Trong mắt người Đức, cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc chính phủ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiêu xài hoang phí.
Tiêu xài hoang phí
Mọi chuyện bắt đầu với Hy Lạp khi nước này nói dối về thực trạng tài chính và chi tiêu quá khả năng của mình.
Cũng không cần phải bàn cãi thêm về việc Hy Lạp hay một số nền kinh tế đang gặp rắc rối khác tại châu Âu bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha hay Italia phải trả giá đắt. Tuy nhiên chính phủ nhóm nền kinh tế còn lại thực ra không phung phí tiền bạc.
Trước cuộc khủng hoảng, Chính phủ Ireland và Tây Ban Nha đều có thặng dư ngân sách. Cả hai nước đều giữ được mức thâm hụt ngân sách và nợ theo đúng quy định về thỏa ước về ổn định và tăng trưởng. Đức thậm chí còn không làm được điều này trong 4 năm từ năm 2003 (và chẳng chịu hình phạt nào). Italy cũng không rơi vào trường hợp xấu.
Nợ tại những nước này trở thành gánh nặng không phải bởi sự hoang phí của chính phủ mà bởi mỗi nước đều hưởng một thập kỷ lãi suất thấp và sau đó chịu tác động nghiêm trọng bởi khủng hoảng tài chính. Tín dụng dễ dãi, các hộ gia đình và công ty trong lĩnh vực tài chính mạnh tay vay nợ. Hoạt động tín dụng liên biên giới phát triển mạnh.
Trong cuộc khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn, chi phí phúc lợi xã hội tăng cao. Chính phủ một số nước như Ireland hay Tây Ban Nha cần phải tìm được nguồn tiền để vực dậy các ngân hàng. Khi nguồn thu thuế hạn chế, chi phí đè nặng lên nhà nước. Mức chi phí này tăng cao đặc biệt tại những nước từng chứng kiến bong bóng bất động sản bùng nổ.
Cùng lúc đó, lãi suất tăng mạnh. Trước khủng hoảng, nhà đầu tư cho rằng sẽ chẳng có chính phủ nào thuộc Eurozone vỡ nợ. Theo giáo sư Peter Boone và Simon Johnson thuộc viện Peterson, Chính phủ Đức đã phát đi tín hiệu rằng khả năng vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra, nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt, họ đưa ra đòi hỏi chính đáng thế nhưng lựa chọn này thật quá khó để chấp nhận trong bối cảnh khủng hoảng.
Một số nhà đầu tư đòi hỏi họ phải được đền đáp xứng đáng cho rủi ro cao, số khác khi thấy rủi ro quá lớn lập tức bỏ đi. Tâm lý đó lập tức gây ra vòng xoáy sụt giảm của giá trái phiếu, làm yếu các ngân hàng và làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Tại những nước thuộc Eurozone mà chính phủ của họ không tiêu xài hoang phí, họ thường phải đối đầu với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai cao. Lãi suất thấp, chi tiêu nội địa và lạm phát lương, giá hàng hóa tăng mạnh, hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ và hàng nhập khẩu rẻ.
Đức - đứng mũi chịu sào
Kinh tế Đức có nhiều điểm đáng nể, thế nhưng kinh tế Đức thực tế cũng thiếu cân bằng như nhiều nước khác trong Eurozone. Người Đức dường như quên rằng trong dài hạn, tiền thu được từ xuất khẩu dành để chi cho nhập khẩu. Nay họ lẽ ra nên tiếc nuối vì đã đầu tư tiền tiết kiệm vào thế chấp dưới chuẩn ở Hoa Kỳ và nợ Chính phủ Hy Lạp.
Để chấp dứt cuộc khủng hoảng, chính phủ các nước Eurozone đã đồng ý giảm một nửa nợ cho Hy Lạp, tái cấp vốn các ngân hàng châu Âu và tăng cường quỹ giải cứu để bảo vệ chính phủ nhiều nước Eurozone. Kế hoạch này đầy tham vọng thế nhưng Hy Lạp có thể cần thêm sự hỗ trợ và “bức tường lửa” mà châu Âu dựng lên không đủ mạnh để ngăn khả năng khủng hoảng lan rộng.
Ngay cả khi khủng hoảng đã dịu đi, việc khôi phục lại các nền kinh tế châu Âu cũng sẽ mất nhiều năm. Chính phủ các nước đang gặp khó khăn cần phải kiểm soát tốt thâm hụt ngân sách và tăng cường được khả năng cạnh tranh. Người Đức khẳng định trách nhiệm thuộc về người đi vay tiền, họ phải thực hiện tốt quy tắc về ngân sách.
Chiến lược này nhiều khi chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Bằng cách vận động áp dụng chiến lược thắt chặt ngân sách ngay lập tức, suy thoái kinh tế tại nhóm nước đang gặp rắc rối ngày một tồi tệ. Không phải nước nào cũng có thể tiết kiệm để trở nên giàu có.
Theo Keynes, khi nước này tiết kiệm, nước khác phải chi tiêu. Tại châu Âu, đối tượng chi tiêu nên phải là người Đức và người Hà Lan vốn duy trì thâm hụt ngân sách trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên nước chủ nợ thường chẳng muốn chấp nhận rằng họ phải tham gia giải quyết vấn đề.
Chính phủ các nước chủ nợ, đặc biệt Đức, đang tiến thoái lưỡng nan. Họ cần phải cứu chính phủ các nước đang khó khăn để ngăn khủng hoảng lan rộng. Mặt khác, họ vẫn muốn gây áp lực để buộc thực thi các biện pháp cải tổ và buộc chính phủ nhiều nước phải tuân thủ nguyên tắc để người đóng thuế Đức không phải chi trả tiền cho nhiều nước khác tiêu xài thỏa thích.
Cho đến nay, người Đức đang cố gắng làm hai việc một lúc và thực tế mới chỉ “thành công” trong việc đẩy mọi chuyện theo chiều hướng xấu đi.