Đầu tư tầm cỡ quốc tế
Tham gia vào các nhóm tư vấn đầu tư tài chính dành cho người trẻ trên mạng xã hội, chúng tôi được giới thiệu qua nhiều nhóm chat (trò chuyện) đầu tư Forex, trên các nền tảng trực tuyến khác nhau, với những hứa hẹn đầy cam kết về lợi nhuận, không mất thời gian và bất kỳ ai cũng đầu tư được.
Hình thức đầu tư này được quảng bá rầm rộ, phần nhiều thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok, Telegram…, được các KOLs trẻ (chủ yếu là sở hữu ngoại hình ưa nhìn) không chuyên trong lĩnh vực đầu tư tài chính tư, quảng cáo. Chủ nhân các nhóm chat này không để lộ thông tin cá nhân. Và một lực lượng đáng kể trong những nhóm chat kiểu này là thành phần cò mồi, nhằm tạo sự tin tưởng khi đầu tư, cũng như kích thích việc tham gia đầu tư khi đưa ra các lợi nhuận x2, x5, thậm chí x10.
Trong giai đoạn đầu tham gia, người đầu tư không thể phân biệt được đó có phải là một dự án lừa đảo? Bởi phần lớn người tham gia không có kiến thức về tài chính, dễ bị hấp dẫn bởi những hứa hẹn tầm cỡ quốc tế như: sàn giao dịch uy tín số 1 thế giới, lợi nhuận hàng đầu, hàng trăm quốc gia tham gia giao dịch, đầu tư thông minh - kiếm tiền khôn khéo… Các chủ sàn sẽ kêu gọi một số vốn lớn đầu tư, cam kết lợi nhuận siêu khủng. Hoặc mời gọi người đầu tư theo hình thức đa cấp, người này giới thiệu người kia để được hưởng mức lợi nhuận cao hơn.
Chị Lê Cẩm Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Focus International, chia sẻ: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo điều kiện để con người có thể tiếp cận dễ dàng với các nền tảng đầu tư trên toàn thế giới. Trong đó, thị trường Forex (thị trường giao dịch ngoại hối hàng đầu thế giới) đang được rất nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ cá nhân hay công ty, tổ chức nào tự mở sàn trung gian tại nước ta. Vậy nên, nếu có sàn giao dịch môi giới nào tự nhận là “đã được cấp phép tại Việt Nam” thì hoàn toàn không có thật. Các sàn giao dịch đang hoạt động hiện nay đều chỉ có giấy phép được công nhận ở các thị trường nước ngoài. Vì vậy các nhà giao dịch phải tự chịu trách nhiệm về khoản tiền đầu tư của mình.
Một kiểu đánh bạc
Các chuyên gia tài chính phân tích, người tổ chức sàn tư vấn người chơi “đánh lệnh”. Ban đầu, cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư thua, mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các môi giới sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua. Admin sàn Forex thực chất là chủ sàn. Nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch Forex thực chất là “đánh bạc” với chủ sàn, nếu nhà đầu tư bị thua thì toàn bộ tiền đánh thua sẽ vào túi chủ sàn.
Hai lần tham gia thử giao dịch Forex và thua gần 10 triệu đồng, kỹ sư phần mềm Nguyễn Thành Nhân (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: Chủ các sàn giao dịch này có quyền can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch. Ngoài ra, một số sàn được thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các nhà đầu tư. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản nhà đầu tư, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” hết sạch tiền trong tài khoản.
Theo chị Lê Cẩm Tiên, các hành vi “lừa đảo” ở các hình thức đầu tư tài chính ngày càng tinh vi và đa dạng, lợi dụng những người trẻ thiếu kiến thức xã hội, không có nhiều kinh nghiệm và mong muốn có thu nhập cao, tâm lý giàu nhanh. Những hình thức để nhận dạng “truyền thống” đó là nhiều tổ chức đảm bảo an toàn vốn cho nhà đầu tư thông qua các “Chuyên gia đọc lệnh” (đối với thị trường ngoại hối) và hoạt động theo mô hình Pozi - lấy tiền của người trước trả cho người sau bằng các hoạt động trả lãi theo ngày/tháng với lãi suất rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, hình thức đầu tư “xanh - đỏ” cũng đã và đang “gây nghiện” và mất rất nhiều tiền vào mô hình này. Vì vậy, chúng ta tốt nhất là không tham gia đầu tư khi bản thân chưa có sự cố vấn/ tham vấn từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm.
Một kiểu bị lừa dễ dàng là mua hàng qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… không thanh toán trực tiếp trên Lazada hay COD như thông thường mà thanh toán chuyển khoản vào tài khoản cho một bên thứ 3 được hoàn tiền với mức phần trăm cao. Như đơn hàng 2 triệu đồng dù bị hủy vẫn được hoàn 2,1 triệu đồng. Một số đơn hàng đầu hoàn tiền đầy đủ để lôi kéo người mua. Khi tiền chuyển lên mức cao hàng trăm triệu đồng thì không hoàn tiền nữa, chiếm đoạt toàn bộ tiền, không giao hàng, thông báo lỗi hệ thống rồi cắt đứt liên lạc.