(ĐTTCO) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết từ ngày 7-9, người dân ở "vùng xanh" được đi chợ mỗi tuần 1 lần. Riêng vùng đỏ shipper mua hàng, đi chợ hộ cho người dân. TP sẽ tính toán cho mở lại hàng ăn bán mang về ở một số nơi đủ điều kiện.
Tối qua, 6-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lần đầu tiên có mặt trong số đặc biệt của chương trình Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", với chủ đề: “Những định hướng lớn của TPHCM sau ngày 15-9". Người đứng đầu chính quyền TP đã trả lời nhiều ý kiến của người dân về tình hình chống dịch, an sinh xã hội, kế hoạch nới giãn cách sau ngày 15-9...
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, TP vẫn duy trì giãn cách như thực hiện từ ngày 23-8 đến nay. Tuy nhiên, sẽ có nhiều nói lỏng tại các vùng xanh, vùng kiểm soát được dịch.
Cụ thể, tại vùng đỏ, khu phong tỏa, cách ly là shipper đi chợ hộ người dân. Riêng vùng xanh, người dân sẽ được đi mỗi tuần một lần. Trong gia đình, khuyến khích những người đã tiêm vaccine Covid-19 sẽ đi chợ.
"TP sẽ mở dần dần trên nguyên tắc an toàn", ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, TP sẽ mở 2 điểm trung chuyển tại chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn, để đưa nông sản, thực phẩm từ các tỉnh về. Từ đây, bằng hệ thống vận chuyển an toàn, thành phố sẽ đưa hàng hóa đến các siêu thị trong thành phố, để đảm bảo cung ứng.
Đáng chú ý, từ nay đến 15-9, một số địa bàn vùng xanh sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau 15-9, nếu tình hình chuyển biến tốt, TP sẽ cân nhắc mở ra khá nhiều hoạt động với địa bàn, ngành nghề an toàn và người tham gia an toàn.
Lần đầu xuất hiện trên sóng Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề: “Những định hướng lớn của TPHCM sau ngày 15-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trả lời rất nhiều vấn đề quan tâm của người dân TPHCM.
Cũng từ đây đến 15-9, các siêu thị sẽ mở đến từng xã phường, thị trấn, để shipper mua hàng cho người dân vùng đỏ, vùng cách ly, phong tỏa.
Một số người dân hỏi khi nào mở lại chợ, ông Mãi cho biết từ nay đến 15-9, TP chưa có kế hoạch này.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, nếu quản lý được người tham gia an toàn, cung đường an toàn, hoạt động an toàn, sau 15-9, TP sẽ mở rộng các hoạt động thương mại điện tử, sản xuất trang thiết bị cho ngành y tế, sản xuất lương thực, thực phẩm, công trình xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng.
"Chúng ta mở theo kết quả kiểm soát dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Nhiều người dân rất quan tâm đến lộ trình nới lỏng giãn cách sau 15-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết việc giãn cách, xét nghiệm, điều trị, giảm tử vong, đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vaccine là những hoạt động thành phố đang khẩn trương thực hiện. Để đến ngày 15-9 có thể thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Nếu đến 15-9 đạt mục tiêu thì TP sẽ có lộ trình nới lỏng giãn cách.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn đến đâu mở đến đó. Do đó, thời gian tới, người dân thành phố phải sống trong điều kiện có dịch bệnh. TP sẽ theo tình hình thực tế để mở từng bước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân và bảo vệ kinh tế - xã hội.
Về việc tại sao TP giãn cách kéo dài nhưng tình hình chưa cải thiện, ông Mãi cho rằng nguyên nhân khách quan là chủng Delta diễn biến rất phức tạp, việc ứng phó đôi lúc chưa kịp thời. Khi hiểu quy luật của chủng này và tiến hành biện pháp giãn cách và một số nơi làm kịp thời, triệt để thì tình hình có cải thiện.
Nguyên nhân chủ quan là ở một số địa bàn chưa làm nghiêm, hoạt động xét nghiệm ngăn nguồn lây nhiều nơi làm chưa tốt.
TPHCM cũng đang phối hợp với các tỉnh để có chính sách hỗ trợ cho lao động, giúp các doanh nghiệp có nguồn lao động phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thành phố thực hiện giãn cách nghiêm và khẩn trương xét nghiệm, tìm F0, tách khỏi cộng đồng, ngăn nguồn lây và qua đó có diễn biến tốt.
Ông tin rằng nếu thực hiện các biện pháp này tập trung, quyết liệt, đồng bộ hơn thì thời gian sắp tới có thể cải thiện tình hình.
Trả lời câu hỏi làm của người dân làm thế nào để kiểm soát ca nhiễm, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đầu tiên khi phát hiện F0 thì phải kịp thời xem xét điều trị. Khi có triệu chứng, người dân phải được sơ cấp cứu ngay, để giảm tử vong. Quan trọng là tập trung tiêm vaccine để sau khoảng thời gian 14 ngày, người tiêm sẽ có kháng thể. Khi đó, nếu không may có nhiễm bệnh thì cũng ít khả năng chuyển nặng và tỷ lệ tử vong sẽ giảm.
Vấn đề tiếp theo được nhiều người dân đặt câu hỏi là việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ. Khi giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ. Ông Mãi nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, và có nhiều cái khó. Thứ nhất là vốn, nếu vay ngân hàng thì lãi suất thế nào.
TPHCM đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay. Đồng thời đã có đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp, để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh.
TP còn có các chương trình hỗ trợ lãi suất, ví dụ như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ khó khăn về nguồn vốn.
Điều khó khăn của doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất là lao động, những người đã về quê thì không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch được cải thiện. TP đang phối hợp với địa phương để giải quyết việc này, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho lao động, để có nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, thành phố sẽ có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết đến nay, ngân sách đã chi 4.800 tỷ đồng và số tiền vận động xã hội hóa khoảng 1.200 tỷ để hỗ trợ an sinh cho người dân. Đồng thời, TP cũng phát trên 1,6 triệu túi an sinh và gạo. Cố gắng tới ngày 10-9, TPHCM phát xong 14.000 tấn gạo cho bà con.
Kế hoạch thời gian tới, người đứng đầu chính quyền TP cho biết thành phố có tính đến hỗ trợ tiền mặt hàng tháng cho mỗi người khó khăn, nhưng ở mức nào thì đang cân đối ngân sách.
Trước đây, TP hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, sau này có thể ít hơn, nhưng sẽ thường xuyên. TP duy trì việc hỗ trợ gạo, túi an sinh và sẽ vận động hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước để giảm chi phí cho người thuê trọ.