Vừa qua, N.H.N (26 tuổi trú tại Trúc Bạch), bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19 tại Việt Nam sau khi đi Italy thăm người nhà và qua Anh đã nhập cảnh về nước tại sân bay Nội Bài. Ngay sau đó, N.H.N đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy quy trình kiểm soát nhập cảnh với người về từ vùng dịch tại sân bay được thực hiện thế nào. Vì sao N.H.N lại có thể dễ dàng vượt qua được “hàng rào” kiểm soát dịch bệnh được đánh giá là rất chặt chẽ của Cảng hàng không Nội Bài. Vậy trách nhiệm kiểm dịch của sân bay Nội Bài ở đâu?
Nhân viên an ninh hàng không đeo khẩu trang, găng tay khi làm nhiệm vụ tại CHK Nội Bài. |
Qua đó, dư luận quan tâm tới vấn đề an ninh tại sân bay Nội Bài tại sao những người mắc Covid-19 có thể "lọt" qua được cửa kiểm soát khai báo y tế và an ninh.
Chuyến bay gieo rắc nỗi kinh hoàng và vai trò của kiểm dịch sân bay
Trước những ý kiến trái chiều về việc, tại sao hành khách khi nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn lọt qua được các cửa giám sát y tế, an ninh sân bay Nội Bài mà không bị cách ly theo quy định, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cảng vụ miền Bắc cho biết: "Quy trình kiểm tra giám sát hành khách nhập cảnh được thực hiện theo đúng nguyên tắc và các quy định của pháp luật".
"Quy trình khi nhập cảnh, hành khách bắt buộc phải khai báo y tế, sau đó, tiếp tục phải khai báo qua an ninh cửa khẩu sân bay. Hiện nay, việc kiểm soát chủ yếu dựa vào lời khai của hành khách trên tờ khai nhập cảnh, tại sân bay đều có mẫu khai để hành khách tự khai báo", vị này cho hay.
Kiểm dịch Nội Bài có vấn đề?
Thời điểm N.H.N trở về Hà Nội chỉ sau 3 ngày kể từ khi Việt Nam áp dụng hình thức bắt buộc đối với những người đến hoặc đi qua quốc gia Italy. Thế nhưng, nhìn lịch trình của N.H.N có thể thấy rằng, cô gái này có thể đi từ Italy về Việt Nam mà không hề gặp một khó khăn gì.
Sau khi "lọt" nhiều hành khách mắc Covid-19, nhiều người nghi ngờ kiểm dịch Nội Bài có vấn đề? |
Thông tin tới báo chí, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết bệnh nhân N.H.N là ca mắc Covid-19 thứ 17 đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm.
Ông Tuấn cho biết thêm: "Phải chờ đến lúc chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác. Việc kiểm tra khi nhập cảnh là do CDC Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay, còn việc kiểm tra hộ chiếu của hành khách do An ninh cửa khẩu Nội Bài thực hiện.
"Nhiều trường hợp đến công an cũng không phát hiện được, vậy nên điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, trung thực của bản thân người khai báo", lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh.
Vì sao bệnh nhân mắc Covid-19 lại có thể dễ dàng vượt qua được “hàng rào” kiểm soát dịch bệnh được đánh giá là rất chặt chẽ của Cảng hàng không Nội Bài. Vậy trách nhiệm kiểm dịch của sân bay Nội Bài ở đâu? |
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, qua kiểm tra hộ chiếu cũng không phát hiện dấu vết hành khách từng đến Italy, nếu phát hiện được chắn chắn đơn vị đã yêu cầu cách ly ngay từ sân bay.
Quy trình chặt chẽ, đúng... kiểu “mơ hồ”
Theo tìm hiểu, để phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19, sân bay Nội Bài được bố trí 3 lực lượng cùng rà soát hành khách nhập cảnh gồm lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), lực lượng An ninh cửa khẩu (Bộ Công an) và an ninh sân bay (ACV).
Được biết, tại sân bay Nội Bài, các nhân viên y tế sẽ lấy số điện thoại liên hệ và xác thực nơi cư trú, kiểm tra giấy tờ cá nhân, hộ chiếu để chống khai báo gian lận.
Hành khách được phát tờ khai sức khỏe trước khi máy bay hạ cánh. Tại các trạm kiểm dịch có nhân viên và phiên dịch viên hướng dẫn người nhập cảnh khai báo đúng và trung thực về tiền sử di chuyển ở nước ngoài, nơi cư trú tại Việt Nam.
Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc bỏ lọt kiểm dịch đối với bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19 về Việt Nam tại các sân bay. |
Mỗi người nhập cảnh phải khai báo y tế tối thiểu 2 lần tại sân bay và ở nơi cách ly tập trung. Người nhập cảnh từng đi qua hoặc đến từ các quốc gia đang có dịch Covid-19 đều phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
Tuy nhiên, một số người đi từ các nơi về hạ cánh tại sân bay, thực hiện khai báo y tế tại sân bay cho rằng, quy trình khai báo này quá lỏng lẻo, đó là nguyên nhân khách khai báo thế nào cũng được và đã để lọt những trường hợp như N.H.N.
Theo anh P.N.T, người thực hiện khai báo y tế ở sân bay tường thuật lại, trước khi về Việt Nam, anh khai báo y tế trên trang web tokhaiyte.vn. Theo anh, nếu không khai báo điện tử thì có thể khai báo trên giấy. Anh T. làm cả 2.
“Khi xếp hàng bên điện tử thì cán bộ chốt ở cửa kiểm tra y tế nói có giấy thì sang bên giấy làm cho nhanh, vì bàn đó đang không có người. Nhân viên bên này hỏi tôi có từ Vũ Hán, qua Hàn Quốc không? Tôi trả lời không, vậy là chị nhân viên xé phần trên trên của tờ giấy, đóng dấu đỏ đưa tôi phần còn lại tờ giất khai y tế. Mọi việc diễn ra rất nhanh, rồi anh qua lối đo nhiệt độ, vào nhập cảnh rồi ra về”, anh T. cho biết.
Theo anh T., qua đây thấy lỗ hổng lớn từ tờ khai y tế. Ở đây không bắt khai báo các điểm đã đi của khách, dòng "Trong vòng 14 ngày qua anh/chị có đến quốc gia và vùng lãnh thổ bào không (ghi rõ) thì chỉ để 3 chấm (nghĩa là hỏi có/không) trong khi dòng này rất quan trọng vì nó sẽ là sự thành thật của khách cung cấp lịch trình có đến vùng dịch. “Nên điều này chỉ có tác dụng với người ngay, còn người gian thì không”, anh T. nhìn nhận.
Không ai có thể dám chắc rằng, trong những ngày sắp tới liệu có thêm một trường hợp tương tự như cô gái N.H.N ở Việt Nam. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào sự trung thực của những người muốn nhập cảnh vào Việt Nam thôi liệu đã đủ để chúng ta có thể ngăn chặn tối đa dịch bệnh?
Ban Chỉ đạo Trung ương về Covid-19 cần có các biện pháp mạnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc bỏ lọt kiểm dịch đối với bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19, đề nghị các cơ quan chức năng cần rút ra một bài học kinh nghiệm từ trường hợp mắc Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam.