Hơn 4 giờ sáng một ngày giữa tháng 4, căn bếp phía sau điện thờ Phật Mẫu họ đạo Cao Đài ở hẻm 478/32 Hòa Hảo (phường 5 quận 10, TPHCM) đã sáng đèn. Không khí khẩn trương và ánh lửa ga bùng bùng, chảo rau lớn đang xào trên bếp tỏa mùi thơm lựng.
13 năm qua, những người tham gia căn bếp miệt mài thức dậy khởi đầu ngày mới bằng việc chuẩn bị hàng trăm suất ăn nghĩa tình gửi bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Hồi đầu là vài trăm phần, sau này nhiều người biết đến và ủng hộ, giờ mỗi ngày 5-6 người lúi húi chuẩn bị chừng 800 suất.
Đúng 6 giờ 30 sáng, 2 thùng inox lớn đựng mì xào chay “cập bến” Bếp yêu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy. Hơn 200 người đã xếp hàng trong trật tự, chờ đến lượt nhận. Cái hay ở đây là không chia đồ ăn thành từng hộp xốp để tránh phát sinh rác thải, theo quy định chung của bếp. Bà con tới lấy đồ ăn mang theo hộp, tô, cà mên…, rồi gọi “cho 2 phần”, “cho 3 phần”, có khi cả 4 phần để các cô chú ở bếp lấy chừng đồ ăn cho vừa đủ.
Hôm nay, đi cùng với nhóm còn có một đội thiện nguyện tặng bánh mì chay... Khệ nệ trên tay hộp mì xào, 2 chiếc bánh mì, một phần quà, bà Hồ Thị Hiệp, 60 tuổi, bệnh nhân ung thư tủy, cho biết, hai mẹ con bà đã bám trụ ở tầng trệt khu nhà chờ của bệnh viện 8 tháng qua. Tiền thuốc mỗi tháng hết 16 triệu đồng, mẹ con tằn tiện không dám chi tiêu gì, tết cũng không dám về quê ở Gia Lai.
Gần tháng nay, sức khỏe mẹ khá hơn, con trai để mẹ tự đi xin đồ ăn của các nhóm từ thiện, còn mình đi làm thêm ở công trình gần bệnh viện. “Cơm ngon không cô? Nhiêu đây cô ăn đủ no không?”, đáp lại là một nụ cười tươi hết cỡ: “Nói thiệt nha, cơm ngon hơn, đầy đủ hơn cơm nhà nữa. Tám tháng nay, mẹ con ít phải mua cơm, nhóm này tặng cơm, nhóm kia tặng bánh mì, lần hồi mà được tới nay đó”.
Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày đón hơn 10.000 người từ khắp nơi về khám chữa bệnh. Có người đến rồi đi, nhưng cũng có những cảnh đời mắc kẹt ở đây, giữa một bên là bệnh tật đớn đau, một bên là sự túng thiếu. Và thành phố đã dang rộng vòng tay đón họ.
Người ta nói, ở Sài Gòn không bao giờ đói. Ít nhất cứ nhìn quanh những bệnh viện lớn là biết rồi. Ở thành phố này, chẳng cần chi cầu kỳ, một vài chị em túm tụm lại cũng nhóm thành một căn bếp yêu thương. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nhà hảo tâm” sẵn sàng góp sức giúp người.
Ông bà My-Hồng, bà 71, ông 87 tuổi vẫn đều đặn hàng ngày chăm chút nấu 250 hộp cơm chay thật ngon đặt trước nhà, ở trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11 quận Bình Thạnh, để người bán vé số, người xe ôm hay bất cứ ai ngang qua lấy một phần cơm ăn qua cơn đói lòng. Thấy ông bà làm việc tốt, nhiều người mang tới góp ký gạo, chai nước tương hay chút tiền...
Khi chúng tôi tới, bà cụ lưng còng vừa cọ nồi, vừa nở nụ cười bỏm bẻm, kể mình quê ở Ô Môn, TP Cần Thơ. Mấy năm trước hai vợ chồng già lên đây chữa bệnh, cũng được ấm áp trong vòng tay thương yêu giúp đỡ của đồng bào, giờ đền đáp lại. Bà đứng nấu bếp. Ông lọ mọ lau bàn. Hai tấm lưng còng mà tay chân cứ luôn luôn không nghỉ. Xung quanh là mấy người trẻ hơn, biết đến việc làm của ông bà nên họ lại phụ một tay.
Ở mảnh đất này, lòng tốt, sự tử tế lặng thầm tiếp nối một cách tự nhiên…
Thi thoảng lại nghe về những hội nhóm săn bắt cướp hay những chuyện “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Đang trong ca trực, anh bảo vệ Trần Nguyễn Quốc Thành của Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2 nghe tiếng kêu cứu ở con đường phía trước. Mọi người còn tưởng chỉ tranh cãi qua lại chút thôi, nhưng anh Thành thấy vị khách đang đâm anh tài xế. Anh vội lao ra, dùng thế võ tước con dao và khống chế kẻ ác. Được khen thưởng cho hành động nghĩa hiệp, nhưng khi nhớ lại, anh bảo vệ có thân hình to lớn cứ vụng về lau nước mắt vì không kịp cứu người.
Ở Thủ Đức, anh Nguyễn Đức Tài lập CLB tình nguyện săn bắt cướp, phòng chống tội phạm, có 15 tình nguyện viên tham gia. Đội hoạt động cả ngày lẫn đêm, giúp dân lấy lại nhiều tài sản, cung cấp thông tin và bắt được nhiều đối tượng, giao công an xử lý. Hai năm sau anh lại lập đội vá xe lưu động ban đêm, giúp người lỡ đường, hỗ trợ đưa người bị hại về với gia đình, đưa người mất về quê chôn cất...
Lại có người như chị Phan Thị Phượng nặng lòng với công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa. Chị nhận đỡ đầu một cháu là con bệnh binh suốt 12 năm học, nay cháu đã tốt nghiệp và có việc làm. Chị lặn lội thu thập thông tin, giúp đưa 5 bộ hài cốt liệt sĩ ngoài đồng ruộng về nghĩa trang liệt sĩ. Rồi kê khai, chuẩn bị hồ sơ giúp các gia đình chưa được công nhận liệt sĩ hay Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tù chính trị và người có công trong kháng chiến…
Những việc như thế có thể nhìn thấy rất nhiều, những việc mà lẽ thường chẳng mấy ai sẵn sàng bỏ thời gian công sức, bạc tiền, thậm chí đặt mình vào hiểm nguy để giúp người. Nhưng ở thành phố này, hình như ai cũng cho đó là điều hết sức bình thường…