Và hệ thống NH tưởng như không liên quan, nhưng thực ra đang tác động rất lớn đến sự ảnh hưởng này.
Rủi ro khi không hành động
Trong Báo cáo nghiên cứu nhu cầu tài chính xanh tại ASEAN, do NH Phát triển Singapore (DBS) và cơ quan về môi trường của Liên hiệp quốc (LHQ) công bố cuối năm 2017, cho rằng ASEAN cần khoảng 3.000 tỷ USD cho đầu tư xanh trong đoạn 2016-2030, gấp 37 lần so với quy mô thị trường trái phiếu xanh toàn cầu năm 2016. Trong đó, 1.800 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và 400 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và lương thực, nông nghiệp và sử dụng đất.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xanh, đòi hỏi trách nhiệm và hành động ở tất cả các cấp, công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, với vai trò dẫn vốn cho nền kinh tế có quy mô tương đương 130% GDP, kênh tín dụng NH rất quan trọng. Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế |
Theo báo cáo, các dòng tài chính xanh ở ASEAN ước tính ở mức 40 tỷ USD/năm, nhưng sẽ tăng lên khoảng 200 tỷ USD nhu cầu cần cho mỗi năm trong giai đoạn 2017-2030. Khoảng 75% dòng tài chính hiện tại đến từ khu vực công, phần còn lại đến từ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với sự đóng góp của khu vực công hạ xuống vào khoảng 40% trong tương lai, tài chính xanh từ khu vực tư nhân sẽ cần phải tăng lên đáng kể, có thể phải gấp hơn 10 lần mới đáp ứng được nhu cầu.
Giám đốc điều hành của DBS, ông Piyush Gupta, nhấn mạnh ASEAN đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững hơn, trong đó tài chính xanh là nhu cầu cấp thiết.
Theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc - Sáng kiến tài chính (UNEP), với vai trò là nhà tài trợ cho nền kinh tế, hiện nay các NH phải đối mặt với các rủi ro về tín dụng, uy tín, pháp lý, hoạt động và thị trường, xã hội, từ đó ảnh hưởng đến khách hàng (rủi ro gián tiếp).
Những rủi ro này có thể bắt nguồn từ những ảnh hưởng của khách hàng gây ra đối với môi trường, xã hội, như ô nhiễm, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe và an toàn cho nhân viên và cộng đồng. Điều này đang đòi hỏi các NH trên thế giới phải thay đổi trong kinh doanh.
Theo đó, gắn kết chặt chẽ hơn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về môi trường và xã hội. Có nghĩa cho vay phải chọn lọc khách hàng, không chỉ chọn lọc lợi nhuận mà chọn lọc những gì khách hàng đang kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường hay không.
Các rủi ro NH không hướng tới phát triển xanh rất nhiều, như nguy cơ bị chuyển giao trách nhiệm pháp lý thông qua việc tịch thu tài sản và các hình thức hoạt động khác của NH; tổn thất về tài chính do danh mục cho vay không hiệu quả; gây thiệt hại tức thì đến danh tiếng của NH qua việc tài trợ cho các dự án có ảnh hưởng không tốt cho môi trường và xã hội.
Ảnh minh họa.
Nhận thức của NH Việt
Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2015, NHNN đã ra Chỉ thị và Kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, lần đầu tiên trong Thông tư 39/2016 quy định về nguyên tắc cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường. Tháng 8-2018, NHNN công bố Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội. NHNN cũng chỉ đạo nhiều chương trình tín dụng đặc thù hướng tới tăng trưởng xanh.
Về phía các TCTD cũng đã chú ý triển khai chính sách tín dụng xanh. Một số đã lồng ghép hoạt động về tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của TCTD, xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ NH cho các ngành, lĩnh vực phát triển xanh. Đa phần các TCTD có quan tâm đến việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (17 TCTD đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro trong các quy định nội bộ). Một số NHTM tham gia các dự án có vốn tài trợ của tổ chức tài chính quốc tế đã tuân thủ đúng quy định của các tổ chức này về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN), dư nợ tín dụng xanh của ngành có sự tăng trưởng khá. Nếu quý IV-2017, dư nợ tín dụng xanh đạt 180.121 tỷ đồng, đến hết quý III-2018 số dư nợ này đã tăng lên 235.717 tỷ đồng. Dư nợ NH được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cũng tăng từ 230.882 tỷ đồng trong quý VI năm ngoái lên 291.210 tỷ đồng tính đến cuối quý III-2018.
Dù đã có sự tăng trưởng, nhưng dư nợ tín dụng xanh và dư nợ NH được đánh giá rủi ro của các TCTD Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (6,7 triệu tỷ đồng tính đến tháng 6-2018)
Theo các chuyên gia, chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Đó là việc đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, trong khi nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, hướng dẫn về danh mục các ngành và lĩnh vực xanh vẫn còn chung chung, chưa có các tiêu chí cụ thể để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch và chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh vực.