Ngưỡng hỗ trợ của thị trường là khoảng 372 điểm đối với VN-Index; 50 điểm đối với HNX-Index.
Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội-SHS:
Ngưỡng hỗ trợ của thị trường là khoảng 372 điểm
Thị trường giảm điểm dần về cuối phiên, sau thời gian đầu phiên tăng nhẹ với thanh khoản thấp. Xét về điểm số, mức độ giảm điểm toàn thị trường không nhiều, chủ yếu do đà giảm của một số cổ phiếu vốn hóa (MSN, VCB, SSI, ACB, SHB...). Còn lại đa số cổ phiếu biến động giá không đáng kể.
Theo đồ thị intraday, thị trường đã có phản ứng khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật (đường MA50 của VN-Index; đường trendline giảm giá trung hạn của HNX-Index), thể hiện sự gia tăng của lực cầu giá thấp.
Tuy nhiên diễn biến phục hồi còn thiếu phổ biến, chỉ tập trung ở một số cổ phiếu. Mặt khác, thời gian phục hồi ngắn, không đi kèm với sự cải thiện tốt về thanh khoản chưa cho tín hiệu tích cực về động lực thị trường. Chỉ báo RSI vẫn đang trong xu hướng giảm, sau khi kiểm định không thành công đường baseline.
Phiên dao động hẹp với thanh khoản thấp chưa cho tín hiệu kỹ thuật mới về xu hướng thị trường. Trong phiên giao dịch ngày Thứ Hai, 26/11, thị trường dự báo tiếp tục dao động tích lũy theo chiều hướng giảm. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường là khoảng 372 điểm đối với VN-Index; 50 điểm đối với HNX-Index.
Chứng khoán Đầu tư Việt Nam-IVS:
Vẫn có lượng tiền kỳ vọng sẵn sàng tham gia trở lại
Thị trường thiếu thông tin tốt đủ mạnh để hấp dẫn dòng tiền cho dù đã có một vài thông tin như việc UBCK sẽ nới tỷ lệ Margin từ 6:4 lên thành 50:50. Và có lẽ ngay cả thông tin về chỉ số CPI tháng 11 đợc công bố khá thấp cũng khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Do vậy, với những diễn biến như tuần trước, chúng tôi cho rằng thị trường tuần tới sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh nhẹ. Có thể vẫn xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen, trong khi thanh khoản cả hai sàn tiếp tục ở mức thấp và hai chỉ số sẽ bị thử thách tại ngưỡng hỗ trợ.
Nhiều nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có lượng tiền tương đối vẫn đang kỳ vọng vào thị trường và sẵn sàng tham gia trở lại.
Theo IVS, có lẽ thị trường đang mong đợi chính là bản đề án thành lập Công ty mua bán nợ (AMC) do NHNN trình Chính phủ ngày 15/11 vừa qua có khả năng được triển khai vào Tháng 12 tới. Đây có lẽ mới là thông tin có tính đột phá đối với thị trường trong thời gian tới.
Chứng khoán Công thương-CTS:
Dòng tiền vẫn đóng băng
HOSE: Thị trường không có nhiều điều để nói khi thanh khoản tiếp tục suy giảm trầm trọng. Cả ngày giao dịch mới khớp được 18,2 triệu cổ phiếu mà đã có tới gần 3,5 triệu được thỏa thuận. Giá trị khớp lệnh giảm 31,3%. Nhưng cũng nhờ mức thanh khoản thận trọng này mà VN-Index không biến động nhiều, đóng cửa giảm 0,68 điểm.
Trong VN30, chỉ có GMD tăng trần với dư mua trần áp đảo nhờ kết quả kinh doanh tốt của quý 3. HPG cũng duy trì được sắc xanh tích cực từ đầu phiên. Các mã xanh còn lại tăng nhẹ. DLG, DXG và HBC đột ngột vọt lên sắc tím với KLGD cao đột biến so với bình thường trong khi các mã bất động sản khác hòa lẫn trong nhịp điệu giao dịch le lói và mệt mỏi của thị trường.
Tuy nhiên, tiền vào trong phiên chiều khá hơn phiên sáng và đổ vào cổ phiếu nhỏ giá rẻ cũng ít nhiều cho thấy nhà đầu tư vẫn còn bám sàn và lựa chọn rổ hàng hóa phù hợp.
HNX: Giá trị khớp lệnh chỉ đạt 78,2 tỷ trong đó 2 mã SHB và SCR đã chiếm 36%. Bên cạnh đó có SHN tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp và khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. PVL cũng tăng trần sau 1 phiên giảm sàn mặc dù kết quả kinh doanh không mấy tốt đẹp. Nhiều mã nhỏ giá rẻ như PV2, KSD, PVR… bất ngờ đóng cửa tại sắc tím. Với 106 mã tăng/71 mã giảm, HNX-Index xanh nhẹ 0,17 điểm.
Khối ngoại cũng mua bán rất ít trên HOSE, giá trị bán ròng chỉ 1 tỷ. Được mua ròng nhiều nhất là MBB cũng chỉ có 1,6 tỷ. Đứng sau đó là DRC, PHR, GMD, PVD. Bên phía bán ròng có VIC, DPM, TLG đều bị bán ròng trên 2 tỷ. Bên sàn Hà Nội, khối ngoại bán mạnh hơn, đạt 5 tỷ, đứng đầu là SHB với 5,8 tỷ.