Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kỷ luật Đảng nghiêm minh...
Dẫu rằng việc xử lý kỷ luật đối với các đảng viên, cán bộ, công chức, đặc biệt là những người có vị trí cao trong Đảng, Nhà nước đôi khi gây ra những đau đớn và mất mát. Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 23-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”.
Vì thế, để bảo đảm sự trong sạch của Đảng cũng như tính minh bạch, khách quan của bộ máy Nhà nước, việc xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh, có hiệu quả, thậm chí khai trừ khỏi Đảng là điều không thể tránh khỏi. Những thách thức này đòi hỏi sự quyết tâm và kiên định của Đảng ta trong việc giữ vững kỷ luật nội bộ và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”.
Do đó, vấn đề kỷ luật đối với đảng viên và cán bộ, công chức có hành vi vi phạm luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh trong công tác quản lý, điều hành mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh Điều lệ Đảng, Đảng ta đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Quy định này đã nhấn mạnh tới sự nghiêm minh trong xử lý kỷ luật đảng, tạo lập một khung pháp lý rõ ràng và cụ thể cho việc xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó siết chặt kỷ luật nội bộ, bảo đảm mọi đảng viên đều tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
... để có một đội ngũ cán bộ vững mạnh
Để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong quy định về xử lý kỷ luật đảng viên và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 được ban hành. Đặc biệt, khi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20-9-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 71/2023/NĐ-CP) ra đời thì vấn đề đồng bộ trong quy định về xử lý kỷ luật đảng viên và cán bộ, công chức càng trở nên sâu sắc, rõ rệt hơn.
Theo đó, khi một đảng viên bị xử lý kỷ luật về Đảng, các cơ quan Nhà nước cũng sẽ xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức. Ngược lại, khi một cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, tổ chức Đảng nơi họ sinh hoạt cũng sẽ tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay khi nhiều cán bộ, công chức đồng thời cũng là đảng viên. Mặt khác, hình thức xử lý kỷ luật đối với đảng viên và đối với cán bộ, công chức hiện nay cho thấy một mức độ tương đồng nhất định và sự thống nhất trong việc áp dụng các biện pháp kỷ luật, bảo đảm rằng mọi vi phạm đều được xử lý nghiêm minh, không có sự chênh lệch lớn giữa các hệ thống kỷ luật.
Nhờ vào những yếu tố trên, tính kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước càng được củng cố, từ đó không chỉ giúp loại bỏ những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả làm việc của toàn bộ tổ chức mà còn giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ vững mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn cao.
Tiếp tục phát huy và phát triển hơn nữa những kết quả đã đạt được, Đảng ta đã không ngừng đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong hành động, bảo đảm siết chặt kỷ luật trong Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 22-1-2018: “Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng” để xây dựng một đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:.
TS NGUYỄN MẠNH HÙNG - Th.s VÕ TẤN ĐÀO (Trường Đại học Luật TPHCM)
Tấm gương của sự nhất quán giữa nói và làm
- Th.s Lưu Đức Quang, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị đã nâng tầm vấn đề truy cứu trách nhiệm chính trị - pháp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ lãnh đạo hệ thống chính trị nói riêng một cách bài bản hơn, thực chất hơn.
Những quy định của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật đảng liên tục được ban hành và sửa đổi đã tạo ra xung lực mới đối với việc nghiên cứu, vận hành cũng như hoàn thiện chế định pháp luật về trách nhiệm pháp lý tương ứng trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay ở nước ta. Với tôi, Quy định số 102/QĐ-TW và việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 là một quy định có dấu ấn lớn của Đảng.
Quy định số 102 quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nêu rõ: Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong quy định này. Từ đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã sửa đổi khoản 5 điều 84 của Luật Cán bộ, công chức.
Lần đầu tiên, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm được luật hóa với tư cách là một hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Hơn thế nữa, luật đã có quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Do vậy, tình trạng nghỉ hưu được coi là "hạ cánh an toàn" đối với một bộ phận cán bộ, công chức sẽ không còn nữa dưới thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- Luật sư Phạm Hoàng Lâm (Đoàn Luật sư TPHCM, nguyên Kiểm sát viên Viện KSND TPHCM): Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương của sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh, sự quyết liệt bằng các hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Ở góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nhiều năm, tôi cảm nhận, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phản ánh sự nghiêm minh và văn minh của một nhà nước, của một quốc gia.
THÀNH TRỌNG ghi