Trưa 2-6, tại siêu thị Big C Tô Hiến Thành (quận 10), các cuộc điện thoại khách gọi đến đặt hàng liên tục reo. Siêu thị còn nhận đơn hàng khách đặt qua ứng dụng di động Zalo. Danh sách các món hàng được lên chi tiết, sau đó, sẽ có một nhóm nhân viên làm nhiệm vụ vào siêu thị lấy hàng đúng như đơn khách đặt.
Các đơn hàng tại hệ thống siêu thị này sẽ được miễn phí giao cho khách mua có hóa đơn trên 200.000 đồng, trong bán kính 10km
Đại diện Central Retail - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C, Go!, Tops Market, cho biết kể từ khi TPHCM quyết định giãn cách xã hội, lượng đơn hàng đặt qua điện thoại và các kênh online của siêu thị tăng đột biến. Hàng hóa thuộc các ngành hàng từ thực phẩm tươi sống, đồ khô đến hóa mỹ phẩm đều có đủ khi mua sắm tại nhà.
Ghi nhận cho thấy, khi mua sắm tại nhà, nhiều người tiêu dùng tại TPHCM vẫn quan tâm nhiều nhất đến nhóm hàng thiết yếu, gồm thực phẩm tươi sống, đồ khô, sữa và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch.
Đại diện Big C cho rằng việc đi siêu thị qua điện thoại, Zalo giúp hạn chế đến nơi đông người trong lúc Covid-19 đang rất phức tạp tại TPHCM.
Hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ cũng ghi nhận số đơn hàng đặt online tại TPHCM đang tăng gấp đôi so với ngày thường, khi tình hình dịch bệnh tại TP đang phức tạp. Số lượng người ngồi tại nhà đi siêu thị càng nhiều hơn trước việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thỉnh thoảng tìm người đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vì liên quan ca nghi nhiễm Covid-19.
Với hóa đơn trên 200.000 đồng, Co.opmart sẽ giao hàng miễn phí tận nhà trong bán kính 5km.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, khuyến khích người dân trong thời gian này nên đặt hàng qua điện thoại, thông tin đơn sẽ ghi nhận. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể gọi điện trực tiếp đến siêu thị gần nhất để đặt hàng, hàng hóa sẽ được giao về nhanh chóng.
Siêu thị vắng khách, thắt chặt phòng dịch Covid-19
Trong khi đó, ghi nhận của Dân Việt liên tục vài ngày đầu TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, tại một số siêu thị cho thấy, đã không còn cảnh người dân kéo nhau đi mua sắm.
Hàng hóa, thực phẩm các loại vẫn dồi dào trên quầy kệ, không có hiện tượng trống hàng, hàng với đến đâu, nhân viên bổ sung đến đó.
Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, khảo sát sơ bộ ngày 1/6 cho thấy hầu hết các chợ vắng khách, nhiều thương nhân còn chưa mở bán, chủ yếu chỉ có một số thương nhân kinh doanh thức ăn sáng phục vụ nhu cầu mua mang đi của người dân, và một số mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt, cá...
Tại một số siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, Tops Market, VinMart… mãi lực mua sắm giảm so với ngày 30-5 (ngày trước giãn cách xã hội) nhưng vẫn tăng 10-15% so với ngày thường. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mua sắm đã ổn định, không còn tâm lý thu gom tích trữ.
Còn hàng hóa thiết yếu đang đầy ắp trên các quầy kệ siêu thị, khách hàng đến mua sắm ở mức bình thường, chưa phát hiện tình trạng tăng giá đột biến cũng như khan hiếm hàng hóa cục bộ.
Sở Công Thương TPHCM yêu cầu các hệ thống phân phối phải căn cứ thực tế diện tích điểm bán, khả năng đón khách, thực hiện giãn cách theo hướng tổ chức đón khách theo từng đợt, một đợt không quá 20 người để đảm bảo không tập trung đông người trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp hiện nay.