Ngưỡng 800 tiếp tục leo

(ĐTTCO) - Sau 10 năm, NĐT mới lại được thấy VN Index vượt ngưỡng 800 điểm. Và đây chắc chắn là dấu mốc cực kỳ quan trọng của TTCK trong năm 2017 nói riêng và trong nhiều năm qua nói chung.
 
Dè dặt vẫn cứ tăng
 Sự hân hoan đã thể hiện rất rõ trên toàn thị trường. Một lãnh đạo trong ngành chứng khoán đã mô tả phiên 8-9, khi VN Index vượt ngưỡng 800 là một ngày không thể hoàn hảo hơn. Trước lo ngại về khả năng chạm đỉnh 10 năm nhưng cũng có thể điều chỉnh trở lại, nhiều NĐT vẫn cho rằng nên vui trước đã, vì phải mất 1 thập niên để thấy được con số này.
Ngưỡng 800 điểm là quá quan trọng đối với VN Index, câu chuyện không chỉ dừng lại ở mặt điểm số mà đây là vấn đề tâm lý và sự đồng thuận trên thị trường. 
Không chỉ NĐT mà cả những người làm trong ngành chứng khoán hớn hở ra mặt, không ít CTCK còn tổ chức tiệc mừng VN Index chinh phục 800 điểm, một điều thường thấy mỗi khi thị trường hoặc CP tạo ra những đỉnh cao mới. Có thể dự báo một cách lạc quan rằng, nếu VN Index trụ được vững trên ngưỡng 800 điểm trong khoảng 3 phiên, khả năng TTCK Việt Nam sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới và một giai đoạn bùng nổ sẽ tiếp tục diễn ra không kém gì năm 2007. 

Hơn 1 tháng qua, khi VN Index tiệm cận 800 điểm, tâm lý dè dặt liên tục xuất hiện và thực tế ngay trong phiên vượt đỉnh thành công vào ngày 8-9, thanh khoản khớp lệnh tại sàn HOSE chỉ đạt hơn 2.800 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với phiên trước đó. Nghĩa là suy nghĩ VN Index khó vượt 800 điểm xuất hiện đối với nhiều NĐT, điều này vốn dĩ  bình thường vì điểm số càng cao càng phải thận trọng.
Vấn đề ở đây nhìn vào các giao dịch cho thấy những NĐT đang chờ đợi một mức điểm cao hơn. Phiên 8-9, thực chất VN Index đã vượt 800 điểm ngay trong buổi sáng, nhưng sau đó điều chỉnh lại. 
Ngưỡng 800 tiếp tục leo ảnh 1 Liệu TTCK có trở lại thời hoàng kim? 
Nhìn lại một số lần chỉ số này tạo đỉnh trong những năm gần đây, lượng cung hàng có thể tăng lên ồ ạt. Nhưng trong lần này khi VN Index chạm vào một đỉnh rất quan trọng, các giao dịch vẫn diễn ra tương đối bình thường, sự dè dặt không đáng kể, lượng mua có giảm, nhưng lượng bán không tăng. Và mấu chốt của vấn đề nằm ở sự đồng thuận trên thị trường, người bán kẻ mua tấp nập, không bên nào chiếm quá nhiều ưu thế.  CP lớn đồng thuận
 Chỉ trong vòng 7 phiên, SAB đã tăng đến 30.000 đồng/CP để từ 250.000 đồng/CP lên mốc 280.000 đồng/CP. Tỷ lệ tăng giá 12% của SAB tất nhiên không thể so với các CP nóng, nhưng vấn đề SAB đang thuộc nhóm CP có thị giá và vốn hóa cao nhất trên thị trường.
Tính đến phiên giao dịch gần nhất vốn hóa của ông lớn ngành bia Sabeco đã vượt ngưỡng 180.000 tỷ đồng, tất nhiên chỉ cần SAB tăng 1% vốn hóa của công ty cũng như cả thị trường cũng đã bổ sung thêm được 1.800 tỷ đồng. Trong 3 phiên SAB tăng mạnh, cũng là 3 phiên giảm điểm của VNM, nhưng điều cần nhấn mạnh là tỷ lệ giảm không lớn, chỉ từ mức 15.1 xuống 14.9. 
Không chỉ có SAB, MSN cũng trở thành lực đẩy của thị trường trong hơn 1 tháng qua, khi đã bứt phá từ mốc 42.000 đồng/CP những ngày đầu tháng 8 lên hơn 53.000 đồng/CP những ngày gần đây. VJC sau khi công bố KQKD thuận lợi, tiến hành chia cổ tức và đã đủ thời hạn để giao dịch margin cũng đã tăng rất tốt từ vùng 124.000 đồng/CP lên hơn 130.000 đồng/CP.
Có thể kể ra trường hợp của VPB, sau một số phiên đứng giá ở vùng 36.300 đồng/CP cũng chỉ cần 3 phiên để đạt 38.500 đồng/CP và hiện vốn hóa của CP này cũng đã vượt mốc 50.000 tỷ đồng. SAB, VPB và VJC là những tân binh trong khi MSN là một cựu binh, nhưng đều có điểm chung là vốn hóa lớn và đã tăng giá một cách đồng điệu trong những ngày qua. Sự khởi sắc của nhóm này đã đủ sức “cân” lại một số blue chip khác điều chỉnh hoặc không tăng và tạo nên lực đẩy cho VN Index.
Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng nhóm vốn hóa lớn tăng giá khiến cho VN Index vượt 800 điểm cũng đồng thời gây áp lực cho không ít các NĐT. Nhóm thứ nhất chính là những người không nắm giữ blue chip và hiện giữ trong tay các danh mục mà CP không tăng giá, thậm chí còn giảm.
Vấn đề đặt ra ở đây liệu có nên giữ tiếp hay bán ra, đảo danh mục, mà đảo danh mục ở đây là mua CP khác hay tiếp tục chọn blue chip. Xét về tỷ lệ tăng giá CP từ 10.000 đồng/CP lên 12.000 đồng/CP cũng giống như CP tăng từ 100.000 đồng/CP lên 120.000 đồng/CP, nhưng vấn đề là thị giá lớn, vốn là đặc điểm chung của nhiều blue chip lại tạo ra sự e dè rõ rệt. 
Các blue chip vẫn đang tăng giá đang tạo ra hấp lực cho NĐT, nhưng đồng thời cũng khiến NĐT cảm thấy bối rối vì có nên tiếp tục đổ tiền vào hay không. Trong khi đó, nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên danh mục, việc nhìn VN Index tăng nhưng danh mục không tăng có thể tạo ra áp lực cực lớn cho người đang nắm giữ CP. Bước vào một giai đoạn sóng tăng, trước hay sau khi các CP cũng đều “có quà” mà ở đây là tỷ lệ tăng có thể 10-20% chỉ trong 2-3 phiên. Nhưng đủ sức nắm giữ CP và chờ đến khi sóng lan rộng là thách thức đối với nhiều NĐT. 
Việc VN Index có thể trụ vững trên ngưỡng 800 điểm là khả thi. Một dòng tiền dè dặt giai đoạn trước và tất nhiên dòng tiền của các NĐTNN không muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia TTCK hấp dẫn sẽ đổ vào trong thời gian tới để thiết lập mặt bằng giá mới. Nhưng trong ngắn hạn, việc đảo danh mục có thể xem là rủi ro hơn việc kiên nhẫn chờ đợi cơ hội hoặc chỉ lựa chọn giải ngân những CP có câu chuyện, có khả năng tăng trưởng hợp lý nhất.
Một quy luật cũng khá phổ biến mỗi khi VN Index chinh phục các đỉnh cao, đó là sau vài phiên tăng tích cực sẽ là những phiên đi ngang về điểm số, nhưng thực chất có thể xảy ra điều chỉnh ở nhiều CP. Nghĩa là nếu NĐT đảo danh mục không khéo, CP vừa bán ra cách đây vài phiên sẽ tăng trong khi CP vừa mua vào chưa đủ T+3 đã bị điều chỉnh. 

Các tin khác