Người dân mong chờ quyết sách tạo 'đòn bẩy' cho TPHCM phát triển mạnh mẽ

(ĐTTCO) - Nhiều ý kiến bày tỏ đồng thuận và mong chờ nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách đột phá sớm được thông qua để khơi thông nguồn lực, giúp TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngã ba Cát Lái thuộc TP Thủ Đức, TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngã ba Cát Lái thuộc TP Thủ Đức, TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông TRẦN QUANG TUẤN, cử tri phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM:

Nghị quyết mới sẽ trở thành đòn bẩy

Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đã được trình Quốc hội và được các đại biểu Quốc hội cũng như người dân TPHCM rất quan tâm. Có thể nói, sự cần thiết để “đầu tàu” TPHCM tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội là điều không phải bàn nữa, song cơ chế mới hơn, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho TPHCM đến mức độ nào là điều mà người dân mong mỏi.

Các bộ, ngành Trung ương, TPHCM và các chuyên gia đã phân tích sâu, đa chiều, kỹ lưỡng khi xây dựng dự thảo nghị quyết. Cùng với những bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết 54, tôi tin tưởng nghị quyết mới nếu được ban hành sẽ là đòn bẩy thúc đẩy TPHCM phát triển mạnh mẽ.

Từ các nội dung của dự thảo, có thể thấy các đề xuất, kiến nghị đã đi sâu sát vào những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cho sự phát triển của TPHCM. Chẳng hạn, thời gian qua, Trung ương và TPHCM đã đầu tư ngân sách khá nhiều để phát triển mạng lưới giao thông, trong đó có nhiều tuyến đường được đầu tư mới đi qua các khu vực đất trống, khu dân cư xen cài.

Mặt bằng ven các tuyến giao thông này có tiềm năng phát triển thành khu đô thị có giá trị gia tăng cao, nhưng hiện chưa có cơ chế để thành phố khai thác. Nếu có cơ chế cho phép TPHCM phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tôi tin rằng bộ mặt thành phố sẽ có sự thay đổi vượt trội.

Ông PHẠM PHÚ TRƯỞNG, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM:

Doanh nghiệp TPHCM đang chờ “thuốc” phục hồi

Thời gian qua, dù Chính phủ và chính quyền TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách vẫn chậm được tháo gỡ, như chính sách về đất đai, cơ chế hợp tác công - tư PPP…

Với nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, có thể thấy đây là chuyện hệ trọng của vùng Đông Nam bộ và cả quốc gia chứ không phải TPHCM xin ưu đãi cho riêng mình. Lãnh đạo TPHCM cần có quyền chủ động hơn trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp đang “bệnh”, chờ nghị quyết mới như chờ một liều “thuốc” phục hồi, nhưng nếu cấp “thuốc” quá trễ, để bệnh nặng hơn thì rất khó chữa trị.

Người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi nghị quyết mới được thông qua, sẽ tạo một khí thế, nhiệt huyết mới, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của TPHCM và vùng Đông Nam bộ. Hy vọng nghị quyết mới sẽ tạo cho đội ngũ cán bộ hành lang pháp lý thông thoáng hơn, để họ mạnh dạn thử nghiệm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông DƯƠNG HỒNG THẮNG, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TPHCM:

Khơi thông nguồn lực để thành phố phát triển hơn

Nghị quyết 54 quy định HĐND TPHCM cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, huyện Hóc Môn đã kiến nghị và được HĐND TPHCM thông qua, cho phép huyện sử dụng khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương để chi đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội (như các công trình giảm ngập, xây trường học, sân vận động…).

Các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cho địa phương, giải quyết các vấn đề cấp bách như giảm ngập nước, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, xây dựng sân chơi, luyện tập thể dục thể thao phục vụ cộng đồng.

Các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 54 đã được địa phương vận dụng linh hoạt để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn hy vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sớm được thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho thành phố phát triển hơn nữa. Đặc biệt là thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).

Với cơ chế này, TPHCM nói chung, huyện Hóc Môn nói riêng sẽ khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai rất lớn dọc theo tuyến đường Vành đai 3 với gần 1.600ha phù hợp quy hoạch phát triển đô thị.

Các tin khác