Còn tính đến thời điểm này, NSND Đặng Thái Sơn là giám khảo duy nhất trên thế giới, không phải người Ba Lan, được mời làm giám khảo 4 lần liên tiếp ở cuộc thi Chopin Competition (Ba Lan).
Quá trình chọn lọc gắt gao
Việc có thể tham gia, chứ chưa nói đến tranh giải, những cuộc thi âm nhạc hàn lâm danh tiếng trên thế giới (nhiều người vẫn hay gọi là các concours) như Chopin, P.I Tchaikovsky, Rachmaninoff, Queen Elizabeth… đòi hỏi các thí sinh phải khổ luyện và cực kỳ tài năng. Nhưng việc được mời làm giám khảo tại các concours cũng là một vinh dự rất lớn, và cũng rất thách thức với các chuyên gia, nghệ sĩ, các nhà sư phạm hàng đầu trên thế giới.
Với các concours danh tiếng, quy trình lựa chọn thí sinh đã rất phức tạp. Chẳng hạn, các thí sinh phải có những giải thưởng trước đó, có thư giới thiệu của các giáo sư đầu ngành. Cùng với đó, quy trình tìm kiếm, lựa chọn người cầm cân nảy mực tại các concours lớn thậm chí còn khắt khe hơn.
Những ai thường xuyên theo dõi các concours lớn hẳn sẽ quen mặt với các giám khảo nổi tiếng, điều này đồng nghĩa với việc số lượng người chấm thi quốc tế không nhiều, và đây là một công việc rất khó. Câu nói của nghệ sĩ piano huyền thoại Artur Schnabel: “Đừng mời tôi làm giám khảo, vì tôi chỉ thích và chấm điểm cao thí sinh nào trình diễn… giống tôi” là minh chứng rõ nhất cho sự khó khăn của công việc giám khảo.
PGS.TS Tạ Quang Đông là người Việt Nam đầu tiên được mời chấm thi bộ môn piano tại concours P. I Tchaikovsky của Nga. |
Các giám khảo hàn lâm không chỉ là những nhà chuyên môn, nhà sư phạm và các nghệ sĩ tài năng, mà phải được nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn trong cả một quá trình dài. PGS.TS Tạ Quang Đông được cử đi học Đại học và Cao học chuyên ngành Piano tại Nhạc viện Moscow và Học viện Âm nhạc Gnessin (Nga) vào năm 1988.
Đến năm 2003, ông đạt học vị Tiến sĩ âm nhạc. PGS.TS Tạ Quang Đông khi còn là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Giám đốc Nhạc viện TPHCM đã trực tiếp giảng dạy và đưa rất nhiều học sinh tham gia, đạt giải cao tại các cuộc thi piano uy tín trên thế giới. Ngoài ra, ông cũng tham gia chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc thi âm nhạc hàn lâm. Năm 2022, PGS.TS Tạ Quang Đông được mời chấm thi ở cuộc thi piano cũng rất danh tiếng là Rachmaninoff của Nga.
Trước đó, NSND Đặng Thái Sơn đã tạo nên kỳ tích vang dội vào năm 1980 khi là người châu Á đầu tiên đạt giải Nhất ở Chopin Competition (Ba Lan). Những năm qua, một loạt học trò của NSND Đặng Thái Sơn đã lọt vào top 10 của Chopin Competition, sau đó nhanh chóng thành danh và trở thành những nghệ sĩ trẻ được khán giả mến mộ.
Đặc biệt nhất, năm 2021, học trò của NSND Đặng Thái Sơn là Bruce Liu, đã đạt giải nhất ở Chopin Competition lần thứ 18, và NSND một lần nữa lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu tại cuộc thi vừa là nghệ sĩ đạt giải nhất vừa là giáo sư có học trò cũng đạt giải nhất.
Nếu thí sinh chỉ cần tài năng đặc biệt, còn giám khảo, ngoài tài năng còn phải là một quá trình dài đào tạo, uy tín nghề nghiệp, đã có học trò dự thi và đạt giải ở concours quốc tế và tất nhiên là phải “có nghề” trong việc chấm thi. “Thách thức lớn nhất với giám khảo concours quốc tế chính là thí sinh đều quá giỏi, mức độ chênh lệch rất nhỏ, vì thực ra các bạn cũng đã là những nghệ sĩ xuất sắc rồi” - PGS.TS Tạ Quang Đông chia sẻ về vinh dự vừa được nhận.
Kỳ vọng hiệu ứng âm nhạc Việt
Có thể nói, việc truy cập vào trang chủ của các concours âm nhạc lớn, trước đây thấy thí sinh Việt Nam, nhưng nay lại thấy cả những giám khảo người Việt như NSND Đặng Thái Sơn, PGS.TS Tạ Quang Đông là một niềm tự hào lớn.
Chẳng hạn như việc PGS. TS Tạ Quang Đông trong hội đồng giám khảo của cuộc thi Rachmaninoff cùng với những tên tuổi như Denis Matsuev, một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất hiện nay, cũng có thể kỳ vọng một ngày không xa, khán giả Việt Nam có thể nghe được tiếng đàn hoặc được học lớp nâng cao (masterclass) với nghệ sĩ này.
Nghệ sĩ kèn bassoon Nguyễn Bảo Anh, cũng là nhà sản xuất, tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam và quốc tế phân tích: “Sự hiện diện của các giám khảo người Việt tại các concours quốc tế không đơn thuần là vinh dự và đẳng cấp của cá nhân. Thông qua uy tín, năng lực của giám khảo, vị thế của quốc gia trên bản đồ âm nhạc hàn lâm thế giới cũng sẽ được củng cố.
Chắc chắn các thí sinh Việt Nam khi tham gia concours quốc tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong thời gian sắp tới, được chú ý, tạo điều kiện nhiều hơn trong học tập và thi thố. Vấn đề là chúng ta cần tận dụng được những điều kiện thuận lợi này để bồi dưỡng, phát huy tiềm năng những bạn trẻ đang theo đuổi môn âm nhạc hàn lâm, vốn là một môn khó, có thể tiếp tục phát triển”.
Đối với âm nhạc hàn lâm, việc tham gia và đạt giải ở concours danh tiếng luôn là một bước ngoặt quan trọng cho người học. Không chỉ là giải thưởng, sự vinh danh, mà ở đây còn là những cơ hội để có thể tiếp tục nhận được học bổng, cơ hội theo học những bậc thầy trong ngành. Nếu có người Việt ngồi ở ghế giám khảo concours, cũng có thể kỳ vọng một sự kết nối với các giáo sư đầu ngành âm nhạc để học sinh Việt Nam có thể tiếp cận và theo học.
Một điều cũng rất quan trọng nữa chính là Việt Nam cũng có thể hướng đến tổ chức những concours mang tầm vóc quốc tế. TS. Eun Young Joo người Hàn Quốc, người cũng đã có nhiều năm giảng dạy, biểu diễn và chấm thi tại Việt Nam nhấn mạnh: “Giá trị bảo chứng của một cuộc thi âm nhạc hàn lâm nằm ở giám khảo. Các thí sinh sẽ nhìn vào danh sách giám khảo để quyết định dự thi. Giám khảo càng uy tín, sẽ càng thu hút được nhiều thí sinh giỏi.
Có thể kỳ vọng việc các giám khảo quốc tế người Việt sẽ là cầu nối để mời các giáo sư đầu ngành đến với Việt Nam tham gia chấm các cuộc thi âm nhạc hàn lâm uy tín. Như vậy trong tương lai gần, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức được những concours tầm cỡ quốc tế, giám khảo đầu ngành, mang tầm vóc quốc tế. Và điều này sẽ chắp cánh cho sự phát triển của âm nhạc hàn lâm”.