Ôn lại truyền thống dân tộc
Ngày 7-4-1975, tất cả các cánh quân tiến về Sài Gòn đều nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện đó được soạn thảo và chuyển đi từ Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (nhà và hầm D67, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).
Và 48 năm sau, những ngày tháng 4-2023, cũng tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, triển lãm Chung một con đường do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức với mong muốn giúp các thế hệ hôm nay sống lại những thời khắc lịch sử tại chính nơi đã góp phần làm nên lịch sử. Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Cùng hòa chung không khí ngày hội thống nhất non sông, từ 28-4 đến 20-5, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) giới thiệu nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện điện ảnh đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Đây cũng là những bộ phim được sản xuất ngay trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và những ngày đầu thống nhất đất nước, như: Hà Nội mừng Sài Gòn giải phóng, Sài Gòn vui chiến thắng, Niềm vui trọn vẹn, Thành phố lúc rạng đông, Tháng Năm những gương mặt, Mẹ vắng nhà, Truyện cổ tích cho tuổi 17, Xa và gần…
Trong khi đó, tại TPHCM, các bảo tàng cũng mở cửa xuyên suốt với nhiều hoạt động đa dạng. Tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM tổ chức trưng bày chuyên đề Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn, giới thiệu đến công chúng 150 hiện vật là những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trên chất liệu gỗ - thể hiện nét tài hoa và tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân Việt Nam dưới thời Nguyễn. Dịp này, bảo tàng giảm 50% giá vé cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, sân khấu rối nước Rồng Phương Nam bên trong khuôn viên bảo tàng cũng hoạt động liên tục với vở diễn Hoa đất Việt.
Với những ai thích hình ảnh tà áo dài có thể đến với cuộc trưng bày áo dài Việt Nam tại Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức). Tại đây, khách tham quan còn được trải nghiệm những hoạt động văn hóa dân gian như: chợ quê, làm tò he, bánh dân gian Nam bộ… Trong khi đó, Bảo tàng TPHCM và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tiếp tục các chuyên đề lịch sử, văn hóa dân tộc, anh hùng dân tộc. Tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là cuộc triển lãm Giải Mỹ thuật thường niên do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức, trưng bày những sáng tác của các nghệ sĩ trẻ mang hơi thở đương đại, phá cách.
Sôi động các chương trình giải trí
Nhằm đón nhận lượng khách được dự báo khá đông trong kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, trước đó cả tháng, các điểm diễn, sân khấu, đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM đã cấp tập thiết kế, xây dựng các chương trình hấp dẫn để phục vụ khán giả tốt nhất.
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đưa ra vở xiếc nghệ thuật mới Cha Rồng Mẹ Tiên, công diễn từ 28-4 đến 3-5. Đây là vở diễn được dàn dựng công phu, sáng tạo, sân khấu 3D hoành tráng với những kỹ xảo huyền ảo… Những người yêu cải lương dịp này sẽ đón xem nhiều vở diễn được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, quận 1; Trung đoàn Gia Định, huyện Củ Chi; Đình Thần xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ; Đình An Khánh, TP Thủ Đức; Đình An Thới Đông, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ…
Các sân khấu kịch cũng sáng đèn với hàng loạt vở kịch cũ, mới. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần vào 2 tối 29-4 và 30-4, diễn vở Tía ơi, chồng con đâu? và Trời trao của lạ, với sự tham gia của các NSƯT Mỹ Uyên, Hữu Quốc, Quỳnh Hương… Sân khấu kịch Idecaf hiện gần hết vé các vở diễn Ngôi nhà không có đàn ông, Thuốc đắng giã tật, Cậu Đồng, Cưới vợ cho ai, Mưu bà Tú, Giấc mơ tình tình… diễn liên tục từ ngày 26-4 đến 6-5, trong đó có vở mới toanh Bí mật giếng làng Khủm (tác giả: Trung Dân, đạo diễn: Thanh Thủy) đậm chất dân gian, hài hước.
Nhà hát Thanh Niên - NVH Thanh Niên TPHCM, vở hài kịch Thanh xà Bạch xà ngàn năm tỉnh mộng vừa công bố lịch diễn dịp nghỉ lễ đã hết vé 3 suất đầu tiên. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả dịp nghỉ lễ với 2 suất diễn vở Bỉ vỏ vào tối 30-4 và 1-5. Vở có sự tham gia biểu diễn của dàn diễn viên trẻ của sân khấu kịch Hồng Vân.
Với điện ảnh, năm nay đặc biệt ra mắt 2 phim Việt cùng lúc Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng và Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, phù hợp với nhu cầu giải trí của người dân trong dịp nghỉ lễ, lại vừa tránh được cao điểm của các phim ngoại. 2 tác phẩm nội địa này hứa hẹn sẽ tạo nên cú hích tiếp theo cho phòng vé.
Trước đó, các suất chiếu sớm của Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng (từ 21 đến 23-4) đã thu về 20 tỷ đồng với 255.000 vé bán ra. Đây là cơ sở để nhiều người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đặt niềm tin bộ phim sẽ tiếp tục gặt hái doanh thu tốt khi chính thức khởi chiếu từ ngày 28-4.
Trong khi đó, với 5 phần phim đã ra mắt và đều thành công về doanh thu, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh tiếp tục nhận được nhiều sự kỳ vọng. Chính đạo diễn Lý Hải hé lộ, phần phim này được đầu tư hơn với nhiều cú lật liên tục khiến khán giả không thể rời mắt.