1. Tên thật là Nguyễn Đình Vọng, nhà thơ Hoài Vũ sinh trưởng ở Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp gắn bó với Nam bộ, đặc biệt là vùng đất Long An, vành đai Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Từ thời chiến tranh, đất phương Nam phóng khoáng đã hội tụ, dung chứa nhiều nhân tài từ các nơi như Nguyễn Bính, Nguyễn Thi, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Nguyễn Trọng Oánh…
Và chính trên mảnh đất máu lửa này nhiều văn nghệ sĩ đã ngã xuống như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân, Hồng Tân… May mắn hơn các đồng nghiệp cùng chiến hào, Hoài Vũ được chứng kiến ngày đất nước hòa bình thống nhất năm 1975.
Thực tế đời sống chiến trường sinh tử khắc nghiệt của đất phương Nam đã mang lại cho Hoài Vũ nhiều chất liệu quý giá. Dù viết bất cứ thể loại nào, từ thơ đến truyện ngắn, bút ký, văn phong của Hoài Vũ luôn giản dị, tươi trẻ, nhân bản, tha thiết tình yêu đời yêu người như chính con người ông hiền lành, nhân hậu, chân thành và năng động.
Ông từng tâm sự: “Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương”.
Bi kịch của người sáng tác văn học nghệ thuật là cả đời không có được tác phẩm để lại dấu ấn, trong khi tên tuổi được khuếch trương rỗng tuếch trên khắp các diễn đàn bằng mọi giá. Hoài Vũ tài năng và nhân cách đã không rơi vào bi kịch ấy. Bất cứ ở đâu, nhắc tới nhà thơ Hoài Vũ, người mến mộ nhớ ngay tới những bài thơ tình phổ nhạc nổi tiếng, như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn…
Đành rằng nhờ âm nhạc chắp cánh thơ có sức lan tỏa rộng rãi hơn, nhưng các bài thơ của Hoài Vũ đứng độc lập vẫn có giá trị riêng biệt, như hương tràm lặng lẽ kết nối những tâm hồn đồng điệu: “Dù đi đâu dù xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau” (Đi trong hương tràm).
Bên cạnh thơ, Hoài Vũ còn là cây bút truyện ngắn và bút ký rất có duyên, đặc biệt là các tác phẩm ông viết về chiến tranh và hậu chiến. Những truyện ngắn như Người Sài Gòn, Bông sứ trắng, Bông huệ trắng, Gái thời chiến, Cánh én trên Vườm Thơm, Tiếng sáo trúc...
2. Như nhiều người cùng thế hệ yêu văn chương, từ thời niên thiếu Hoài Vũ rất thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Liêu trai chí dị… và cả Hồng lâu mộng. Về sau học sử dụng thông thạo tiếng Hoa, Hoài Vũ có dịp tiếp xúc các nhà văn và đọc nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc tiêu biểu của các tác giả Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Đinh Linh, Lão Xá…
2. Như nhiều người cùng thế hệ yêu văn chương, từ thời niên thiếu Hoài Vũ rất thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Liêu trai chí dị… và cả Hồng lâu mộng. Về sau học sử dụng thông thạo tiếng Hoa, Hoài Vũ có dịp tiếp xúc các nhà văn và đọc nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc tiêu biểu của các tác giả Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Đinh Linh, Lão Xá…
Từ yêu thích Hoài Vũ đã tìm cách chuyển ngữ sang tiếng Việt thành công những tác phẩm có giá trị của văn học Trung Quốc hiện đại. Vào thập niên 1990, bạn đọc tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và một số tờ báo khác say mê theo dõi những truyện dài in nhiều kỳ do Hoài Vũ dịch, như Loạn luân, Đèn lồng đỏ treo cao, Người đàn bà bất hạnh, Nữ điền chủ cuối cùng, Mùa thu hương cúc bay, A-sư-ma bé bỏng, Hoa trong tuyết, Gió mưa đưa đẩy đôi ta, Hoa tử anh anh, Người đàn bà quý phái… sau đó tập hợp in trong 2 tập Đèn lồng đỏ treo cao năm 2002 và Gió mưa đưa đẩy đôi ta năm 2013 tiếp tục được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Qua sàng lọc thời gian, những truyện dịch tiêu biểu nay được tuyển in trong tập Hoa trong tuyết.
Cùng về đề tài tình yêu và quyền lực trong đời sống Trung Quốc hiện đại, truyện Loạn luân của nhà văn Lỗ Nhan Châu là tấn bi kịch đời thường của trí thức văn nghệ sĩ tài năng, thì truyện Hoa trong tuyết của nhà văn Trần Xung là bức tranh buồn đau về thân phận con người do Cách mạng văn hóa gây ra thể hiện qua cuộc hội ngộ của hai người bạn có cảm tình nhau từ thời niên thiếu.
Đó là Lâm, một công trình sư từng bị đi cải tạo, nhân vật kia là Dương Hoa bạn gái cùng lớp cùng trường như mối tình đầu của Lâm, nhưng cô không vào đại học mà làm việc ở trại cải tạo với vị trí đội trưởng đầy quyền lực, tình cờ trở thành người trực tiếp quản lý Lâm. Hoa trong tuyết như bài thơ tình đầy quyến rũ đưa người đọc đi từ dự cảm này tới bất ngờ khác.
Mỗi truyện trong tuyển tập này có sắc thái riêng, sự hấp dẫn riêng. Ngay cả truyện Đèn lồng đỏ treo cao của nhà văn Tô Đồng, từng được chuyển thể dựng thành phim gây tiếng vang trên thế giới và được đề cử Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất năm 1992, ai đã từng xem phim vẫn cảm thấy bất ngờ khi đọc truyện với nhiều chi tiết độc đáo phim không thể chuyển tải. Truyện có bối cảnh đầu thế kỷ 20 khi Trung Quốc vẫn tồn tại chế độ đa thê, với câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Liên, nữ sinh viên đại học gặp gia cảnh bất hạnh phải về làm vợ lẽ thứ tư cho lão Trần.
Cuộc sống của Liên cùng những người đàn bà khác xoay quanh lão già giàu có với bao hỉ nộ ái ố là bức tranh thu nhỏ đời sống xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, mà trên hết vẫn là bi kịch của thân phận tình yêu và số phận phụ nữ cần vượt thoát. Đó cũng là thông điệp của nhiều truyện khác trong tập Hoa trong tuyết bằng khả năng thẩm thấu và chuyển ngữ tài tình, Hoài Vũ đã mang tới cho bạn đọc Việt Nam những món quà quý giá, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần chúng ta.
Tôi tin những người thực sự yêu mến văn chương sẽ không bao giờ chỉ đọc hết một lần khi có trong tay tuyển tập truyện Hoa trong tuyết. Nhất định sẽ đọc lại. Bởi bất cứ truyện nào trong tập Hoa trong tuyết khi đọc rồi chúng ta khó rời mắt. Nếu không phải nhà thơ, Hoài Vũ khó chuyển ngữ một cách mượt mà, uyển chuyển, quyến rũ người đọc như vậy.
Và đó cũng là khát vọng của nhà thơ, dịch giả Hoài Vũ cùng những người thực hiện tập sách này.