Người nghèo 'bám víu' vào đâu khi rủi ro bất ngờ ập đến?

(ĐTTCO) - Thành phố đã có những cơn mưa đầu mùa làm dịu cái nóng oi bức. Nhưng vì vậy, một số người sẽ phải vất vả hơn trong cuộc mưu sinh.
Người nghèo 'bám víu' vào đâu khi rủi ro bất ngờ ập đến?

Bức ảnh trên facebook của một người bạn đã làm tôi xúc động và suy nghĩ rất lâu. Đó là ảnh một người đàn ông chui xuống dưới chiếc xe ba gác tự chế chở đầy táo đang dừng dưới lòng đường để tránh cơn mưa bất chợt vì anh không có dù hay áo mưa. Bức ảnh hoàn hảo về bố cục khi chiếc xe và người đàn ông đó nằm ở “đường mạnh, điểm mạnh”, với cả không gian mưa trắng xóa và trong mờ ảo có một chiếc ô tô làm chiếc ba gác kia trở nên nhỏ nhoi, lạc lõng và lạnh lẽo giữa màn mưa.

Nhiều người đã bình luận về bức ảnh ấy với sự thương cảm, xót xa những phận đời nghèo. Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng nhìn bức ảnh lâu hơn, tôi còn nhận ra thêm nhiều điều khác nữa. Một trong những điều ấy là người nghèo có thể tránh đi đâu khi rủi ro, khó khăn, trở ngại, thử thách chợt ập đến?

Người đi ô tô gần như bất chấp mưa nắng, nếu trời mưa bất chợt, họ chỉ lo đường nào ngập, đường nào có cây đổ, không như người đẩy xe ba gác mua ve chai, người đi xe đạp bán dạo, họ phải lo ướt hàng hóa (trừ những thứ không lo bị ướt, như xe táo kia chẳng hạn), phải lo ướt người, lo cảm lạnh…

Thế nên họ phải lật đật che đậy bằng thứ gì họ có, nón, áo, mảnh nylon, áo mưa, bạt… hoặc phải vội vã tìm chỗ nào trú chân, có khi chen nhau dưới mái hiên nào đó, có lúc lại đứng tạm dưới tán cây, có khi đụt dưới dạ cầu vượt, trạm xe buýt, cây xăng…, để rồi phải nhận lấy tiếng còi xe thúc giục, tiếng í ới kêu đi nhanh, tiếng xua đuổi của người bán hàng bị cản trở…

Người có nhà mặt tiền hoặc người thuê nhà mặt phố hẳn có sự ổn định nhất định trong việc kinh doanh, không như người buôn gánh bán bưng phải hốt hoảng chạy khi có “báo động”, phải khép nép đặt gánh hàng sợ làm phật lòng bất kỳ người nào, sợ bất cứ ai mà họ nghĩ là kẻ bảo kê, trấn lột.

Nên có lắm người không ngần ngại bắt chẹt người mua hàng, nhất là với khách nước ngoài, không hẳn vì họ xấu mà vì họ nghĩ đến việc phải “bù lỗ” cho những hôm bị “đám nào đó” chặn tiền, bắt nạt. Rồi cơm hàng cháo chợ, kể cả việc đi vệ sinh cũng tạm bợ, cuộc sống của họ quả thật quá bấp bênh. Bởi giữa mênh mông phố xá, họ thân cô thế cô, không có chỗ nào để nương nhờ, tạm lánh.

Người giàu mắc bệnh có thể chọn bệnh viện để nằm, có thể ra nước ngoài điều trị, dẫu bệnh nan y cũng có thể “cầm cự” chờ cơ hội… Người nghèo rất sợ bệnh. Họ không dám đi khám, vì sợ tốn tiền, sợ mất việc làm, sợ “đẻ ra” thêm nhiều bệnh khác.

Họ “trốn bệnh” bằng việc để cho bệnh tự khỏi (hay như nhiều người nói để cho nó “lướt qua”), bằng các bài thuốc dân gian, bằng thuốc từ các quầy thuốc tây bán dễ dãi theo triệu chứng, không theo chẩn đoán lâm sàng. Khi không trốn được nữa họ dùng bảo hiểm y tế, chấp nhận chờ đợi, chấp nhận điều trị ngoại trú, chấp nhận nằm giường ghép, chấp nhận ăn cơm từ thiện, chấp nhận “phước chủ may thầy”, kể cả chấp nhận việc bị “trả về”…

Trời mưa lớn, người giàu ở nhà cao tầng, nền tôn cao hoặc ở những khu sang trọng, chẳng mấy khi bị ngập nước. Nhưng người nghèo vì ở khu “ổ chuột”, gần kênh rạch hoặc ở nơi hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thường chịu ngập, chịu hư hỏng đồ đạc, thường chịu trận với mùi hôi, muỗi mòng, mà không chỉ một hai lần trong năm. Trời nắng nóng, nơi họ ở như cái lò xông hơi, trong cái không gian chật hẹp, cái nóng làm mọi thứ như giãn ra, kể cả con người, khi thấy số người lấp ló ở bậc cửa phành phạch quạt nhiều hơn thường ngày…

Người giàu thường bị tác động bởi lạm phát, bởi các chính sách tiền tệ… khá rõ. Một quyết định thuế ô tô có thể làm người mua ô tô mất hàng trăm triệu đồng. Nhưng số tiền chi thêm của họ dẫu nhiều vẫn là ít ỏi so với tổng thu nhập của họ. Còn với người nghèo, dĩa cơm bụi tăng thêm 2.000 đồng cũng tức tăng 10% chi phí; bó rau muống tăng 1.000 đồng cũng là tăng 20% chi phí… Và bao nhiêu thứ khác nữa, mỗi cái tăng thêm, cơ hội cho con cái học hành, khám chữa bệnh, cải thiện nhà ở… của người nghèo sẽ giảm đi một chút.

Người nghèo không có nhiều chỗ, nhiều cơ hội để tránh, nhiều điều kiện để tránh, khi những điều không may hoặc các thách thức của cuộc sống, các biến động của xã hội bỗng dưng đổ xuống. Mà dẫu họ có tránh được, trong một cảnh khép nép, thu lu, họ vẫn bị tác động không nhỏ, như người đàn ông kia ngồi chồm chỗm dưới gầm xe một lúc cũng sẽ bị ướt, bị mỏi chân, bị ế hàng, bị đói khát.

Trong nhiều trường hợp, sự tác động giống như chiếc áo ném lên lưng con lừa đã chở quá nhiều hàng làm nó sụm xuống. Còn với những người có điều kiện hơn, sự tác động dẫu là những khối hàng nặng cả tạ ném lên lưng voi cũng không làm nó hề hấn gì. Mà trong xã hội này, những con lừa đã chở nặng thì nhiều, những con voi thì ít hơn.

Nói chung, các chính sách của các quốc gia đều có hướng bảo vệ người nghèo, người yếu thế. Nhưng bao nhiêu đó là không đủ, vì họ gặp quá nhiều áp lực, thách thức và rủi ro mà không thể tránh đi đâu được, trong khi chính sách với người nghèo có khi không đến được với họ.

Cho nên, xã hội, nhất là chính quyền các cấp, cần nhìn họ với con mắt thiện cảm hơn, chia sẻ hơn, thấu hiểu hơn, ít ra cũng cho họ một vài nơi để họ tránh khi có biến cố. Được như thế xã hội mới ổn định và phát triển.

Các tin khác