Cùng với sự tăng trưởng mạnh của hầu hết thị trường tài chính nói chung, hoạt động đầu tư tiền mã hóa cũng trở lên sôi động khi đón nhận dòng tiền lớn tham gia, giá các đồng tiền mã hóa này đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Anh Bùi Hoàng Hiệp (34 tuổi, Hà Nội), một nhà đầu tư tiền mã hóa toàn thời gian cho biết khác với giai đoạn 2016-2017 khi giao dịch tiền mã hóa chủ yếu được thực hiện qua trung gian như Remitano, hiện nay hầu hết giao dịch của giới đầu tư Việt đều thực hiện qua sàn Binance, một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới.
Tất cả giao dịch mua bán trên sàn này đều phải thực hiện qua kênh ngân hàng để nạp tiền vào ví hoặc giao dịch trực tiếp.
Người Việt mua bán Bitcoin ở đâu?
Ngoài ra, còn một số sàn giao dịch vẫn được nhà đầu tư dùng với các lợi ích, hạn chế khác nhau như Remitano, Vicuta… Đây đều là những trung gian giao dịch tiền mã hóa từ lâu ở Việt Nam và vẫn có một bộ phận nhà đầu tư sử dụng.
Tuy nhiên, số lượng các đồng tiền giao dịch trên sàn này thường ít hơn Binance và tập trung chủ yếu vào các đồng vốn hóa lớn như Bitcoin, Ethereum, Ripple, Bitcoin Cash...
Có kinh nghiệm 4 năm trên thị trường tiền mã hóa, anh Phạm Xuân Mạnh (28 tuổi, Hà Nội) cho biết dù đã xuất hiện nhiều năm nhưng với đa số nhà đầu tư hiện nay, tiền mã hóa vẫn là tài sản đầu tư rất mới. Tuy có lợi nhuận cao nhưng đi kèm với đó là những rủi ro không hề nhỏ.
“Đa số mọi người đều không thể định nghĩa tiền mã hóa là gì, mà cũng không biết nó được sinh ra để làm gì. Hầu hết đầu tư chỉ vì số đông hoặc lời mời gọi lãi suất cao”, anh Mạnh chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn sau 4 năm, anh Mạnh cho biết có rất ít người “thắng” được thị trường, có khoảng 80-90% nhà đầu tư chịu cảnh thua lỗ từ tiền mã hóa.
“Đặc biệt, những nhà đầu tư tham gia các dự án trả lãi suất cao, đầu tư theo kiểu gọi vốn, sử dụng đòn bẩy tài chính… hầu hết đến nay đều mất trắng”, anh Mạnh nói.
Tiền mã hóa là sản phẩm tài chính rủi ro cao
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác được coi là một sản phẩm tài chính với mức độ rủi ro rất cao.
Trong khi đó, nhân thức của số đông người dân về các sản phẩm tài chính hiện nay còn thấp. Vì vậy, nhà đầu tư thiếu hiểu biết sẽ rất dễ bị dẫn dắt bởi những sản phẩm truyền thông không đúng đắn và gây hệ lụy vô cùng lớn.
Theo ông Long, một sản phẩm tài chính bao giờ cũng gồm 2 mặt, lợi tức và rủi ro. Đặc biệt, với những đồng tiền mã hóa như Bitcoin, mức độ rủi ro còn cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm tài chính thông thường được giám sát bởi cơ quan quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ.
Bên cạnh đó, do chưa được pháp luật công nhận, chưa có hành lang pháp lý quản lý, việc đầu tư tiền mã hóa rất dễ vướng vào các hành vi gian lận, lừa đảo tài chính.
“Phổ biến nhất chính là cung cấp các thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo đám đông tham gia vào các sản phẩm tài chính này mà không cung cấp đầy đủ những rủi ro gắn liền với sản phẩm tài chính đó”, ông Long nhấn mạnh.
“Tôi phải nhấn mạnh bất kỳ sản phẩm tài chính nào cũng luôn có 2 mặt, lợi tức và rủi ro, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Hiện tại còn có nhiều đồng tiền mã hóa rác, tức là không có yếu tố nền tảng công nghệ hỗ trợ đằng sau mà chỉ được tạo ra bởi một số tổ chức, cá nhân với mục đích huy động tiền mang tính gian lận, lừa đảo”, ông Long nói thêm.
Vị chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư trước hết khi quan tâm tới bất kỳ sản phẩm tài chính nào cần phải nhận thức được rủi ro trong sản phẩm đó, những cam kết lợi tức càng cao thì rủi ro đi kèm sẽ càng lớn. Thậm chí, nếu những con số lợi tức đưa ra cao vô lý thì luôn đi kèm dấu hiệu lừa đảo.
Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao Đại học Bristol (Anh) cho rằng nên dùng khái niệm tiền mã hóa đối với Bitcoin và các đồng tiền tương tự trên thị trường hiện nay, vì sắp tới, ngân hàng trung ương một số nước sẽ phát hành tiền kỹ thuật số, và đa phần sẽ không phải công nghệ mã hóa.
Về việc tham gia thị trường, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư phải đối mặt rủi ro chủ yếu đến từ tính biến động cao của thị trường tiền mã hóa. Trong khi nhiều người mua bán theo phong trào, nghe theo các “room” đưa ra “mánh” mua hay bán hơn là có hiểu biết đầy đủ về tiền mã hóa.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân không có kỹ năng quản lý vốn và kiểm soát tài khoản khi thị trường biến động mạnh như vài ngày qua, sẽ dẫn đến thua lỗ lớn.
Thị trường dễ bị thao túng
Bên cạnh đó, việc chưa được pháp luật Việt Nam công nhận cũng mang đến rủi ro lớn với nhà đầu tư tham gia thị trường.
“Khi Elon Musk có những tweet như vậy trên thị trường cổ phiếu và không chính xác, thì ngay lập tức bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt và buộc từ chức chủ tịch Tesla. Nhưng ở thị trường tiền mã hóa, chưa có chế tài nào được đưa ra”, ông Tuấn nói.
Vị giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng thị trường tiền mã hóa hiện tại rất dễ bị thao túng bởi một vài cá nhân, và tính tập trung sở hữu tiền mã hóa vào một số lượng nhỏ địa chỉ phản ánh rõ điều đó.
Chỉ cần một “cá voi” bán ra mạnh, thị trường sẽ chao đảo. Nhưng đây cũng là đặc tính của thị trường này. Nhà đầu tư nếu tham gia cần phải hiểu rõ và chấp nhận rủi ro này.
Dưới góc độ quản lý, ông Tuấn cho rằng khi nhiều nước đang xem tiền mã hóa là tài sản đầu tư, mặc dù rủi ro cao, ví dụ như Mỹ, thì Việt Nam cũng sẽ không có động thái gì về chuyện cấm các loại tài sản đầu tư rủi ro cao này.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo Hong Kong, đang xem xét cấp giấy phép cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Như vậy, sàn nào được cấp giấy phép mới được vận hành và nhà đầu tư giao dịch trên đó. Sàn giao dịch không được cấp giấy phép sẽ là bất hợp pháp. Điều này có thể giảm rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư, đồng thời cũng làm giảm rủi ro xuất hiện những sàn tiền mã hóa mang tính lừa đảo.
Mặt khác, khi có sàn giao dịch thì cũng sẽ dễ ra khuôn khổ bảo vệ nhà đầu tư, hạn chế những biến động do một vài cá nhân phát biểu khiến thị trường hoảng loạn (có thể phạt những cá nhân đó thao túng giá).
Tuy nhiên, để đảm bảo điều đó không tiếp diễn, phía Mỹ cũng phải có những quy định tương tự. Vì tiền mã hóa là một thị trường quốc tế, chỉ một quốc gia quản lý thôi là không đủ. Cần có một sự phối hợp của các cơ quan của nhiều nước.