Nhưng có lẽ hơn 5 năm trở lại đây, khi mà công nghệ ngày càng phát triển và chưa thấy điểm dừng, báo chí phải lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại trong mớ hỗn độn thông tin thật giả lẫn lộn. Và báo chí chính thống cần phải biết phân biệt đăng tải, tìm bạn đọc để tồn tại.
Nhà báo trong bài viết này xin được nhấn mạnh lại là những người viết báo chính thống. Họ có thể là nhà báo có thẻ hoặc nhà khoa học, học giả là cộng tác viên gạo cội của các báo.
Có thể nói là chưa bao giờ con người lại bơi trong biển thông tin cực kỳ nhiều và đa dạng như bây giờ, khi ngay trong một lĩnh vực hẹp chuyên gia giỏi cũng không thể nắm bắt được những thông tin mới trong một ngày. Tương tự như thế, chưa bao giờ con người tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng, phức tạp và rắc rối như bây giờ.
Cách nay chừng 15 năm, ở Việt Nam báo giấy và truyền hình, truyền thanh được coi là phương tiện truyền thông chủ yếu. Khi ấy, các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ chiếm lĩnh đa phần thị phần thông tin của TPHCM. Tờ báo nào cũng nặng trĩu tay người đọc.
Nhưng chỉ vài năm gần đây, số lượng bản in mỗi ngày của các tờ báo giảm hẳn, người đọc có nhiều kênh thông tin khác tham khảo, trong đó nhiều nhất là trên mạng như Facebook, Google, Twitter… Các báo chính thống cũng lấn dần sang thông tin mạng bằng cách xây dựng các trang báo điện tử. Như vậy, mỗi tờ báo chính thống bên cạnh báo giấy đều có báo điện tử. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm báo online chính là tờ báo giấy được đọc trên giao diện màn hình điện tử, phần nội dung khác biệt không nhiều. Nhưng dù là báo giấy hay báo điện tử, mỗi bản báo vẫn có đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp và cộng tác viên ruột.
Xu hướng những năm gần đây ở các tờ báo lớn số lượng phóng viên chạy tin có phần giảm, số cộng tác viên có nghề tăng. Nhiều tờ báo giấy và cả báo mạng chỉ có nhóm quản lý và một số phóng viên gạo cội có khả năng tập hợp các nguồn lực bên ngoài, còn chủ yếu sử dụng cộng tác viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
Có một thực tế, việc đưa các tin tức diễn ra hàng ngày, báo chính thống (báo giấy và online) không thể phong phú bằng các loại tin tức trên mạng. Bởi lẽ, dung lượng một tờ báo có cố gắng nén đến mấy cũng không đưa được tất cả tin diễn ra một ngày trong cả nước và ở các địa phương. Cố gắng lắm báo đưa được các tin chính thống liên quan đến đường lối chính trị, kinh tế và xã hội, như các sự kiện quốc gia, các cuộc làm việc của lãnh đạo, các chính sách mới. Báo chính thống không thể chạy theo các tin giật gân ngoài xã hội, các chuyện hot, mà chủ yếu tập trung vào những vấn đề được coi là quốc gia đại sự.
Trong bối cảnh như thế, các phóng viên, nhà báo không thể đua theo “trend” được, mà phải tìm ra cách đi riêng của mình trong thời đại 4.0. Con đường đó là nhà báo phải vượt qua tiêu chuẩn thông thường là một người đưa tin, vì chạy theo tin sẽ không qua mặt được các facebooker. Theo đó, họ phải là nhà phân tích - bình luận - phản biện, có nghĩa là họ trước hết và quan trọng nhất phải trở thành chuyên gia thực thụ trong một vài lĩnh vực mình đảm trách như kinh tế tài chính, đô thị, giao thông, bất động sản, quan hệ quốc tế…
Việc đưa một chính sách mới, một sự kiện quốc tế, một vấn nạn đang diễn ra trên mặt báo là điều không khó. Nhưng để phân tích nó một cách thấu đáo, bình luận sâu sắc những gì xung quanh nó và phản biện lại những quan điểm đã định hình, không phải là dễ, đòi hỏi ngoài kiến thức, trình độ, kinh nghiệm còn cả sự dũng cảm và có chính kiến độc lập.
Việc đưa một chính sách mới, một sự kiện quốc tế, một vấn nạn đang diễn ra trên mặt báo là điều không khó. Nhưng để phân tích nó một cách thấu đáo, bình luận sâu sắc những gì xung quanh nó và phản biện lại những quan điểm đã định hình, không phải là dễ, đòi hỏi ngoài kiến thức, trình độ, kinh nghiệm còn cả sự dũng cảm và có chính kiến độc lập.
Thực tế cho thấy, những tờ báo nào tập hợp được xung quanh mình các nhà báo giỏi, chuyên gia hàng đầu vẫn có được lượng người đọc đông đảo, mà những bạn đọc đó có chất lượng trí thức cao. Bởi lẽ, trong biển thông tin hỗn độn hiện nay, con người vẫn có xu hướng tìm đến những thông tin đúng, chuẩn mực, ngay cả những người thường xuyên tung tin thất thiệt, đưa lên mạng những chuyện bịa đặt câu like vẫn cần thông tin đúng liên quan đến chuyện học hành của con cái, mưu sinh của bản thân, và an sinh cho gia đình.
Trong xã hội vẫn có những nhóm người luôn cần những thông tin chính thống, để họ biết cách ứng phó trong quan hệ và làm ăn. Đó là các nhà chính trị, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân, trí thức và nói rộng ra người dân cũng cần những thông tin chính thống.
Chẳng hạn, các nhà đầu tư (trong và ngoài nước), doanh nghiệp cần biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về những vấn đề như quy hoạch, đất đai, thuế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các chính sách xuất nhập khẩu, tỷ giá… mà những thông tin đó không thể tìm được ở đâu ngoài các báo công lập chính thống. Nhưng những công báo về luật, chính sách và phản biện chính sách, định hướng phát triển, thông tin dự án nói chung chưa đủ cho các nhà đầu tư, doanh nhân, ngay cả khi các văn bản dưới luật ban hành như nghị định, quyết định vẫn chưa làm họ yên tâm. Họ cần những thông tin đa chiều hơn mà với kiến thức và kinh nghiệm của mình họ không phủ kín được.
Do vậy, ý kiến của các chuyên gia của các bản báo giúp họ hiểu hơn qua phân tích, bình luận, nhất là các dự báo ngắn và dài hạn. Trên cơ sở thu nhận thông tin đó họ đưa ra các lựa chọn được coi là tốt nhất cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của đơn vị mình.
Nhà báo trong thời đại 4.0 cần được định dạng lại rằng, họ không phải đơn giản là người ghi chép đưa tin, mà phải là nhà chuyên gia; rằng họ không phải là người biết sử dụng máy tính, biết IT mà là người có khả năng phát hiện và dẫn dắt người đọc vượt lên trên các thông tin bị nhiễu loạn. Và như thế, các trường đại học phải xem lại cách thức đào tạo cử nhân báo chí sao cho đáp ứng được yêu cầu thời đại. Đã qua rồi cái thời nhà báo cái gì cũng biết nhưng chả biết cái gì đến nơi đến chốn.