Điểm sáng lớn nhất trong xu hướng tăng này là NĐT F0 liên tục được gọi tên và họ cũng là động lực chính cho thị trường trong bối cảnh NĐTNN bán ròng. TTCK 2021 vẫn được dự báo thăng hoa nhưng không dễ dàng cho NĐT F0.
Cơ hội nhìn thấy
Cơ hội lớn đầu tiên là nhiều đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy thế giới có ít lựa chọn, ngoài việc sẽ tiếp tục bơm tiền hỗ trợ kinh tế, ngay cả khi vaccine phổ biến, chính sách lãi suất thấp của các NHTW vẫn sẽ duy trì nới lỏng trên mức trước đại dịch.
Việc nới lỏng còn được nâng lên ở mức cao hơn khi các NHTW Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… có thêm vũ khí mới như CBDC (Central Bank Digital Currency - đồng tiền KTS). Theo đó, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không dừng lại, thậm chí việc thực thi còn nhanh hơn, khi vũ khí của NHTW đã được số hóa thành vũ khí điện tử.
Điều này phù hợp với thời đại 4.0 cũng như do dịch bệnh phải làm việc cách ly xã hội phổ biến. Song dù bệnh dịch có kết thúc, tư duy kinh doanh sẽ thay đổi nhiều, các doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm nhiều kế hoạch kinh doanh, những sản phẩm, dịch vụ thay đổi linh hoạt hơn.
Và như vậy TTCK sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ chính sách cũng như sự chuyển mình của nền kinh tế và DN. Do đó TTCK Việt Nam với những công ty, DN ứng dụng tốt, tạo hiệu quả kinh doanh sẽ giúp thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, từ đó ảnh hưởng tích cực đến giá CP.
Cơ hội nữa khi vaccine phổ biến nhiều hơn, nhiều ngành nghề sẽ hồi phục, kinh tế sẽ tăng tốc, và dĩ nhiên TTCK sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, TTCK thế giới vẫn đang tiếp tục tăng lên các đỉnh cao mới cũng sẽ hỗ trợ TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, điều hành vĩ mô hợp lý, giúp thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hứa hẹn dòng tiền của khối ngoại sớm quay lại thị trường song song với dòng vốn của NĐT cá nhân, F0, tổ chức trong nước hiện nay.
Lo ngại khi thị trường tăng nóng
Lo ngại khi thị trường tăng nóng
Hậu Covid-19 đã làm các kênh đầu tư, lĩnh vực kinh doanh phải thay đổi, nhiều ngành nghề có thể biến mất cũng như nổi lên các ngành nghề mới như streamer, kỹ sư blockchain, các công việc làm việc từ xa... Do đó các công ty, ngành nghề, lĩnh vực nào thích nghi được đều đáng để đầu tư thời hậu dịch. |
Do vậy, năm 2021 TTCK có khả năng phân hóa sâu sắc hơn, nghĩa là các CP có “câu chuyện” tốt như ứng dụng hiệu quả những công nghệ vào kinh doanh, đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ phù hợp với môi trường kinh doanh thay đổi, vẫn sẽ tạo ấn tượng với NĐT, từ đó hút dòng tiền đầu tư.
Điều này sẽ rõ nét hơn khi dòng tiền trên TTCK hiện nay chủ yếu từ NĐT cá nhân đang “cân” hết cả thị trường. Vì thế việc duy trì dòng tiền mạnh như thế trong thời gian dài sẽ rất khó, nhất là tỷ lệ margin trên TTCK đang cao kỷ lục.
Do đó dòng tiền sẽ tập trung vào những lĩnh vực, DN có kỳ vọng tăng trưởng tốt, linh hoạt với mọi hoàn cảnh. Thậm chí những ngành bị tác động nhiều bởi đại dịch sẽ phục hồi như vận tải, du lịch hay năng lượng… CP của những công ty có sự thích nghi tốt giai đoạn hậu dịch không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh sẽ thu hút dòng tiền.
Cần lưu ý chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm qua đã làm dòng tiền ở khắp nơi trên thế giới chảy vào tài sản đầu cơ. Còn năm nay khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, vaccine phát huy hiệu quả, chính sách sẽ hướng dòng tiền vào kinh tế thay vì các tài sản đầu cơ ngắn hạn.
Về mặt dài hạn điều này sẽ hỗ trợ TTCK - vốn được xem là phong vũ biểu của kinh tế - nhưng ngắn hạn dòng tiền có thể bị hạn chế hơn. Ngoài ra khối ngoại vẫn duy trì việc bán ròng, nếu chỉ có dòng tiền của NĐT cá nhân, F0 mà thiếu các dòng tiền khác trong bối cảnh TTCK và giá nhiều CP đang ở mức đỉnh của đỉnh, thị trường có thể sẽ thiếu năng lượng để bay lên các đỉnh cao mới.
Các kênh đầu tư khác như bất động sản có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, vàng im lặng từ nửa cuối 2020 tới nay cũng có khả năng lên tiếng, khi việc nới lỏng tiền tệ vẫn được duy trì khắp nơi trên thế giới, có thể thúc đẩy dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư tiềm năng hơn là những tài sản đã tăng liên tục thời gian dài. Đây cũng là mối đe dọa với CK.
Ngoài ra TTCK đang xuất hiện sự chênh lệch lớn do năm qua tăng mạnh, VN Index tăng gần 70%, HNX Index tăng 120%, trong khi GDP tăng 2,91%. Điều này cho thấy những CP trên sàn đã được định giá ở mức rất cao, nên NĐT thiếu kiến thức sẽ có khả năng gặp rất nhiều rủi ro.
NĐT F0 phải thay đổi
So với năm ngoái hầu hết NĐT F0 đều dễ dàng chiến thắng từ CK đến vàng, bất động sản… vì chẳng cần phải phân tích, cứ mua là có lời. Nhiều người mới đầu tư được vài tháng thậm chí chỉ vài ngày kiếm được số tiền khủng đã cảm thấy đầu tư quá dễ.
Thế nhưng, TTCK không phải là nơi ai đầu tư cũng thắng, buộc phải tự học, tự đào tạo và trải nghiệm. NĐT mới cần cẩn trọng, biết phân biệt và lựa chọn hàng tốt để mua, bởi số DN nhân cơ hội thị trường đi lên đã "tân trang", nâng giá CP lên gấp hàng chục lần so với giá trị thực.
Những NĐT lớn, trải nghiệm đều khiêm tốn và thành công của họ luôn được đo bằng nhiều năm với sự bền vững ổn định. Và điều này chỉ có thể đạt được khi rèn luyện và học hỏi không ngừng. Có như thế thị trường tăng hay giảm NĐT lớn vẫn luôn kiếm được tiền trên mức bình quân. Vì tăng hay giảm là chuyện của thị trường, còn kiếm tiền là chuyện của họ.
Điều khác với NĐT nhỏ khi sàn đảo chiều rất dễ “dập mật” và trả lại hết cho thị trường. Đó là lý do tại sao ít NĐT F0 về mặt dài hạn có thể cầm tiền ra được khỏi thị trường, mà vinh dự đó thường dành cho NĐT lớn, chuyên nghiệp.
Và để được như thế NĐT mới cần trau dồi kiến thức song song với trải nghiệm liên tục ngay từ bây giờ để trình độ, kỹ năng đầu tư ngày một tăng tiến.