Song, thực tế có quá ít NĐTCL mua được cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT). Nguyên nhân được chỉ ra là quá trình mua bán cổ phần thiếu minh bạch, chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường, và không đánh giá đúng vai trò của NĐT.
Không hoàn thành mục tiêu
Thực tế thu hút cổ đông chiến lược đã không hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015, trung bình các cổ đông chiến lược nắm giữ khoảng 7,3% vốn DN, chưa đạt mục tiêu bán 15,8% cổ phần cho NĐTCL. Cũng giai đoạn này, chỉ có khoảng 37% DN hoàn thành kế hoạch bán hết cổ phần, 30,4% không bán cổ phần cho NĐTCL, khoảng 8,7% bán không hết cổ phần, 4,3% bán quá cổ phần và khoảng 19,6% bán cổ phần nhưng NĐTCL không mua.
Số liệu khảo sát nghiên cứu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại 46 TĐ, TCT bán cổ phần cho NĐTCL những năm qua, cho thấy chỉ 13% TĐ, TCT được phê duyệt kế hoạch bán trên 50% cổ phần cho cổ đông chiến lược. Đáng lưu ý trong việc bán cổ phần cho NĐTCL chỉ 8,7% TCT bán được và tỷ lệ bán cổ phần rất thấp. Trong đó, TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bán cho NĐT Aeroport de Paris (Pháp) 20% cổ phần; TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bán cho ANA Holdings Inc (Nhật Bản) 8,77% cổ phần; TCT Tư vấn thiết kế giao thông vận tải bán cho Oriental Consultants (Nhật Bản) 4,35% cổ phần; TCT Xây dựng công trình giao thông 1 bán cho HASSYU (Nhật Bản) 11% cổ phần…
Báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) DNNN do CIEM và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) thực hiện thời gian qua, cũng chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn tới thực trạng không hoàn thành kế hoạch bán vốn cho NĐTCL khi CPH. Đó là tình trạng khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược; giá bán cổ phần không đủ thuyết phục NĐT mua, xác định giá bất hợp lý; phần lớn DNNN thiếu hấp dẫn với NĐTCL; thiếu công khai, minh bạch thông tin trước, trong và sau CPH làm nản lòng NĐT; quy trình bán cổ phần phức tạp, cách bán bất cập.
Vietnam Airlines và Tập đoàn ANA của Nhật Bản ký hợp đồng mua bán cổ phần tại Tokyo.
Thay đổi cơ chế mua bán cổ phần
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách DN (CIEM), cho rằng quy định hiện hành đang có sự khống chế tỷ lệ mua cổ phần với NĐT nước ngoài. Theo quy định hiện hành có 54 ngành nghề, lĩnh vực NĐTCL nước ngoài không được tham gia, 113 ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện NĐT nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phần. Mặt khác, nhiều DNNN đã CPH chưa có sức hút, kém hấp dẫn NĐTCL khi nhìn vào 4 tiêu chí đánh giá: cơ hội sinh lời, rủi ro tài chính và gánh nặng nợ, bất cập trong quản trị DN và năng lực của đội ngũ nhân sự.
Trong cơ cấu lợi nhuận của các DNNN, PVN chiếm 44,5%, Viettel 27,7%, MobiFone chiếm 4,9%, VNPT 4,2%, EVN 3,5%, ACV 2,2%…
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng quy trình CPH DNNN hiện phức tạp, chưa hợp lý và đang thiếu sự tư vấn, hỗ trợ nên DNNN phải tự tìm kiếm NĐTCL, phương thức đàm phán, đấu giá cổ phần. Với quy định hiện hành, DN và NĐTCL chỉ có 20 ngày để chốt giá bán và số lượng cổ phần bán cho NĐTCL. Nhưng thực tế để đàm phán thành công với 1 NĐTCL cần rất nhiều thời gian. Thí dụ, thương vụ đàm phán giữa Vietnam Airlines và ANA Holdings cần tới 2 năm để hoàn tất.
Từ thực tế trên, CIEM khuyến nghị nên quy định tiêu chí rõ ràng trong lựa chọn NĐTCL phải đáp ứng về năng lực tài chính, khả năng duy trì ngành nghề kinh doanh chính, cam kết hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như cổ đông chiến lược trong nước, sở hữu chi phối những ngành, lĩnh vực không thiết yếu và duy trì ưu đãi thuế, cổ tức trong một thời hạn nhất định. Để thu hút NĐTCL trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược DN trong quá trình CPH, cần đổi mới cơ chế xác định giá theo hướng không nhất thiết chỉ dựa vào giá IPO, giá niêm yết trên sàn chứng khoán. Đối với các TĐ, TCT lớn nên xác định giá trị DN theo phương pháp quốc tế, ít nhất có 2 phương án. Cần nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến xác định quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu DN CPH.
Dưới góc nhìn của mình, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho rằng với NĐTCL quan trọng nhất là thị trường, nhưng mục tiêu của Chính phủ đề ra trong CPH lại rất nhiều, như vốn, kinh nghiệm, khả năng quản trị và thị trường. Dựa trên mục tiêu này rất khó để đảm bảo cổ đông chiến lược và DNNN gắn bó với nhau lâu dài. Do đó, cần quan tâm sợi dây gắn bó và nó liên quan trực tiếp đến giá bán. Nếu tỷ lệ bán cao giá cổ phần sẽ cao hơn, vì NĐT sẽ có nhiều quyền quyết định hơn.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nguyên nhân bao trùm thực trạng NĐTCL khó mua cổ phần tại DNNN là tư duy bán vốn chưa theo thị trường, theo cách nhìn của NĐT, mà vẫn theo tư duy “giữ của” của cơ quan sở hữu. NĐT DN là mua lợi nhuận, khả năng sinh lời tương lai nên cần tiếp cận theo cách của NĐT, để họ đánh giá không chỉ tài sản, quản trị, chất lượng người lao động. Trong việc bán cổ phần cho NĐTCL nếu “ta cứ bảo đó là khối tài sản to lắm, phải giữ khư khư” sẽ rất khó làm. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nên là phương án may đo hơn là may đồng phục, phải có đàm phán, thỏa thuận tăng chỗ này, giảm chỗ kia với cách tiếp cận linh hoạt hơn.