Vì vậy, tôi nghĩ, sự ra đi, đối với ông, cũng là sự giải thoát. 72 năm trên cuộc đời, Phú Quang đã có một sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy.
Tôi dám chắc, Phú Quang là nhạc sĩ chịu khó đọc thơ nhất Việt Nam, đọc mọi loại thơ mà không hề kén chọn tên tuổi hay thân phận tác giả. Thậm chí, phần lớn nhà thơ đều không thuộc nhiều thơ và không gần gũi với nhiều nhà thơ bằng Phú Quang. Dù chỉ mượn một ý của nhà thơ để viết ca khúc, thì Phú Quang cũng ghi chú rõ ràng và trả thù lao sòng phẳng.
Phú Quang có tài phổ thơ, không hề thua kém những bậc thầy phổ thơ như Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu hoặc Hoàng Hiệp. Phú Quang có hơn 100 ca khúc phổ thơ. Phú Quang tối giản khúc thức đến mức vài tác phẩm gần như là hát thơ. Có nhiều bài thơ khiêm nhường trên trang giấy, được giai điệu của Phú Quang chắp cánh mà lan tỏa rộn ràng khắp nơi.
Phú Quang có những ca khúc tự viết lời cũng rất bay bổng như “Thương lắm tóc dài ơi”, “Gửi một tình yêu”, “Điều giản dị”, “Về lại phố xưa”... Tại sao ông lại say mê phổ thơ? Phú Quang thổ lộ: “Các nhà thơ đã rút lòng họ ra câu chữ lóng lánh như tơ lụa, thì mình dại gì không kế thừa và trưng dụng. Nhạc sĩ đừng bao giờ cạnh hay chữ, mà cạnh tranh với hồn vía của các nhà thơ. Sự tương tác thơ – nhạc là một thái độ chuyên nghiệp”.
Cách đây 1/4 thế kỷ, khi tôi chập chững nhập cư Sài Gòn, đã có cơ duyên gặp gỡ Phú Quang. Vì tôi làm thơ, nên được ông quý mến. Ngoài những cuộc thù tạc tại căn nhà to của ông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thỉnh thoảng buổi chiều ông lại rủ tôi ra ngồi quán cà phê Thiên Hà của con gái nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, ở góc phố Lê Thánh Tôn - Tôn Đức Thắng.
Rồi Phú Quang mở nhà hàng Catinat, điểm hẹn lại chuyển về địa chỉ kinh doanh của ông trên đường Đồng Khởi. Vài năm, nhà hàng Catinat đóng cửa, ông chia tay người vợ thứ hai, điểm hẹn lại là căn nhà nhỏ của riêng ông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trò chuyện với Phú Quang rất thú vị, vì ông thông minh và hoạt ngôn. Năm 2003, tôi in tập thơ “Phố tình riêng”, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Tôi tặng Phú Quang hôm trước, trưa hôm sau đã thấy ông gọi điện thoại: “Đêm qua anh đọc hết tập thơ rồi. Sáng nay, anh dậy sớm phổ nhạc bài “Dịu dàng ơi”. Em chạy qua nghe thử”.
Tôi hí hửng đến. Giọng rượu của Phú Quang thì hát cũng phiêu diêu. Phú Quang bảo: “Anh sẽ thu âm cho Quang Lý bài này”. Ít lâu, ca sĩ Quang Lý đem ca khúc “Dịu dàng ơi” lên sân khấu rất hoành tráng và đưa vào nhiều album. Quan trọng hơn, Phú Quang dò hỏi: “Tập thơ “Phố tình riêng” in hết bao nhiêu tiền?”. Tôi đáp 4,5 triệu đồng. Lập tức Phú Quang rút túi 5 triệu đồng đưa cho tôi: “Tác quyền bài “Dịu dàng ơi” nhé!”. Tác quyền phổ nhạc một bài thơ mà dư in một tập thơ. Chỉ có Phú Quang mới trân trọng thơ như vậy.
Ngoài khả năng sáng tác, Phú Quang có đầu óc kinh tế vượt xa giới nghệ sĩ vốn mơ mộng gió trăng. Phú Quang tổ chức chương trình ca nhạc rất ăn khách. Phú Quang sản xuất băng đĩa bán chạy như tôm tươi. Thỉnh thoảng, Phú Quang làm những bộ lịch sang trọng đính kèm dăm bản nhạc, phát hành khá đắt hàng.
Năm 2008, Phú Quang chuyển sang Hà Nội, cưới vợ thứ ba và ở căn nhà trên đường Nước Phần Lan, tôi chỉ thăm ông được một lần. Cuối năm 2019, Phú Quang vào Sài Gòn, đề nghị tôi đưa đi nghĩa trang Bình Dương để thắp hương cho nhà thơ Thanh Tùng. Dịp ấy, Phú Quang hé lộ khởi viết một cuốn sách về các nhà thơ mà ông từng phổ nhạc.
Theo bảng “thống kê” mà Phú Quang cho tôi xem, thì gồm cả danh sách dài các nhà thơ: Phan Vũ, Thanh Tùng, Hữu Thỉnh, Thái Thăng Long, Ý Nhi, Hoàng Hưng, Giáng Vân, Thảo Phương, Phan Đan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Tường, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương, Trần Anh Thái, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hải Thảo, Tạ Quốc Chương, Trần Hữu Lục, Hồng Thanh Quang, Từ Kế Tường, PN Thường Đoan, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Hoàng, Chu Hoạch...
Đầu năm 2020, Phú Quang ngả bệnh và chìm vào hôn mê. Mọi đam mê sáng tạo của ông đã dừng lại. Và bây giờ, trái tim đắm đuối thi ca của nhạc sĩ Phú Quang cũng đã ngừng đập.
Công chúng tiếc nuối “làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy”. Công chúng bồi hồi “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng”. Công chúng ngẩn ngơ “ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may”. Còn nhạc sĩ Phú Quang thong dong vẫy chào cõi nhân sinh bận bịu mà ông gửi gắm bao nhiêu lời ca nồng nàn: “Ngày mai ta bỏ đi, trần gian xin trả lại. Đá tảng nào vô tri, chết một đời rêu xanh”.