Người nâng tầm nghệ thuật macrame Arab

(ĐTTCO) - Nghỉ làm sale tại khách sạn hiện đại nhất TP Huế, Trương Thị Huyền rẽ sang công việc mới đầy thử thách, nhưng thú vị với kỹ nghệ đan thắt dây thủ công.

Trương Thị Huyền tự tin với những sản phẩm được làm theo nghệ thuật đan dây thủ công macrame được khách hàng tin dùng.
Trương Thị Huyền tự tin với những sản phẩm được làm theo nghệ thuật đan dây thủ công macrame được khách hàng tin dùng.

Bằng niềm đam mê cháy bỏng, đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ chị Huyền đã nâng tầm từng sản phẩm hoa văn trang trí dựa theo kỹ thuật tạo hình, học từ nghệ thuật macrame của người Arab từ thế kỷ 13, với kết quả vượt mong đợi.

Từ rẽ lối cho riêng mình

Xưởng sản xuất của Trương Thị Huyền nằm khiêm tốn trong con hẻm đường Hồ Đắc Di, TP Huế. Tại đây, các sản phẩm ghế, võng, túi xách, đồng hồ, mành… đan thắt dây thủ công từ chất liệu tự nhiên, đang mở ra cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ TP Huế vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, từ góc nhìn thương mại, từng sản phẩm hoa văn trang trí theo kỹ thuật tạo hình do Huyền và những người thợ miệt mài sáng tạo còn được thị trường thế giới ưa chuộng.

“Mỗi sản phẩm trang trí theo nghệ thuật macrame (kỹ thuật thắt nút các sợi dây cùng kỹ thuật tạo hình để tạo thành hoa văn cho các sản phẩm) có nét thú vị nằm ở sự háo hức, mong đợi của từng người thợ. Đó là quá trình sáng tạo nghệ thuật, từ khi lên mẫu thiết kế cho đến khi đan thắt dây thành sản phẩm hoàn thiện. Trong đó, việc siết nút thắt chặt hay lỏng sợi dây, từng đường nét uốn lượn đều mang dấu ấn, tâm lý của mỗi người, trong từng thời điểm.

Đó chính là giá trị nghệ thuật, điểm độc đáo trong mỗi sản phẩm macrame luôn chứa đựng công sức, tâm trí và sự độc nhất không có bất kỳ sản phẩm nào giống nhau vì làm hoàn toàn bằng tay của macrame” - Trương Thị Huyền mở đầu câu chuyện.

Nói về nghệ thuật macrame, Huyền chia sẻ đó chính là những sản phẩm làm từ các loại dây với sự sáng tạo bởi bàn tay của con người. Đến nay vẫn chưa có dây chuyền máy móc nào hỗ trợ việc sản xuất macrame, tất cả đều được làm bằng đôi tay tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ.

“Qua Youtube, sách báo, mạng xã hội, tôi kiên nhẫn học hỏi và bắt đầu những ngày dài đan sợi cotton. Năm lần bảy lượt phải tháo sợi vì các chi tiết quá phức tạp, dễ bị rối. Nhưng rồi, vượt qua những nút thắt cơ bản của bộ môn nghệ thuật macrame, như nút thầm lặng, nút vuông, nút vặn xoắn, nút tạo viền, nút thắt dây… tôi tự tin tạo ra những sản phẩm dễ thương, không kém phần tinh tế và mang phong cách riêng, được mọi người đánh giá cao” - Huyền nhớ lại và cho biết đó chính là động lực để cô chắc chắn về tương lai của dòng sản phẩm macrame.

Đến vươn ra biển lớn

Sau nhiều trắc trở, cuối cùng các sản phẩm làm ra từ kỹ nghệ macrame của Huyền đã được thị trường Thái Lan, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... chấp nhận và đặt hàng với số lượng lớn.

Quan trọng hơn, sau mỗi đơn hàng xuất đi nước ngoài, Huyền lại nhận được những bài học cho bản thân. Đó là sự khắt khe, chuẩn xác của khách hàng nước ngoài, nhất là các nước châu Âu và Mỹ đặt ra với từng sản phẩm.

“Một trong nhiều tiêu chí là mỗi sản phẩm làm ra, từ khâu bảo quản nguyên liệu sợi cotton đến thực hiện thành phẩm, đóng gói… đều phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường” - Huyền cho biết.

Cũng từ đây, Huyền tham gia cuộc thi “Phụ nữ kinh doanh tài ba” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Dự án Nghệ thuật đan dây thủ công macrame của Huyền đã được Ban giám khảo đánh giá cao và trao giải Nhì.

Tiếp đó, Huyền tổ chức nhiều buổi đào tạo, trao đổi kiến thức giữa các chuyên gia về kỹ thuật đan thắt dây macrame, để giới thiệu bộ môn nghệ thuật này đến mọi người. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để tham khảo thị hiếu khách hàng, tìm kiếm chất liệu mới cũng như giới thiệu quảng bá sản phẩm trước khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm macrame với tên gọi: HTM Macrame Factory Trade Production LTD.

Huyền chia sẻ: “Nói là công ty nghe có vẻ to tát. Nhưng nếu không có quyết định thành lập doanh nghiệp, không ký kết được hợp đồng mua các mặt hàng nội thất từ nghệ thuật macrame của đối tác nước ngoài. Làm liều, rồi sản xuất từ từ. Vừa làm vừa quảng bá thương hiệu. Lúc mới khởi nghiệp, vay mượn khắp nơi được 50 triệu đồng. Nhưng may mắn, 6 tháng đầu thành lập công ty đã có tổng doanh thu khoảng 800 triệu đồng, trừ mọi chi phí lợi nhuận 15% và hiện tiếp tục duy trì ổn định”.

Ngoài 20 người thợ tuổi từ 20-60 làm việc tại xưởng với thu nhập ổn định, Huyền còn trực tiếp hướng dẫn, giao mẫu để hàng trăm phụ nữ khác tại TP Huế thực hiện các sản phẩm ký gửi tại nhà.

Tuy nhiên, ước mong cháy bỏng của Huyền là được cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, để các sản phẩm macrame do những người phụ nữ Huế sáng tạo được nâng tầm, vươn xa ra thị trường, không chỉ quốc tế mà ngay cả trong nước.

Các tin khác