Nhà văn trẻ - vào hội để làm gì?

(ĐTTCO) - Một thực tế chung ở các hội nhà văn (HNV) là tại các hoạt động hay những buổi sinh hoạt hội, đông đảo nhất vẫn là những mái đầu đã ngả bạc, còn những gương mặt trẻ thì hầu như vắng bóng. Phải chăng, các tác giả trẻ đã không còn mặn mà với hội.

Không còn là nơi thu hút

Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch HNV TPHCM, nếu tiêu chí trẻ được giới hạn từ 35 tuổi trở xuống thì hiện tại HNV TPHCM đang có khoảng 50 người trên tổng số 470 hội viên (hơn 10%). TPHCM được xem là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước; đồng thời cũng là nơi hội tụ nhiều anh tài, trong đó có văn chương. Vậy nhưng, việc số lượng hội viên trẻ HNV TPHCM chỉ dừng lại khoảng 50 người, có thể xem là một minh chứng cho thấy hội không còn là nơi thu hút các nhà văn trẻ.

Một trong những điều kiện để trở thành hội viên của HNV là tác giả phải có từ 2 đầu sách trở lên. Nhà văn trẻ Thái Cường (sinh năm 1992, đang sống và làm việc tại TPHCM), là tác giả của 3 tiểu thuyết: Những mảnh mắt nhìn, Gam lam không thực và Người chết thuê, nhưng cho đến nay anh vẫn chưa phải là hội viên của HNV TPHCM.

Thậm chí, khi nhắc đến tên hội, tác giả trẻ này còn không giấu được ngạc nhiên: “Tôi không biết cách thức HNV hoạt động như thế nào và chưa định hướng được mục tiêu của mình khi vào hội sẽ làm gì. Tôi không phải người viết chuyên nghiệp, không dành thời gian hoàn toàn cho việc viết như các nhà văn làm báo hay biên tập. Bởi vậy, tôi rất sợ tham gia vào HNV mà sau này không theo lâu dài, hay còn bận công việc riêng, hoặc mang danh nhà văn mà lâu rồi không ra tác phẩm”.  

Ở TPHCM hiện nay, nếu chiếu theo tiêu chí phải có 2 đầu sách, ngoài Thái Cường còn rất nhiều tác giả trẻ đã thừa tiêu chí nhưng vẫn không phải là hội viên của HNV TPHCM. Có thể kể đến những cái tên như: Nguyễn Thiên Ngân, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Hoàng Mai, Nồng Nàn Phố, Du Nguyên, Phạm Bá Diệp, Nguyễn Dương Quỳnh…

Đương nhiên, vào HNV hay bất kỳ một hội đoàn nào, đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Có điều, nếu như HNV đủ hấp dẫn, mang đến nhiều hoạt động thực sự bổ ích cho nghề cầm bút, thử hỏi các tác giả trẻ còn đứng ngoài cuộc nữa không? Trong khi, được kết nạp vào HNV là đích đến và là mơ ước của rất nhiều tác giả trẻ trước đây.

Nhà văn trẻ - vào hội để làm gì? ảnh 1Các đại biểu tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần 9

Trong một lần trò chuyện, nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã đề cập đến một thực tế: Các đoàn hội như HNV Việt Nam và các hội địa phương không còn sức hút với các cây viết trẻ, nhu cầu tạo danh bằng hội tịch đã không còn quyết liệt như các thế hệ trước.

Anh chia sẻ: “Ngày xưa thế hệ chúng tôi viết, đầu tiên là nhu cầu chia sẻ, sau là đến trách nhiệm công dân, và cuối cùng là vươn tới cái đích được kết nạp hội để được mở rộng tầm sinh hoạt. Một mơ ước nho nhỏ là được cấp tờ báo Văn nghệ hàng tuần. Nhưng giờ, những thứ mà tôi vừa nêu đã trở nên nhạt nhòa, khiến các bạn trẻ không còn hứng thú chăng? Rất có thể công nghệ thông tin đã làm thay đổi tất cả, từ nhu cầu thu nạp thông tin tới nhu cầu gặp gỡ giao lưu, nhu cầu đọc...”.

Nhà văn trẻ Võ Thu Hương, hội viên HNV TPHCM và là hội viên HNV Việt Nam, chia sẻ lý do vào hội: “Khi còn là một tác giả trẻ, tôi cũng như nhiều bạn bè viết lách chơi chung, cùng làm đơn xin vào HNV TPHCM sau khi tham gia một vài sân chơi, dự hội nghị những người viết trẻ… Tôi và các bạn ấy nghĩ rằng, có chung một điểm đến sinh hoạt cùng nhau sẽ khiến chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, sẻ chia nhiều hơn”.

Được hỏi về kỳ vọng khi vào HNV, nhà văn trẻ Võ Thu Hương cho biết: “Tôi không kỳ vọng vào điều gì cả, ngoài mong muốn được chia sẻ và tìm được những tiếng nói chung, sự đồng cảm với các thành viên trong hội. Tôi không quan hệ rộng, khá ít bạn bè nhưng những người bạn viết lách của tôi có ít nhiều sự đồng cảm. Trong số ấy, có một số bạn (anh, chị, cô, chú) là những người mà tôi làm quen được sau khi vào hội. Với tôi, như vậy là đáng mừng rồi”.

“Trang bị kỹ năng thông qua việc đọc, việc học là những nỗ lực của bản thân; bên cạnh đó, việc tham gia vào các hoạt động của hội ở khía cạnh nào đó cũng là gợi mở để các bạn nâng cao trình độ, khả năng của mình. Việc trao đổi với những người cùng thời hay khác thời, ít nhiều cũng tạo ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân, và điều đó có lợi cho người viết”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu phát biểu.

Cần có nhiều hoạt động để thu hút

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chỉ ra sự khác nhau giữa các thế hệ viết văn: “Lứa viết trẻ cách đây 10 năm, 20 năm rất khác với bây giờ. Họ ở trong cái guồng mà nền kinh tế thị trường chưa tác động mạnh, dẫn đến việc tiếp xúc với “thần tượng” trong văn học là một may mắn. Còn bây giờ, do thông tin phát triển mạnh, thuận tiện cho việc giao kết bạn bè, cho nên những người viết trẻ nhận thấy việc vào hội để học tập người khác là chuyện bình thường, không còn là cơ hội hiếm hoi nữa”.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch HNV TPHCM, còn một lý do nữa là sự dễ dãi của người đọc trong việc tiếp nhận các xuất bản phẩm khiến những người viết trẻ cảm thấy dễ thành công. “Việc cảm thấy dễ thành công và tự làm khó mình để có những kinh nghiệm trong nghề nghiệp là một sự đối chọi. Các bạn thấy việc viết trở nên dễ dàng, chỉ cần đăng tải lên mạng xã hội là có người đón nhận, rồi còn được in sách với số lượng lớn. Chính điều này cũng là yếu tố khiến các bạn không mặn mà vào hội”.

Nhà văn trẻ Võ Thu Hương có lý do khác: “Có thể vì số lượng nhà văn già trong hội áp đảo so với nhà văn trẻ. Cũng có thể chưa có nhiều hoạt động hấp dẫn người trẻ. Dấu ấn “trẻ” trong hội, khách quan mà nói, tôi chỉ thấy ở một số chương trình trình diễn thơ trẻ mà các nhà thơ (đa số là phía Bắc) đã rất nỗ lực tạo dựng. Ở văn xuôi, lý luận phê bình, dấu ấn trẻ không có gì đáng kể. Đa số người trẻ đều không thích tìm đến những nơi thiếu dấu ấn, thiếu sự đồng cảm. Ngoài ra, trong số bạn bè viết lách của tôi, những bạn vào hội hay nằm ngoài hội cũng không có gì khác biệt nhau. Chính sự không có gì khác biệt cũng là nguyên nhân khiến các bạn chưa mặn mà”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cho rằng, với những người trẻ, họ có sự năng động, sôi nổi nên đòi hỏi những hoạt động riêng, trong khi hoạt động của HNV còn mang nặng tính già cỗi. Đó cũng chính là lý do không thu hút được lực lượng trẻ.

Phó Chủ tịch HNV TPHCM nhìn nhận: “Hội có đóng vai trò gì với những người viết trẻ hay không là do các hoạt động của hội, chủ yếu là do Ban Văn trẻ. Chính hoạt động của Ban Văn trẻ là nguồn để giới thiệu hội viên mới. Còn bây giờ, các nhà văn trẻ có thể thành danh thông qua các NXB chứ không phải thông qua các hoạt động của hội”.Hiện tại, ngoại trừ sân thơ trẻ được tổ chức vào Ngày thơ Việt Nam hàng năm thì Hội nghị Những người viết văn trẻ tổ chức 5 năm/lần, theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu là chưa đủ.

“Vấn đề ở đây đòi hỏi những người trong Ban Văn trẻ phải thực sự năng động, nghĩ ra những sáng kiến để tổ chức các hoạt động thu hút các bạn trẻ. Thực ra, có một cái khó nữa là các bạn trẻ thường bận rộn công việc nên thời gian dành cho hoạt động hội có phần hạn chế, dẫn đến hoạt động không rộng rãi, mà đã không rộng rãi thì không thu hút. Nó có vòng luẩn quẩn như vậy”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đúc kết.

Các tin khác