Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tính đến cuối tháng 3-2021 đã có tổng cộng gần 3 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 257.998 tài khoản so với đầu năm. Trung bình mỗi tháng có gần 86.000 tài khoản chứng khoán mới được mở, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với "cơn sốt F0", những room chat chứng khoán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng rầm rộ xuất hiện, trở thành nguồn thông tin quan trọng cho nhà đầu tư trước khi ra quyết định mua bán.
Admin toàn ... bạn "của lái"
“Chí phèo chứng khoán”, “Bigboys đầu tư cổ phiếu”, “Đầu tư chứng khoán theo Tạo lập”… là những Group Facebook hàng chục nghìn thành viên hoạt động sôi nổi mỗi ngày. Và sau mỗi bài được các thành viên đăng lên, dưới “comment” là những lời mời tham gia vào room chat chứng khoán trên Zalo với hứa hẹn đầy hấp dẫn cho nhà đầu tư.
“Mọi người tham gia sớm cùng team để nhận được danh mục chất lượng khi thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch nhé” cùng với hàng loạt mã cổ phiếu “lộ hàng” trước để kích thích sự tò mò vào room “Cộng đồng đầu tư thông minh”. Hay: “Room Cổ phiếu dẫn đầu hôm nay toàn sở hữu 2 con mã điên KDH và NLG” thì sao lại không vào room lấy mã để đầu tư? Hiện tại, room đang sắp full thành viên nên nhường cho bạn nào nhanh chân nhất”…
Bên ngoài mời chào hấp dẫn, bên trong hoạt động sôi nổi tích cực 24/24h. Tuỳ vào khẩu vị và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, các room chat trên thị trường được phân cấp theo hai tiêu chí chính: Đầu cơ và Đầu tư dài hạn.
Ở nhóm đầu cơ, loạt room mang tên “Cộng đồng đầu cơ”, “Mua bán chứng khoán vùng lợi”, “Đầu cơ theo tạo lập”, “T+ Phím hàng Free”… được tạo ra với mục đích chính theo admin là lướt sóng thị trường, mua bán ngắn hạn để ăn chênh lệch T+. Thành viên các room đầu cơ “càng nhiều càng ít”. Tức là số lượng thành viên tham gia càng đông thì thông tin giao lưu càng đa dạng, ảnh hưởng thị trường càng nhiều hơn.
Chỉ cần bất kỳ một thành viên nào đăng tin hay đưa ra thông tin tiêu cực đến mã cổ phiếu mà admin đang quan tâm thì thành viên đó sẽ bị chửi thậm tệ và thẳng tay block vĩnh viễn.
Sau một thời gian hoạt động và đạt được mục đích, các admin sẽ tự lọc thành viên cũ và tiếp tục thêm vào những người mới. Ngoài tư vấn free, trưởng nhóm cũng sẽ mời chào thành viên tham gia vào nhóm khác với chi phí "hữu nghị" để nhận được mã "VIP" đầu tư trường phái siêu lợi nhuận.
Ở nhóm đầu tư giá trị, admin chủ yếu là những người có kiến thức, không nhất thiết là môi giới công ty chứng khoán, tư vấn mua bán dài hạn. Có những nhóm chat nhà đầu tư phải bỏ tiền triệu mỗi tháng, cả năm 10-15 triệu để được tham gia. Những nhóm này, nhà đầu tư sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo với những báo cáo chiến lược, phân tích từng doanh nghiệp, thời điểm giải ngân và dự kiến giai đoạn rút chân…Tuy nhiên, trái lại với cộng đồng đầu tư, thành viên những nhóm này rất ít, hoạt động cũng trầm lặng hơn.
"Bữa trưa miễn phí" quá... đắt
Không đánh đồng tất cả những room chứng khoán hoạt động tốt hay xấu bởi có những room môi giới chuyên nghiệp, lành nghề, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Càng không thể đổ tội đồ lên các room hay người thành lập bởi việc tham gia là tự nguyện của nhà đầu tư cá nhân, không ai bắt ép.
Tuy nhiên, cũng có nhiều room hoạt động chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm nhà đầu tư, kích thích mua bán liên tục, tăng phí giao dịch cho công ty chứng khoán…
“Dịp Tết vừa rồi thấy mọi người khoe đầu tư chứng khoán lãi nhiều nên tôi rút hết tiền lương tiết kiệm từ ngân hàng để đầu tư. Tham gia con số 0, kiến thức không có, được mọi người giới thiệu, tôi lân la tham gia vào các room chat. Hễ có room nào là tôi tham gia room đó vì mình đâu có mất gì đâu, thông tin càng nhiều càng sớm biết thị trường vận hành ra sao. Một số mã tôi mua theo tư vấn của mọi người trong room cũng đang có lãi”, chị Hải Duyên, một nhà đầu tư F0 phấn khởi chia sẻ.
Anh Đức Trí (Xã Đàn, Hà Nội) cho biết: “Tôi không rõ mục đích của những người lập ra nhóm chat là gì vì tất nhiên không có bữa ăn trưa nào miễn phí, nhưng những mã tôi theo mua hiện giờ cũng lãi rất nhiều, có lúc mua phiên trước, phiên sau đã ăn ngay 10-15%, gấp đôi cả lãi suất ngân hàng”.
Những nhà đầu tư như anh Trí, chị Hải Duyên thắng lợi nhờ room chứng khoán không phải hiếm. Nhưng cũng có những nhà đầu tư F0 “vô tình lướt sóng thành cổ đông”, thậm chí vốn hoá “sớm nở, tối tàn” chỉ vì đánh theo room chat.
Thật khó để kể về sự thất bại của mình khi mới lao vào thị trường, anh Đỗ Đức Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, lúc mới tham gia hồi tháng 10-2020, anh được admin một room chat trên zalo gợi ý mua cổ phiếu IDJ vì “lái sắp đánh lên”. Thấy tất cả mọi người trong nhóm đồng thuận xuống tiền giải ngân, không chần chừ, anh mua toàn bộ IDJ vùng giá 15. Vừa mua hôm trước, hôm sau IDJ lao dốc, lỗ ngay cả trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Tuyến, nhân viên văn phòng ngậm ngùi nói: "Tiền tôi đầu tư từ vốn tích luỹ và vay thêm ông bà nội ngoại hai bên, tổng cộng gần 500 triệu. Ban đầu, tôi cũng được nhân viên công ty hướng dẫn nhưng lãi không nhiều, đã thế lại mất nhiều khoản phí, về sau thì tự tìm hiểu và giao dịch.
Mua bán theo tư vấn từ các room chứng khoán 10 lần thì 2 lần được, 8 lần mất. Tài khoản của tôi giảm chỉ còn hơn 300 triệu. Thị trường càng ngày có vẻ càng khó nên tôi bỏ luôn để tập trung vào công việc chính".
Nên bắt đầu từ đâu?
Thị trường sôi động với mỗi phiên giao dịch lên đến tỷ đô, nhu cầu thông tin của nhà đầu tư, đặc biệt F0 vô cùng lớn, nên điều này có thể lý giải hiện tượng nhan nhản các room chat chứng khoán mọc ra.
Bình luận với VnEconomy, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường của Chứng khoán KBSV cho rằng, sự xuất hiện đông đảo các room chat chứng khoán là điều hết sức bình thường.
Do đó, các nhà đầu tư F0 phải tự đưa ra cân nhắc lựa chọn những môi giới, room chat uy tín tham gia.
Bên cạnh đó, phải chịu khó đọc báo cáo phân tích từ khối các công ty chứng khoán để gia tăng kiến thức, bắt kịp xu hướng thị trường. Thông thường, phân tích của các công ty chứng khoán sẽ không có động lực để chủ đích đưa ra dự báo sai về thị trường. “Tất nhiên, dự báo thì có thể đúng có thể sai nhưng rủi ro về mặt đạo đức thấp hơn rất nhiều”, ông Đức Anh khuyến cáo.