp 410 phòng học thực hiện dang dở của năm 2018 sang năm 2019; tu sửa 231 phòng học, xây mới 40 nhà vệ sinh và 408 phòng học... Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, song chưa đồng bộ so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều trường học thiếu diện tích đất, tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, thiếu phòng thực hành bộ môn, thiếu thiết bị đồ dùng dạy học theo chuẩn quốc gia.

Toàn tỉnh Kiên Giang còn thiếu trên 1.500 phòng học và thiếu khoảng 1.000 giáo viên... Hiện ngành giáo dục của tỉnh đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; tích cực thực hiện việc dồn các điểm trường lẻ; chú trọng phát triển trường chuẩn quốc gia (cấp THPT), trường trọng điểm, trường chất lượng cao, trường ngoài công lập… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Các tin khác