Nguyên liệu đang bị nước ngoài thu gom

Các DN nước ngoài đang ngày càng lấn sâu vào thị trường nguyên liệu Việt Nam. Do khó khăn về lãi suất, tỷ giá, nên DN trong nước không đủ vốn để thu mua.

Các DN nước ngoài đang ngày càng lấn sâu vào thị trường nguyên liệu Việt Nam. Do khó khăn về lãi suất, tỷ giá, nên DN trong nước không đủ vốn để thu mua.

Lép vế trước DN nước ngoài

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình xuất khẩu đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra. Giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2010, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, nông sản.

Tuy nhiên, thị trường năm nay có nét giống với năm 2008 khi đầu năm giá cả hàng hóa tăng, đến giữa năm giá trên toàn cầu lại có xu hướng đi xuống. Từng ngành hàng vẫn còn hiện tượng đầu cơ dẫn đến tình trạng một số mặt hàng như sắn lát, tinh bột sắn, hạt tiêu đang tồn kho một lượng lớn khiến nhiều DN gặp khó khăn.

Do khó khăn về lãi suất, tỷ giá nên DN trong nước không đủ vốn thu mua nông sản. Ảnh: LÃ ANH

Do khó khăn về lãi suất, tỷ giá nên DN trong nước
không đủ vốn thu mua nông sản. Ảnh: LÃ ANH

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lãi suất vốn vay quá cao gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và tiêu thụ. Trong khi đó, ở các nước lãi suất thấp hơn Việt Nam nên nhiều DN nước ngoài với lợi thế về vốn vay đã nhảy vào thị trường Việt Nam đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để dự trữ trong các kho hải quan. Tuy việc này trước mắt giúp các DN Việt Nam giải tỏa được hàng hóa, nhưng về lâu dài dễ dẫn đến lụn bại, ảnh hưởng đến sự tồn tại vì không thể cạnh tranh về giá bán.

Hiện nay, DN rất khó tiếp cận nguồn hỗ trợ vay lãi suất thấp để đầu tư nhà xưởng. Nếu thực sự ưu đãi đầu tư nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm để xuất khẩu, lẽ ra không nên chỉ quy định chỉ mỗi Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phụ trách, mà nên mở rộng ra nhiều ngân hàng khác để DN có thể tiếp cận được.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cảnh báo: Các nhà sản xuất nước ngoài có vốn mạnh, cạnh tranh thu mua nguyên liệu, sau đó sẽ tung ra hàng loạt sản phẩm giá rẻ. Giá trên thế giới có xuống đến mức nào họ cũng chịu đựng được, nên sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong khi DN Việt Nam chỉ có hòa vốn hoặc chịu lỗ nếu giá xuống thấp, càng cố gắng cầm cự, nguy cơ phá sản càng cao.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ: “Vasep và các DN thủy sản đang cố gắng duy trì sức cạnh tranh do ngành hàng tôm, cá tra và hải sản có nguồn gốc từ biển đang thiếu nguyên liệu, trong khi nhu cầu tăng, không đủ nguồn cung. Vì vậy, rất mong Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có biện pháp kiểm soát tốt hơn việc DN nước ngoài đang cạnh tranh thu mua nguyên liệu. Hiện nay, các nước trong khu vực đã triển khai việc này để bảo vệ nền xuất khẩu, bởi muốn kiềm chế nhập siêu, cần phải hạn chế tình trạng không thể thu mua nguyên liệu khiến phải nhập khẩu để sản xuất”.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cũng phản ánh bức xúc của DN: Mới đây, một số hãng tàu nước ngoài đã đơn phương đòi thu phụ phí xăng dầu và phụ phí liên quan đến vận chuyển container mà trước kia không có, đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa của nhiều DN trong nước. Vì vậy, Vinacas rất mong muốn các hãng tàu Việt Nam sẽ thay thế hãng tàu nước ngoài để hạn chế tình hình này.

 Cần hợp tác để phát triển

Theo các chuyên gia, DN Việt Nam khi thu mua nguyên liệu trong nước luôn có nhiều thuận lợi hơn do có sự ủng hộ từ Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN đang trở thành đơn vị gia công cho nước ngoài, kể cả hàng nông sản. Chẳng hạn nước ta là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng nhiều công ty đang gia công hạt điều cho các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Ngoài ra, DN trong nước vẫn chưa tạo được thế đứng vững chắc, trong khi các DN nước ngoài vào Việt Nam lại thành lập được mạng lưới chi nhánh khắp mọi miền. Mạng lưới DN nước ngoài càng rộng, việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu càng quyết liệt hơn. Vì vậy, khi đối phó với việc DN nước ngoài tranh mua nguyên liệu, cần phải nhìn nhận lại 2 vấn đề là tài chính và quản lý để có biện pháp giải quyết tốt nhất.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, yêu cầu các hiệp hội ngành hàng khi báo cáo tình trạng DN nước ngoài thu gom nguyên liệu cần có bằng chứng cụ thể DN nào vi phạm, vi phạm như thế nào, vì đây là một lĩnh vực nhạy cảm, khó xử lý.

Còn với kiến nghị xây dựng đội tàu Việt Nam để tránh bị chủ tàu nước ngoài thu phí, ông Biên phân tích: Các hãng tàu Việt Nam có tàu nhưng lại chủ yếu đi chở hàng cho Trung Quốc, đồng thời, DN trong nước làm hàng xuất khẩu chủ yếu là chở hàng thô, hàng rời, còn chở container thị phần rất nhỏ nên rất khó thu hút các hãng tàu trong nước. Vì vậy, DN không thể kỳ vọng  hãng tàu Việt Nam sẽ sớm thay thế hãng tàu nước ngoài. Hiện nay, các hiệp hội ngành hàng chỉ báo cáo tình hình nhưng lại không hợp tác cung cấp thông tin cụ thể với các cơ quan chức năng nên khó giải quyết dứt điểm tình trang thu mua, thu phí sai luật của các DN nước ngoài.

Các tin khác