Tỉnh Lâm Đồng có chiều dài bờ biển lên tới 192km, sở hữu lực lượng tàu và lao động biển hùng hậu, là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước. Trong thời gian qua, nghề khai thác hải sản tại tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó phải nói đến việc áp dụng khoa học, công nghệ trong khai thác.
Theo Sở NN-MT tỉnh Lâm Đồng, các tàu cá của ngư dân địa phương đang sử dụng đèn LED trong khai thác thủy sản, đặc biệt là trên các tàu đánh bắt xa bờ, để thay thế cho các loại đèn truyền thống như đèn sợi đốt, đèn cao áp. Việc chuyển đổi sang đèn LED mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả khai thác và góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải ra môi trường biển.
Ngư dân Trần Bình (ngụ phường Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Trước đây, tàu cá của tôi sử dụng 11 bóng đèn cao áp để hành nghề câu mực, mành chụp trong đêm thì phải tiêu tốn 30 lít dầu diesel. Tuy nhiên, từ khi chuyển qua sử dụng bóng đèn LED, lượng dầu tiêu thụ chỉ còn 20 lít”.

Sở hữu đội tàu cá hiện đại và lượng lao động lớn, nghề khai thác thủy sản ở Lâm Đồng ngày càng phát triển
Thêm vào đó, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ ngư dân cải hoán hơn 500 tàu xa bờ với hầm bảo quản sử dụng vật liệu cách nhiệt polyurethane và composite, giúp giữ lạnh hiệu quả, đảm bảo chất lượng sản phẩm sau mỗi chuyến biển. Đặc biệt, tại đặc khu Phú Quý đã hình thành đội tàu hậu cần lớn nhất cả nước. Các tàu này không chỉ thu mua hải sản trên biển mà còn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu cho các tàu đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
“Một số đội tàu dịch vụ thu mua ngay trên biển còn trang bị công nghệ cấp đông hiện đại, giúp đẩy mạnh logistics dịch vụ hải sản, cung cấp sản phẩm tươi sống cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu”, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản Hùng Cường, chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Biển đảo Lâm Đồng, địa phương còn triển khai hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) cho gần 2.000 tàu công suất lớn. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ cho ngư dân 175.000 đồng/tháng/tàu cá trong 36 tháng để giảm chi phí, đảm bảo ngư dân tuân thủ giám sát, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
Về phương tiện, ngư dân đã mạnh dạn trang bị những tàu vỏ gỗ, vỏ composite mới có trang bị sonar, radar, máy dò ngang, hệ thống thủy lực hiện đại, hỗ trợ định vị và đánh bắt xa bờ hiệu quả. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt trên 116.000 tấn.
Có thể thấy, Lâm Đồng đang dần hình thành hệ sinh thái nghề cá công nghệ cao, từ đánh bắt, bảo quản đến giám sát hành trình và quản lý nguồn tài nguyên biển. Hàng trăm tàu cải hoán, hàng ngàn ngư dân được tiếp cận thiết bị mới, từ đó giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm.