Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Theo Sở VH-TT TP.HCM, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đã từng bước được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi cao, hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đã đi vào hoạt động.
Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và các câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch quy định: đảm bảo 4 m2 trở lên/khách (không bao gồm công trình phụ) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và 4 m2 trở lên/khách (tính trên diện tích sàn khiêu vũ) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường và CLB khiêu vũ.
Trước đó, Sở VH-TT đã tiếp nhận đơn của nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này như Công ty TNHH TM DV ẩm thực ICOOL hay hệ thống Nnice đề nghị được mở cửa hoạt động lại vì khó khăn trong thời gian tạm ngưng hoạt động và cam kết tuân thủ đúng các quy định phòng chống dịch của TP.
Bà Lê Thị Mai, đại diện các chủ sở hữu chuỗi karaoke ICOOL, cho hay ngay từ đầu tháng 10, đơn vị này đã gửi đơn xin được hoạt động trở lại với quy trình hoạt động đảm bảo phòng chống dịch và cũng được các cơ quan quản lý đánh giá, đồng ý.
Đó là số lượng nhân viên làm việc chỉ từ 30 - 50% so với bình thường; nhân viên tuân thủ 5K, xét nghiệm âm tính trước khi làm việc; trang bị dung dịch sát khuẩn cho khách hàng tại mỗi chi nhánh; chỉ nhận tối đa 5 khách/phòng.
Trong trường hợp khách hàng có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh như sốt, ho, khó thở, nhân viên lập tức cách ly và hỗ trợ khách hàng đến trung tâm y tế gần nhất… Trước đó vào tối 16.11, sau khi TP.HCM có thông báo cho phép cơ sở kinh doanh các dịch vụ như: massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, CLB khiêu vũ, karaoke được hoạt động ở cả 3 cấp độ dịch thấp nhất; đồng thời khống chế số lượng khách cùng lúc tối đa 50% công suất ở địa bàn cấp độ 2 thì hệ thống ICOOL đã kêu gọi nhân viên từ các tỉnh quay lại TP để chuẩn bị mở cửa.
Thế nhưng chỉ sau hơn 1 ngày, TP.HCM lại ngừng hoạt động các dịch vụ trên khiến số nhân viên đã quay lại phải “bơ vơ”. Từ đó đến nay, hệ thống ICOOL ngoài việc vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng còn hỗ trợ ăn, ở cho hơn 100 nhân viên đã quay lại TP.HCM.
“Các nhân viên này ở nhiều tỉnh thành như Bình Định, Bình Thuận… vào lại TP.HCM nên khó quay trở về quê. Nay hệ thống chỉ hỗ trợ được ăn, ở nhưng nếu kéo dài quá lâu thì càng khó khăn. Đồng thời mình và họ đều mong muốn mở cửa hoạt động để có doanh số, nhân viên sẽ có lương chi tiêu cho bản thân và gia đình. Các quy định về phòng chống dịch mà TP đã ban hành, chúng tôi đều đáp ứng nên rất mong được sớm mở cửa lại”, bà Mai nói.
Giãn cách 4 m2 trở lên là thiếu thực tế
Cho phép DN mở cửa hoạt động lại mới là bước đầu để hồi phục kinh tế hoàn toàn. Tuy nhiên, các địa điểm karaoke phải tăng cường việc thông khí để phòng chống dịch Covid-19 vì dịch vụ này chủ yếu tập trung trong phòng kín. PGS-TS Đỗ Văn Dũng |
Cũng đang trông chờ TP.HCM cho phép mở cửa lại, ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc marketing chuỗi karaoke Kingdom, cho biết DN đã sẵn sàng mọi thứ. Đó là liên lạc với nhân viên cũ để chuẩn bị khởi động lại công việc; liên hệ các đơn vị dọn dẹp, vệ sinh, khử ẩm hệ thống phòng ốc; với dịch vụ âm thanh ánh sáng để “khám sức khỏe” cho các dàn máy trị giá hàng tỉ đồng trong mỗi cơ sở…
Ông Hùng cho hay hồi tháng 11, sau khi TP cho phép các loại hình dịch vụ giải trí hoạt động trở lại, DN đã gọi nhân viên lên làm lại, thuê nhà; thay mới, sửa hệ thống máy móc, âm thanh ánh sáng… Thế nhưng 1 ngày sau đó, TP lại có lệnh ngừng khiến DN thiệt hại chồng thiệt hại.
Ông Hùng nêu quan điểm: Tình hình mới lúc này là người dân TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đang tiêm mũi 3. Nếu không cho phép các hoạt động vui chơi giải trí dịp cuối năm này thì không biết chờ đến khi nào. Nay đã bắt đầu tiêm vắc xin đến 3 mũi mà vẫn phải dè chừng thì chưa đúng với tinh thần sống chung với dịch và phục hồi kinh tế.
“Đặc biệt, nếu đã cho mở thì phải có yếu tố bền vững, không như lần trước, mở rồi 1 ngày sau đóng cửa gây khó khăn chồng chất cho DN. Thứ hai, Bộ quy tắc hoạt động an toàn này nên được tham khảo ý kiến từ chính các DN đang kinh doanh loại hình dịch vụ này. Không nên thiếu tính thực tế, khi áp dụng thì lúng túng. Chẳng hạn, yêu cầu các quán karaoke phải đảm bảo khoảng cách giữa các khách từ 4 m2 trở lên là không thực tế”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Dưới góc độ y tế, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng tỷ lệ người dân tại TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin rất cao và hiện đang tiêm mũi thứ 3. Vì vậy với quy định người đã tiêm 2 mũi vắc xin mới được tham gia các hoạt động như karaoke, vũ trường…, thì việc cho mở cửa lại xét về góc độ xã hội sẽ không ảnh hưởng lớn, không làm lây lan dịch bệnh.
Hơn nữa, TP.HCM nói riêng và cả nước cũng đã xác định tình trạng mở cửa, sống chung với dịch Covid-19 nên không thể cứ cấm các hoạt động này nữa.