Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm

Dịch cúm đang tấn công các đàn gia cầm ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nam, Hải Dương và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngày 10-2, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) xác nhận dịch cúm gia cầm đã tái phát. Trước điều kiện thời tiết bất lợi cùng với các hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch tràn lan như hiện nay, TPHCM đang là điểm nóng về nguy cơ tái phát dịch.

Dịch cúm đang tấn công các đàn gia cầm ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nam, Hải Dương và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngày 10-2, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) xác nhận dịch cúm gia cầm đã tái phát. Trước điều kiện thời tiết bất lợi cùng với các hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch tràn lan như hiện nay, TPHCM đang là điểm nóng về nguy cơ tái phát dịch.

Những “ổ dịch di động”

Lợi dụng sức tiêu thụ gia cầm, thủy cầm sau Tết Nguyên đán tăng mạnh, các thương lái đã vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh vào TPHCM bằng nhiều con đường khác nhau để trốn trạm kiểm dịch như vận chuyển bằng nhiều loại xe du lịch, xe buýt, xe máy…

Dọc các tuyến đường từ các tỉnh miền Tây về TPHCM, tình trạng buôn bán gia cầm trái phép đang diễn ra công khai, phức tạp. Không chỉ dọc các tuyền đường liên tỉnh Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A, ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước, mà ngay cả các “điểm nóng” về tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch như cầu Trường Đai (quận 12), An Lộc (quận Gò Vấp) vẫn diễn ra công khai và hết sức phức tạp.

Điểm bán gia cầm chưa qua kiểm dịch trên cầu An Lộc, đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp.

Điểm bán gia cầm chưa qua kiểm dịch trên cầu An Lộc, đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp.

Tại khu vực quanh chợ Cầu, đường Quang Trung (quận Gò Vấp) việc buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch rất nhộn nhịp. Gia cầm được những người bán để dọc thành cầu mời chào khách qua đường, nhộn nhịp nhất ở điểm mua bán này là từ lúc 4-6 giờ chiều.

Khi dân phòng và cơ quan chức năng tiến hành truy quét, người bán xách gà chạy vào các con hẻm hoặc vứt gà xuống dưới chân cầu rồi chạy xuống giấu, khi lực lượng chức năng đi họ lại đem ra bán. Một chủ quầy gia cầm di động tại đây cho biết nếu ngày nào không bị đuổi bắt, anh có thể bán được 20-30 con.

Anh Trần Ngọc Duy, một dân phòng chốt chợ Cầu cho biết: “Do cầu chợ Cầu là khu vực giáp ranh giữa quận 12 và Gò Vấp nên khi thực hiện truy quét người bán xách gà, vịt chạy qua bên địa bàn kia mình chịu. Mặt khác, khu vực này gần chợ, tiếp giáp 2 quận huyện có số dân khá cao, nên nhu cầu tiêu thụ gia cầm rất lớn, có thời điểm 1 ngày tiêu thụ tới cả trăm con gà/vịt sống nhưng hầu như cơ quan thú y bó tay bởi lý do trên”.

Hiện TPHCM có 4 trạm kiểm dịch động vật đặt tại các cửa ngõ vào TPHCM là Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp, có nhiệm vụ kiểm dịch động vật và ngăn chặn hàng không có giấy phép kiểm dịch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo... vào TPHCM.

Hầu như ngày nào các trạm kiểm dịch trên cũng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng vẫn còn không ít nguồn hàng cố ý trốn trạm kiểm dịch và lọt “lưới” kiểm dịch. Trung bình mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 180.000-200.000 con gia cầm sống, trong đó bao gồm giết mổ tại chỗ, gia cầm đã giết mổ được nhập về từ các tỉnh, gia cầm ngoại nhập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người buôn bán gia cầm lậu sống bằng nghề này quanh năm, họ không muốn đổi nghề khác vì đã có nhiều mối mua từ các tỉnh. Họ có thể chở gia cầm lậu bằng xe gắn máy qua những con đường tắt, cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

Do đó, với sức tiêu thụ lớn như vậy, nếu tình hình buôn bán gia cầm trái phép không bị khống chế ngay từ bây giờ sẽ không loại trừ khả năng bùng phát thành “ổ dịch” và lây mầm bệnh cho người dân bất cứ lúc nào.

Cần xử lý nghiêm

Theo thống kê của cục Thú y, Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm đã tái xuất hiện tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng. Ngoài ra, một số địa phương như Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nội bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh và chết nghi do cúm gia cầm. Tuy nhiên, Cục Thú y chưa có xét nghiệm dịch tễ chính thức ở các địa phương này.  

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết ngay sau tết các đoàn kiểm tra liên ngành của TP và các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép, kinh doanh sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vẫn không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng. Riêng trong tuần qua, Chi cục Thú y TPHCM đã tiêu hủy nhiều gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển, kinh doanh trái phép. Tất cả số lượng tiêu hủy trên chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây.

Ông Thảo cho biết từ nay đến cuối tháng 2 là thời điểm rất nhạy cảm vì dịch cúm gia cầm đã bắt đầu quay trở lại, trong khi việc vận chuyển giết mổ gia cầm ngày càng phức tạp, nguy cơ phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm trong tháng 3 rất cao tại các tỉnh phía Nam.

Toàn TP hiện tồn tại 163 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép, 91 điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, tập trung tại địa bàn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, quận 12 và Bình Tân…

Vì vậy, từ đầu tháng 2, Chi cục Thú y TPHCM đã chỉ đạo các trạm thú y tại các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với những trường hợp kinh doanh sai quy định, đồng thời luôn trong tư thế sẵn sàng chống dịch.

Chi cục Thú y còn thường xuyên kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lực lượng khác của các quận, huyện trên địa bàn TP với quyết tâm xóa các “điểm nóng” buôn bán gia cầm lậu tập trung tại các địa bàn giáp ranh.

Các tin khác