Việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 tối 6-12 khi phát sóng trên kênh YouTube gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 7-12, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thông báo cho biết pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Bộ yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca. Đồng thời bộ cho biết bộ có trách nhiệm thực thi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các biện pháp cần thiết để gìn giữ và phát huy giá trị của quốc ca.
Chuyên gia luật và chính sách công Nguyễn Minh Đức cho rằng để Quốc ca được phát huy tối đa giá trị, để đảm bảo người dân Việt Nam luôn được nghe Quốc ca tốt nhất, không còn chuyện doanh nghiệp vì lo ngại chuyện bản quyền đe dọa tới doanh thu mà ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam như sự việc xảy ra tối 6-12, rất cần phải có những bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, hùng tráng, trang trọng cho người dân sử dụng miễn phí. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch với vai trò là "bộ lễ" nên làm ngay việc này.
Ông Minh Đức cũng góp ý bộ nên làm nhiều bản ghi như bản có lời, bản không lời (Quốc thiều), bản hát hợp xướng, bản hát đơn ca, bản dung lượng thấp, bản dung lượng cao... cho người dân sử dụng miễn phí phù hợp với từng bối cảnh cụ thể.
Theo ông Nguyễn Thu Đông - trưởng phòng quản lý biểu diễn và bản ghi âm ghi hình Cục Nghệ thuật biểu diễn - đây cũng chính là trăn trở từ lâu của cá nhân ông.
Việc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đứng ra làm các bản ghi Quốc ca cho toàn dân sử dụng miễn phí không chỉ giúp cởi bỏ những rào cản về bản quyền mà còn để khắc phục tình trạng là hầu hết những bản ghi Quốc ca hiện nay chưa đúng quy chuẩn, có khi sử dụng đàn organ chứ không phải một bản ghi do dàn nhạc thể hiện, với âm hưởng hoành tráng, uy nghi, mang hồn sông núi.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng từng đề xuất sản xuất các bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, trang trọng để người dân sử dụng miễn phí và được Ban Tuyên giáo trung ương ủng hộ về chủ trương.
Về việc sử dụng Quốc ca trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) lâu nay, đại diện VOV cho biết đài tự tổ chức sản xuất các bản ghi âm Quốc ca để phát sóng.
VOV cũng không gắn bản quyền với các bản ghi này, người dân có thể sử dụng miễn phí. Nhưng các bản ghi này VOV chỉ mới sản xuất, phát hành dưới dạng đĩa vật lý.
Về đề xuất này với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, chiều 7-12, ông Trần Hướng Dương - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết không phải bộ chưa nghĩ tới việc này và chưa làm.
Trước đây, bộ đã giao Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc thuộc bộ (nay là Nhà xuất bản Âm Nhạc) sản xuất các đĩa nhạc nghi thức với các bản Quốc ca và gửi cho các địa phương để sử dụng miễn phí.
Bộ "không khiên cưỡng bắt mọi người phải theo bản ghi do bộ sản xuất" bởi đặc thù của nghệ thuật là khuyến khích sự sáng tạo và đa dạng. Nay thực tế có vấn đề phát sinh mới trên môi trường mạng, bộ cũng lắng nghe và sẵn sàng sản xuất các bản ghi Quốc ca cung cấp cho người dân sử dụng miễn phí.
Việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 trên một số nền tảng số là trái quy định pháp luật. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có TRÁCH NHIỆM thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và PHẢI thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Fanpage Thông tin Chính phủ ngày 7-12 Ghi âm phải được Nhà nước cho phép Luật sư Phan Vũ Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình đã hiến tặng lại ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam thì lúc này Nhà nước Việt Nam được xác định là đơn vị quản lý và là chủ sở hữu tác phẩm này theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 42 Luật sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại khoản 2 điều 6 Luật sở hữu trí tuệ, bản ghi âm là đối tượng được bảo hộ dưới hình thức quyền liên quan và quyền này chỉ được xác lập khi không gây phương hại đến quyền tác giả. Trong trường hợp này, các nhà sản xuất bản ghi âm ca khúc Quốc ca muốn được bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm thì phải được chủ sở hữu bài hát Quốc ca là Nhà nước Việt Nam cho phép. Trong trường hợp bản ghi âm đó được bảo hộ quyền liên quan thì các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng bản ghi âm phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan, trừ các trường hợp không cần phải xin phép theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm đã công bố để phát sóng truyền hình thì không cần phải xin phép chủ sở hữu quyền liên quan (điều 33 Luật sở hữu trí tuệ). Trường hợp sử dụng các bản ghi âm đã công bố để truyền/phát trên các nền tảng không phải truyền hình như YouTube thì không được pháp luật ghi nhận là trường hợp ngoại lệ không cần phải xin phép chủ sở hữu. Do đó khi các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng các bản ghi âm để truyền/phát trên YouTube thì phải xin phép chủ sở hữu bản ghi âm. |