Nhận diện cổ phiếu bèo (K2): Đã rẻ còn không thanh khoản

Số mã CP đang giao dịch ở mức giá cực rẻ trên sàn HNX chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, nhiều mã CP trong số này gần như không có thanh khoản, khiến NĐT muốn cắt lỗ cũng không xong.

Số mã CP đang giao dịch ở mức giá cực rẻ trên sàn HNX chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, nhiều mã CP trong số này gần như không có thanh khoản, khiến NĐT muốn cắt lỗ cũng không xong. 

Nhận diện CP bèo (K1): HOSE - La liệt dưới 2.000 đồng

Quá nhiều bệnh

Theo thống kê, số mã CP đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) trên sàn HNX là 171/367. Trong đó có 65 mã đang giao dịch dưới 5.000 đồng/CP, 25 mã đang giao dịch dưới mức 3.000 đồng/CP và 10 mã đang giao dịch dưới mốc 2.000 đồng/CP.

Các mã CP hiện đang được giao dịch dưới mức 2.000 đồng/CP gồm:  CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á (BAM), CTCP Vinam (CVN), CTCP Hưng Đạo Container (HDO), CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL), CTCP Khoáng sản luyện kim màu (KSK), CTCP Đầu tư và Xây dựng DBC Việt Nam (MCO), CTCP Đầu tư PV2 (PV2), CTCP Địa ốc dầu khí (PVL), CTCP Sara Việt Nam (SRA), CTCP Xây dựng số 5 (VC5).

Nếu nhóm CP bèo trên sàn HOSE vẫn duy trì được thanh khoản, phần lớn nhóm CP bèo trên sàn HNX lại lâm vào cảnh cạn kiệt thanh khoản. Đơn cử mã SRA, theo thống kê, trong khoảng 1 tháng trở lại đây chỉ có 2 phiên giao dịch có CP khớp lệnh, nhưng trong 2 phiên này chỉ có vỏn vẹn 1.100 CP.

Mã CP có thanh khoản nhỉnh hơn chút đỉnh như MCO cũng có nhiều phiên không có bất cứ giao dịch nào, mà nếu có giao dịch cũng chỉ vài ngàn CP được chuyển nhượng. Chính vì không có thanh khoản nên nhóm CP bèo trên sàn HNX lâm vào cảnh ảm đạm. Nhiều NĐT than phiền nắm CP khi giá cao chót vót nay chỉ còn vài ngàn, nhưng muốn bán không được vì không có người mua.   

Câu hỏi đặt ra tại sao giá CP rẻ như vậy nhưng vẫn không có người mua? Theo lý giải của giới phân tích, hầu hết các mã CP giá rẻ đều có vấn đề như: kết quả kinh doanh èo uột, thua lỗ kéo dài hoặc liên tục vi phạm công bố thông tin và thậm chí vừa thua lỗ vừa vi phạm công bố thông tin.

Đơn cử trường hợp của MCO, bị HNX đưa vào diện cảnh báo do thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên TTCK. Thậm chí, HNX còn ra “tối hậu thư”: Nếu MCO không khắc phục được tình trạng này sẽ bị dưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch theo quy định.

Một trường hợp khác là VC5, bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8-4 do lợi nhuận sau thuế năm 2014 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm ngày 31-12-2014 là con số âm. Đến tháng 8, mã CP này lại tiếp tục bị HNX đưa vào diện kiểm soát do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC bán niên soát xét năm 2015.

Cá biệt là mã SRA vừa được HNX chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo do khắc phục được tình trạng thua lỗ trong năm 2014. Thế nhưng, giá CP SRA vẫn bất động ở mức giá 1.900 đồng/CP, bởi NĐT đã không còn tin vào sự chuyển biến của doanh nghiệp sau hàng loạt vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, SRA vẫn chưa thể tổ chức được ĐHCĐ năm 2015 do có quá ít cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.

Bài toán thanh khoản

Câu chuyện của SRA đã phần nào nói lên sự ảm đạm của các mã CP bèo đang giao dịch trên sàn HNX. Thậm chí, dù đón nhận thông tin tốt nhưng CP vẫn không thể tạo sóng trong sự hờ hững của NĐT và cổ đông của doanh nghiệp.

Có thể nói, thanh khoản đang trở thành bài toán khó mà HNX đang phải đối mặt, dù cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm lôi kéo dòng tiền. Đầu tiên là nâng cấp hệ thống giao dịch. Đến nay, HNX đã áp dụng hệ thống giao dịch phiên bản thứ 5 (core i5), áp dụng công nghệ xử lý khớp lệnh trên memory, gia tăng tốc độ xử lý của hệ thống lên tới 20-30 triệu lệnh/phiên giao dịch, tốc độ xử lý lệnh có thể đạt ngưỡng 15.000-20.000 lệnh/giây.

Song song đó, HNX đã áp dụng nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết và nâng cao ý thức minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp.

Từ năm 2009, HNX đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo, diễn đàn về quản trị công ty để tăng cường hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức thường niên chương trình chấm điểm quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết trên HNX và tôn vinh các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch nhất...

Năm 2015, chương trình này đã được đẩy mạnh hơn với 4 tuần lễ quản trị công ty được tổ chức vào 4 quý nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên HNX hướng tới quản trị công ty tốt.

Nhiều mã CP không có thanh khoản, khiến NĐT khó cắt lỗ.

Nhiều mã CP không có thanh khoản, khiến NĐT khó cắt lỗ.

Thế nhưng, kết quả của những giải pháp này chỉ được thể hiện trên phần nổi của tảng băng, đó là những mã CP lớn và mã CP có tính chất đầu cơ. Trong khi đó, phần chìm của tảng băng là những CP bèo, thậm chí CP có giá cao cũng không có thanh khoản.

Nếu CP có giá cao kém thanh khoản được lý giải là do số lượng CP trôi nổi quá ít nên khó mua bán, thì thanh khoản của nhóm CP bèo bắt nguồn từ vấn đề tâm lý của NĐT, đó là niềm tin. Một khi quyết định đầu tư vào nhóm CP bèo là NĐT đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận rủi ro, nhưng bù lại doanh nghiệp phải tạo ra sự yên tâm cho NĐT về những giải pháp khắc phục tình trạng thua lỗ hay vi phạm công bố thông tin để CP thoát khỏi danh sách cảnh báo hay kiềm soát.

Để khắc phục tình trạng này, UBCKNN nên nghĩ đến giải pháp mạnh tay hơn với các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài và CP của các doanh nghiệp không có giao dịch mua bán trên TTCK trong thời gian dài.

Các tin khác