Phát biểu tại tọa đàm “Hiến kế giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 9-9, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay đợt dịch bùng phát từ ngày 27-4 đến nay, đã có nhiều chuyển đổi trong cách điều hành chống dịch theo hướng thực chất hơn năm 2020.
Chẳng hạn như không còn chống dịch theo hướng “Zero Covid”, trước kia đăng tên tuổi của người nhiễm bệnh thì nay đã tôn trọng quyền con người, chỉ đưa các địa điểm mà họ từng đến. Thay vì phong tỏa cực đoan hiện nay cũng chỉ phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và cách ly.
Dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ còn 4%
Chính phủ cũng đã có những biện pháp kịp thời về vĩ mô đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp như trong tháng 3-2021 đã đồng ý ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Giữa bối cảnh dịch bệnh Chính phủ vẫn chỉ đạo các cơ quan liên quan để đàm phán, thống nhất được với Hoa Kỳ rằng Việt Nam không phải là quốc gia phá giá tiền tệ, gỡ bỏ căng thẳng áp thuế phá giá, tạo cơ hội doanh nghiệp duy trì xuất khẩu vào Mỹ. Số liệu xuất khẩu 8 tháng năm 2021 cho thấy quan hệ thương mại với Hoa Kỳ vẫn rất tốt.
Cuối tháng 5 dịch lan vào Bắc Ninh, Bắc Giang, Chính phủ cũng nhận định đợt dịch lần này đã khác, đánh vào động lực sản xuất của nền kinh tế là các khu công nghiệp trung tâm sản xuất lớn song vẫn xử lý dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang tương đối tốt, tạo luồng xanh cho 210.000 tấn vải Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, dịch lan tới TPHCM. Chúng ta đưa kinh nghiệm từ Bắc Ninh, Bắc Giang áp dụng vào miền Nam. Trong miền Nam đưa ra phương án “một cung đường hai điểm đến” là sáng tạo nhưng khi áp dụng “ba tại chỗ” do quy mô của doanh nghiệp ở phía Nam lớn hơn phía Bắc, nên doanh thu giảm, chi phí tăng gấp 3-4 lần.
Doanh nghiệp chỉ duy trì được chuỗi cung ứng bán hàng thôi còn hiệu quả sản xuất kinh doanh lại thấp.
Khó khăn với hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dừng lại quý 4-2021 mà có lẽ hợp đồng theo thời vụ cả ở quý I-2022. Nếu chúng ta có 150 triệu liều vaccine từ nay đến hết tháng 12-2021 thì hết quý I-2022 mới hết khó khăn, còn nếu không có vaccine thì chi phí vẫn sẽ tốn kém rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia, đặc biệt không để giảm, hạn chế tối đa giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống.
“Nếu không có vaccine, Việt Nam không tự lực được, thì tất cả các kịch bản kinh tế mà chúng tôi xây dựng lên đều có nguy cơ bị phá vỡ. Cho nên phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn y tế lẫn vĩ mô với có thể hỗ trợ cho kinh tế phát triển được”, TS Kiên nhấn mạnh.
Nếu ví doanh nghiệp như mạch máu của nền kinh tế thì lưu thông hàng hóa lại là oxy để quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp. Đến nay Chính phủ đã xác định sống chung với Covid-19, tức là sẽ không có chuyện Zero Covid nữa, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế song thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn ở địa phương vì quan điểm chống dịch còn nhiều cực đoan.
Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tự chủ vaccine
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho rằng: truyền thông cực đoan quá mức đã ảnh hưởng tới tư duy quản lý địa phương, đơn cử như Quảng Bình, chỉ cần một vài ca nhiễm là đóng cửa toàn bộ. Do đó, nên có truyền thông đủ, đúng để các thành phần trong kinh tế có cái nhìn chính xác hơn từ đó có phương án chống dịch tốt hơn.
Cũng theo ông Việt, Hà Nội đã cho cấp giấy đi đường cũ, QR luồng xanh cho xe tải song chi phí vận chuyển vẫn tăng cao. Chẳng hạn, vận chuyển một chuyến hàng 5 tạ từ Hà Nội xuống Nam Định 500.000 đồng nhưng chi phí QR là 750.000. Các chốt dừng lại kiểm định giấy tờ khiến đi qua chốt gây ách tắc.
“Trong bối cảnh mọi cái khó khăn chi phí phòng chống dịch cao, xét nghiệm một tuần một lần đảm bảo vùng xanh khủng khiếp, 10.000 người là 1 tỷ 3 rồi. Doanh nghiệp thực sự chịu không nổi. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn khi có vaccine, người lao động được tiêm”, đại diện May 10 nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đề xuất cần phải chia nhóm đối tượng để có cách giải quyết chuyên biệt. Với nhóm doanh nghiệp phải thiết kế chính sách phù hợp và cấp bách, trong đó Chính phủ, các bộ ngành cùng đồng hành.
Mặt khác, cần tập trung vào thiết kế chuỗi cung ứng theo tính chất khu vực và có sợi dây kết nối xuyên suốt trong toàn quốc, hệ thống này bắt buộc phải tính toán một cách tổng thể, vì nền kinh tế không thể vận hành nếu chuỗi cung ứng hàng hóa, logistics bị đứt gãy. Như vậy, đối tượng nào, bao nhiêu phần trăm dân số tham gia vào chuỗi cung ứng đó cần được lên phương án để tiêm vaccine, đảm bảo chuỗi này được hoạt động thông suốt.
Thêm vào đó, cũng cần phải đưa số hóa vào, nhằm đơn giản nhất có thể để doanh nghiệp tiếp cận, giảm chi phí hành chính, có như vậy hàng hóa mới được lưu thông nhanh nhất, còn nếu lao động của doanh nghiệp dù có tiêm đủ vaccine mà chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì cũng không hoạt động được.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho rằng phải phân loại, định hình theo từng khu vực, từng vùng miền, các tỉnh có đặc điểm giống nhau thì phân loại ra để có thể đáp ứng được các điều kiện về chính sách. Đối với doanh nghiệp, dịch bệnh là vấn đề lâu dài nên phải thích ứng bằng mô hình của chính mình, mô hình an toàn cho chính mình trên cơ sở dịch tễ chứ không phải là trên Trung ương đưa ra, không phải của địa phương này, xí nghiệp này hay của doanh nghiệp này cho doanh khác.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tự chủ được vaccine. Phải có vaccine càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt để đảm bảo tiêm cho nhóm yếu thế, nhóm sản xuất doanh nghiệp, cho tất cả những người lao động nhất là ở những doanh nghiệp quan trọng, những người vận chuyển hàng hóa các tỉnh cũng nên được ưu tiên.
“Đa dạng nguồn vaccine rất đúng nhưng trong bối cảnh Vaccine toàn cầu khan hiếm kéo dài thì chiến lược vaccine trong nước là căn cơ quan trọng. Chúng ta nói ưu tiên vaccine trong nước thì phải có hành động cụ thể chứ không thể chỉ nói không, ai hỏi cũng nói rất ưu tiên vaccine trong nước nhưng thực tế chưa có hành động quyết liệt.
Bộ Y tế phải xem lại chứ không thể nói là cứ chờ, mà phải càng sớm càng tốt nhưng là bao giờ, do đó phải có deadline, thời hạn cụ thể để các nhà khoa học, y tế làm ngày làm đêm để cùng nhau ra càng sớm càng tốt. Thứ hai, cá nhân hóa trong chống dịch, phương án 5K có lẽ cũng phải điều chỉnh dần, vì rõ ràng nếu ngay cả giãn cách lúc thì Chỉ thị 15, lúc thì Chỉ thị 16, doanh nghiệp, xã hội rất mệt mỏi”, ông Lượng nhấn mạnh.