Nguy cơ tái khủng hoảng lương thực

Thiên tai, hạn hán tồi tệ nhất ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua đang đẩy giá các mặt hàng lương thực thiết yếu, đe dọa lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008. Lãnh đạo các nước lớn gấp rút chuẩn bị đối phó.

Thiên tai, hạn hán tồi tệ nhất ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua đang đẩy giá các mặt hàng lương thực thiết yếu, đe dọa lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008. Lãnh đạo các nước lớn gấp rút chuẩn bị đối phó.

Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Hoa Kỳ trong 50 năm qua đã tàn phá nghiêm trọng mùa màng của quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới. Hậu quả giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng vọt, trong đó giá bắp đã lên tới đỉnh cao nhất từ trước tới nay, thậm chí vượt qua mức giá trong thời kỳ khủng hoảng lương thực 2007-2008.

Đầu tháng 8, Chính phủ Hoa Kỳ đã làm dấy lên những mối lo ngại về một sự đột biến giá khi cho biết hạn hán đã buộc nông dân Hoa Kỳ phải từ bỏ những cánh đồng bắp bao phủ một diện tích rộng lớn hơn cả diện tích 2 nước Bỉ và Luxembourg gộp lại. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hạ mức dự báo mùa màng đồng thời dự đoán những mức giá kỷ lục sẽ được thiết lập trong năm tới.

Hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua ở Hoa Kỳ đe dọa dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực mới trên thế giới.

Hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua ở Hoa Kỳ đe dọa
dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực mới trên thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp đang ngày càng lo lắng sau khi chi phí sản xuất bắp, đậu nành và lúa mì đã tăng 30-50% kể từ tháng 6. Arif Husain, Phó Trưởng bộ phận Đánh giá tổn thương thuộc Chương trình Lương thực Thế giới ở Rome, cho biết: “Đây là cú sốc giá thứ ba trong 5 năm qua”.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng được an ủi bởi vài yếu tố. Một là giá gạo, mặt hàng quan trọng đối với an ninh lương thực ở châu Á, vẫn ổn định.

Hai là sản xuất các mặt hàng chủ lực địa phương châu Phi, như khoai mì, đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua do các nước cố gắng tăng cường an ninh lương thực của họ. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu cũng yếu hơn so với năm 2007-2008 do cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, các quan chức cấp cao của G20 và các viên chức nông nghiệp của Liên hiệp quốc đang nỗ lực phối hợp đối phó với giá thực phẩm tăng. Theo một số quan chức, tuần cuối tháng 8, G20 sẽ họp trù bị cho hội nghị dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Hội nghị sẽ là cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Phản ứng nhanh, một thể chế vừa mới được thành lập nhằm "thúc đẩy cuộc thảo luận sớm giữa các quan chức cao cấp về những điều kiện thị trường quốc tế bất thường".

Diễn đàn là một phần của Hệ thống Thông tin thị trường nông nghiệp do G20 hậu thuẫn, được lập ra vào năm ngoái theo sáng kiến của Pháp và được xem như một phản ứng chính sách quan trọng đối với cuộc khủng hoảng 2007-2008.

Lãnh đạo các nước G20 cho biết ủng hộ tổ chức một cuộc họp trong bối cảnh mùa màng tiếp tục xấu đi ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quan chức G20 nhấn mạnh cuộc họp theo kế hoạch không phải là một dấu hiệu của sự hoảng loạn. Ngược lại, cuộc họp sẽ là một nỗ lực nhằm ngăn ngừa lặp lại việc ban hành các loại chính sách “đổ dầu vào lửa”, trong đó có hạn chế xuất khẩu và tích trữ.

Các chính sách sai lầm trong năm 2007-2008 là những thủ phạm chủ chốt đã biến tình trạng thiếu hụt hàng hóa nông nghiệp thành cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn diện đầu tiên trong 30 năm qua với các cuộc bạo loạn bùng phát ở 20 quốc gia.

Liên hiệp quốc có thể sẽ sử dụng hội nghị để thúc đẩy một cuộc tranh luận toàn cầu về các chính sách nhiên liệu sinh học, đặc biệt là yêu cầu Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác loại bỏ mục tiêu sản xuất do chính phủ đặt ra.

Các tin khác