Nguy cơ “vỡ” kế hoạch 2017

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hồ hởi báo lãi, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục gây thất vọng cho cổ đông bằng những con số lỗ khủng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao cũng bất ngờ rơi vào tình trạng thua lỗ trong quý III.
 
Bể kế hoạch vì tiếp tục… lỗ
CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) là cái tên khá quen thuộc của giới đầu tư bởi những khoản thua lỗ khủng. Doanh nghiệp này đã có những chuyển biến tương đối tích cực với con số thua lỗ đã có dấu hiện chững lại trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa thể khiến cổ đông an tâm bởi khoản lỗ lũy kế mà doanh nghiệp đang gánh vẫn còn rất lớn.
Theo BCTC quý III vừa được công bố, doanh thu thuần trong quý đạt 479,7 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 61 tỷ đồng (tăng 69%); lũy kế 9 tháng năm 2017, doanh thu thuần của OGC ghi nhận 898 tỷ đồng (tăng 10% và tương đương 71% kế hoạch 2017). Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí, lỗ trước thuế lên tới hơn 185 tỷ đồng (năm 2016 lỗ ròng hơn 423 tỷ đồng), xem ra vẫn còn cách rất xa chỉ tiêu đề ra cả năm 2017 lãi 26 tỷ đồng. Với kết quả này, lỗ lũy kế của OGC vẫn giữ ở con số khủng 2.742 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp rơi vào tình trạng bi đát không kém là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS). Theo BCTC quý III, doanh thu trong quý đạt 369 tỷ đồng (tăng 39%), nhưng lợi nhuận của VOS lại âm tiếp tục 59 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 11 lên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Lũy kế 9 tháng, VOS ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.100 tỷ đồng (tăng 16%), lợi nhuận sau thuế âm 231 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến hết quý III-2017 của VOS lên đến 1.033 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng.
Theo giải trình của VOS, mặc dù doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp để tăng thu, kiểm soát chi phí theo hướng chi đúng, chi đủ nhưng do lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục duy trì ở mức thấp. Đặc biệt, việc giá nguyên liệu, chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành vận tải biển tiếp tục tăng mạnh, khiến cho hiệu quả kinh doanh của VOS thấp. 
VOS bắt đầu lâm vào tình trạng khó khăn từ năm 2015, do những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, dù xác định được lĩnh vực vận tải tàu biển đã qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất, nhưng HĐQT của VOS vẫn hết sức thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2017. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ đề ra các chỉ tiêu kinh doanh “giảm lỗ tối đa”.
Thế nhưng, với những con số tiếp tục gây thất vọng trong 3 quý đầu năm, nhiều khả năng kế hoạch… lỗ của VOS cũng không thể hoàn thành. Như vậy, khả năng VOS bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tục là hoàn toàn có thể xảy ra sau khi kết thúc năm 2017 (năm 2015 lỗ 295 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 354 tỷ đồng). VOS hiện đang là doanh nghiệp niêm yết có giá CP thấp nhất trên sàn HOSE, giá tham chiếu của VOS trong phiên giao dịch ngày 8-11 là 2.340 đồng/CP.
Lỗ lũy kế 9 tháng năm 2017 của OGC trên 2.700 tỷ đồng.
 

Bán dần tài sản
Cũng ở trạng tình trạng bi đát không kém là CTCP Hùng Vương (HVG), từng một thời được mệnh danh là “vua cá tra”. Mới đây, doanh nghiệp này công bố bán đi công ty con của mình là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Có thể nói, đây là thông tin gây sốc cho các cổ đông, bởi đây là công ty con hoạt động hiệu quả nhất của HVG.
Cụ thể, kết quả kinh doanh năm 2017 (niên độ tài chính từ tháng 1-10-2016 đến 30-9-2017), FMC ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay với sản lượng chế biến tôm thành phẩm ước đạt 15.441 tấn và thu về đạt 144 triệu USD, lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỷ đồng (vượt 25% kế hoạch năm, tăng 60% so với năm trước). 
Tuy nhiên, việc HVG bán đi “con cưng” của mình cũng là điều dễ hiểu, bởi “vua cá tra” đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Kết quả kinh doanh vừa được HVG công bố cho thấy HVG ghi nhận khoản lỗ 132 tỷ đồng trong niên độ tài chính 1-10-2016 đến 30-9-2017.
Đặc biệt, đến 30-9, tổng số nợ vay của HVG vẫn còn hơn 7.900 tỷ đồng. Theo đó, HVG phải trả chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay hơn 600 tỷ đồng dẫn đến khoản lỗ ròng 132 tỷ đồng trong năm nay. Sau khi bán FMC và 1 lô đất tại quận 6 (TPHCM) thu về 440 tỷ đồng, mới đây lãnh đạo HVG còn tuyên bố bán tiếp lô đất còn lại cũng tại quận 6 để lấy vốn kinh doanh. 
CTCP CMISTONE Việt Nam (CMI) bất ngờ trở thành một trong những doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất tính đến thời điểm hiện nay sau khi BCTC quý III được doanh nghiệp này công bố. Theo BCTC, doanh thu thuần trong quý của CMI đạt 4,7 tỷ đồng (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ), nhưng với việc giá vốn hàng bán lên tới gần 8 tỷ đồng khiến CMI lỗ gộp 3,3 tỷ đồng. Đáng chú ý chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ mức hơn 1 tỷ đồng lên gần 70 tỷ đồng.
Như vậy, nếu cộng thêm khoản lỗ khác hơn 32 tỷ đồng thì CMI ghi nhận lỗ ròng tới 109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, CMI đạt 26,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế âm 116 tỷ đồng. Tính đến 30-9-2017, lỗ lũy kế của CMI đã lên đến 148 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Trước đó, tại ĐHCĐ của doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu gần 61 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 
Như vậy, khả năng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 trong những tháng cuối cùng của CMI gần như không thể. Đây là lý do khiến cho CMI không ngừng “dò đáy” với giá tham chiếu trong phiên giao dịch ngày 8-11 chỉ còn 2.200 đồng/CP. Dù giá giao dịch đang ở mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch, nhưng CMI vẫn không nhận được sự quan tâm của NĐT. Thậm chí, thanh khoản của mã CP này còn rơi vào tình trạng kiệt quệ trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Trước đó, CMI bị đưa vào diện kiểm soát do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK.

Chủ động... lỗ
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) công bố BCTC quý III với doanh thu thuần đạt 94,5 tỷ đồng (tăng gấp 21 lần cùng kỳ năm 2016), nhưng lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ITA đạt doanh thu 354 tỷ đồng (gần gấp đôi cùng kỳ năm 2016), lợi nhuận sau thuế đạt 39,2 tỷ đồng (tăng 24%). Với kết quả này, ITA lại một lần nữa đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch bởi lợi nhuận 9 tháng mới chỉ đạt được 12% kế hoạch cả năm 2017.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, ITA luôn đưa ra những kế hoạch rất lớn nhưng kết quả đạt được lại vô cùng khiêm tốn. Chẳng hạn, năm 2015, ITA đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 136,5 tỷ đồng, năm 2016 kế hoạch lãi 385 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ đạt gần 39 tỷ đồng. Riêng năm 2017, ITA đưa ra kế hoạch lợi nhuận ròng 309 tỷ đồng (gấp 8 lần thực hiện 2016).
Bất ngờ nhất vẫn là trường hợp CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Theo BCTC quý III, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 24%, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại lỗ gần 40 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi tới 692 tỷ đồng), trong đó lỗ cổ đông công ty mẹ lên tới 66 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận quý III giảm mạnh do cùng kỳ năm trước CII đã chuyển đổi thành công trái phiếu chuyển đổi cho NĐT và hoàn tất thoái vốn, giảm sở hữu công ty con nên thu được lợi nhuận lớn, trong khi quý III năm nay không phát sinh.
Tại các công ty con thực hiện thi công, vào thời điểm lập báo cáo quý, các công ty này chưa hoàn tất công tác quyết toán công trình, do đó chưa ghi nhận được doanh thu, dẫn đến sụt giảm lợi nhuận. Đặc biệt CII còn “nhấn mạnh”, việc lỗ quý III nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Mục đích lỗ là để không tạo ra sự biến động lợi nhuận quá lớn giữa năm 2016 và năm 2018 so với năm 2017?

Các tin khác