Thủ tướng: Quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 9

(ĐTTCO) -  Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương phải kiểm soát được dịch bệnh, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.
Trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết khó có khả năng vực dậy nếu tiếp tục giãn cách sau tháng 9.
Trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết khó có khả năng vực dậy nếu tiếp tục giãn cách sau tháng 9.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó dự đoán, gây bất ngờ.
Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế-xã hội và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ưu tiên cao nhất hiện nay là sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các bộ, địa phương phải xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Còn trong lúc vẫn khan hiếm vacicne, các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. 

Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.

Về thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho hạ tầng. "Nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, để có giải pháp phù hợp", Thủ tướng khẳng định. 
Thủ tướng: Quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 9 ảnh 1 Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Ảnh: T. Niên
Về giải ngân vốn đầu tư công chậm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cần đánh giá sát thực tế hơn. Bởi trong 8 tháng năm 2021, giải ngân được hơn 40%, trong khi cùng kỳ năm 2020, năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 5 năm trước, cũng chỉ đạt 46%. Tốc độ giải ngân nhanh của năm 2020 là vào những tháng cuối năm.

Cùng với đó, các cấp, ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp. Có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, phát triển mạnh thị trường trong nước... Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; tăng cường quản lý thị trường. Đồng thời tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn. Không đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng.

Đặc biệt, Thủ tướng giao thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm, với dự kiến 2-3 triệu lượt người. 

Vào đầu phiên họp, Chính phủ đã thảo luận một số vấn đề thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng cơ bản ổn định, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến 15-9, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch tổng thể chung khi mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát.
Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 phải đạt 1 triệu liều/ngày
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX). Vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 tỉnh, thành, gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15-9.

Về vaccine cho trẻ em, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể. 

Các tin khác