Lực lượng vũ trang Iraq những ngày đây đã mở các đợt tấn công phủ đầu nhằm cắt đứt các tuyến đường vận chuyển của IS và triệt tiêu tiềm lực quân khủng bố. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Iraq Yahya Rasoul, bất chấp việc liên minh quốc tế ngừng hoạt động, Iraq vẫn đang triển khai chiến dịch truy lùng các tổ chức khủng bố ở khu vực biên giới giáp Syria. Quân khủng bố đã chịu tổn thất lớn khi chúng tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để mở rộng hoạt động.
Hồi tháng 3, liên minh toàn cầu chống khủng bố ra thông báo ngừng các chiến dịch tấn công, hỗ trợ và huấn luyện tại Iraq. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết sẽ rút binh sĩ về nước theo thỏa thuận với Chính phủ Iraq. Mỹ cũng rút binh sĩ khỏi một số căn cứ ở Iraq, đặc biệt là căn cứ không quân ở Qayyarah, chuyển giao quyền điều hành các căn cứ này cho phía Iraq.
Việc thoái lui của liên minh được cho là mang tính tạm thời, “chiến thuật” do có thông tin cho rằng liên quân sẽ nối lại hoạt động huấn luyện quân sự, vũ trang giúp Iraq tiêu diệt tàn quân khủng bố IS một khi tình hình bệnh dịch được kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều đảng phái tại Iraq cảnh báo IS có thể sẽ quay lại chiếm đoạt những vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Tây Bắc. Thách thức lớn nhất là tại hai khu vực Jazira và Badia – những điểm nằm sát tuyến biên giới Iraq-Syria.
Ông Rasoul thừa nhận việc thiếu hỗ trợ kĩ thuật của liên quân đã ảnh hưởng đến các lực lượng vũ trang của Iraq, nhưng khẳng định điều này sẽ không làm Iraq thay đổi mục tiêu tìm diệt IS. Ông cho rằng quân khủng bố sẽ không thể thực hiện hoạt động chống phá gây thiệt hại lớn như trước đây.
Khi được hỏi về mối quan ngại của người Kurd trước hoạt động di chuyển của IS, ông Rasoul nói rằng quân khủng bố đang khai thác “những căn cứ lõm” nằm giáp ranh giữa những điểm do quân đội Iraq kiểm soát với các vùng do người Kurd kiểm soát để thâm nhập và thực hiện các vụ tấn công.
Về phần mình, nhiều quan chức người Kurd tin rằng Iraq có thể sẽ lặp lại tình cảnh năm 2014 khi IS trỗi dậy và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ tại ở nước này. Trao đổi với hãng tin Sputnik của Nga, ông Jabar Yaro, Tổng thư ký Bộ các vấn đề người Kurd trong Chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq cho rằng việc Mỹ rút quân sẽ ảnh hưởng đến điều kiện an ninh cũng như khả năng phòng thủ, tấn công của các lực lượng vũ trang nằm trong khu vực tự trị người Kurd. Đã xuất hiện nhiều vụ đụng độ giữa người Kurd với quân khủng bố IS. Điển hình là vụ hôm 7/4, khi quân bắn tỉa IS tấn công và sát hại hai thành tay súng người Kurd tại Kolajo ở khu vực Garmiyan.
Theo thị trưởng thành phố Sinjar, ông Mahma Khalil, nhiều khả năng IS sẽ kiểm soát được dãy núi Mount Sinjar và khu vực lân cận nếu lực lượng vũ trang Iraq không tấn công phủ đầu quân khủng bố. Ông cũng cho rằng chính quyền cần phải đặc biệt chú ý đến tuyến biên giới Iraq-Syria - khu vực hiện chưa được kiểm soát tốt.
Ông Khalil đánh giá tình hình an ninh tại Sinjar và ngoại ô đang tiềm ẩn bất ổn, vì có sự hiện diện của nhiều nhóm vũ trang, chính quyền không kiểm soát được hoạt động mua bán vũ khí, không thực thi tốt vai trò bảo đảm an ninh. Khủng bố IS lợi dụng đặc điểm này và tìm cách tái tổ chức lực lượng.
Nguy cơ IS trỗi dậy mạnh mẽ hơn còn liên quan đến việc tổ chức này có khả năng thu nạp trở lại số phần tử bị bắt giữ ở Iraq và Syria. Bất chấp các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng tại các nhà tù tại Iraq, một số tòa án ở nước này đã và đang áp dụng biện pháp phóng thích tù nhân phạm tội khủng bố vì lo sợ dịch COVID-19 bùng phát tại các nhà tù. Dư luận trong nước đang đòi hỏi phải thả thêm tù nhân, nhưng chính quyền chưa công bố kế hoạch giám sát, theo dõi các phần tử này sau phóng thích.
Kate’ al-Rikabi, thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh tại Quốc hội Iraq nhìn nhận, thông tin về quyền lực của IS và khả năng tổ chức này thu nạp thành viên thoát khỏi nhà tù tại Iraq là một phần của “chiến tranh thông tin” mà Mỹ phát động nhằm giúp Washington đạt các mục tiêu chính trị cụ thể sau khi rút bớt lực lượng.
Một trong số đó là để chứng tỏ tầm quan trọng của việc Mỹ đồn trú quân sự ở Iraq. Việc liên minh rút lực lượng, giảm hậu thuẫn là cách để Mỹ và đồng minh phản đối quyết định được Quốc hội Iraq thông qua tháng 1/2020, yêu cầu các bên rút hết lực lượng nước ngoài khỏi Iraq sau vụ ám sát Tư lệnh lực lượng đặc biệt Quds của Iran, Tướng Qasem Soleimani.